Đã hết thời hiệu khởi kiện
Ngày 12/04/2023, Cục kiểm tra văn bản pháp luật - Bộ Tư pháp đã khẳng định: Công văn số 1658/STNMT-ĐKTKĐĐ ngày 22/03/2022 của Sở tài nguyên và Môi trường Hà Nội không đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 26/04/2023 Sở tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thừa nhận điều này thể hiện thông qua việc ban hành văn bản 2869 /STNMT-ĐKTKĐĐ bãi bỏ Công văn số 1658/STNMT-ĐKTKĐĐ.
Tuy nhiên, theo Luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật Pháp Trị, Đoàn Luật sư Hà Nội, trong trường hợp này, đến nay, người dân không thể khởi kiện hành chính được đối với Công văn số 1658/STNMT-ĐKTKĐĐ ngày 22/03/2022 của Sở tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Theo đó, thời hạn khởi kiện hành chính đã quá 01 năm tính từ ngày 22/03/2022 đến ngày 26/04/2023 căn cứ theo quy định tại điểm khoản 1, khoản 2, điều 116 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định.
Cụ thể, Điều 116 về Thời hiệu khởi kiện Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định:
“1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. 2. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau: a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.”
Ngoài việc dẫn chứng quy định nói trên, Luật sư Quách Thành Lực cũng cho rằng, văn bản của Sở TN&MT TP. Hà Nội có tính hướng dẫn, điều chỉnh nội bộ giữa có quan hành chính với nhau và không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của công dân theo điểm c, khoản 1 điều 30 Luật tố tụng hành chính năm 2015.
Cụ thể tại Điều 30. Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định “ 1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây: c) Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.”
Người dân có thể yêu cầu bồi thường
Liên hệ trường hợp những người dân, nhà đầu tư trong trường hợp chứng minh được thiệt hại của mình là do không thực hiện được việc tách thửa đất sau khi có văn bản của Sở TN&MT TP. Hà Nội, Luật sư Quách Thành Thực cho rằng người dân hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường theo quy định.
Theo đó, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 tại điều 6 xác định thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm cũng như xác định trách nhiệm.
Cụ thể, căn cứ yêu cầu bồi thường được xác định theo Điều 7 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định “1. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây: a) Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này; b) Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này; c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
2. Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:a) Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường.”
Bên cạnh đó, theo Luật sư Lực, chiếu theo Điều 8 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính thì văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính quy định tại Điều 17 của Luật này là “Quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định hành chính vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật”.
Như vậy, trong trường hợp này, khi đã xác định được văn bản của Sở TN&MT TP. Hà Nội ban hành vi hiến, trái pháp luật đã gây thiệt hại thực tế rất lớn cho người dân nên người dân có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
Việc Bồi thường phải đảm bảo Nguyên tắc bồi thường của Nhà nước theo điều 4 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Cụ thể, khoản 1 và 2, điều 4 quy định “1. Việc bồi thường của Nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật này. 2. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này”.