‘Phần mềm kế toán phổ biến nhất’ Việt Nam tiên phong ‘lên mây’ và lý do vui vẻ ‘vứt hàng triệu USD qua cửa sổ’

Duy Thắng- Hoàng Ly | 23:40 11/06/2023

MISA là công ty phần mềm Việt Nam tiên phong trong việc đưa sản phẩm “lên mây” (cloud) và bán phần mềm như một dịch vụ (SAAS) như Microsoft 365, Salesforce… Cũng nhờ “lên mây”, công ty này củng cố vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực phần mềm kế toán và có điều kiện mở rộng sang các lĩnh vực khác.

‘Phần mềm kế toán phổ biến nhất’ Việt Nam tiên phong ‘lên mây’ và lý do vui vẻ ‘vứt hàng triệu USD qua cửa sổ’
misa-2-title-1.jpg

Cho đến khi SAAS (phần mềm như một dịch vụ) trở thành một xu hướng trên thế giới, MISA đã phát triển từ một phần mềm kế toán đơn lẻ thành một phần mềm dịch vụ kiểu thuê bao như thế nào? 

Năm 2009, tôi đi Mỹ tham dự một hội thảo có nghe người ta nói về cloud (điện toán đám mây), xu hướng của cloud trong kỷ nguyên mới. Hồi đấy, tôi nghe thì cũng không hiểu lắm nhưng thấy thú vị. 

Sau đấy, tôi có về và nói với đội kỹ thuật của MISA là bây giờ mình phải làm cloud. Lúc bấy giờ, anh em MISA cũng chia sẻ, không biết cloud là cái gì thì sao mà làm được. Vậy nên tôi cho anh em 1 tháng để nghiên cứu, 3 tháng để làm thử và 6 tháng sau MISA có một sản phẩm thử nghiệm.

Phải nói rằng làm cloud là một thách thức cực kỳ lớn đối với lại những người làm phần mềm truyền thống, đặc biệt với những công ty đã là công ty phần mềm và thành công từ trước năm 2010 mà chuyển qua cloud.

Các bạn trẻ bây giờ ra trường, kiến thức nền, khái niệm, mô hình để làm về cloud rất dễ dàng, sẵn có trên thị trường. Còn lúc MISA chuyển đổi thì rất khó khăn. Trong nước hầu như không có ai làm, thậm chí, nước ngoài cũng rất hiếm không có nhiều người làm. Ở nước ngoài, chỉ có một số công ty thành công có thể kể đến như ZoHo, Salesforce, Google… nhiều công ty khác cũng chỉ ở giai đoạn bắt đầu nghiên cứu.

Ngày trước, khi triển khai phần mềm đóng gói thì chỉ cần chuyển giao phần mềm cho khách rồi khách tự cài vào máy của họ, mình không cần quan tâm, không thuộc phạm vi của mình nữa. Nhưng chuyển sang cloud thì phải lưu trữ trên data center (trung tâm dữ liệu). Chưa kể, giai đoạn 2010-2011, Việt Nam có rất ít bên cung cấp dịch vụ data center, nên MISA phải tự xây dựng. 

Cho nên hồi đấy, thách thức đầu tiên là về phần cứng, xây dựng data center. Tôi gọi hết tất cả các hãng cung cấp máy tính hồi đấy đến để trình bày xem cách xây dựng data center như thế nào. Cho đến bây giờ, mỗi một năm MISA vẫn đều đặn đầu tư khoảng trăm tỷ đồng cho data center.

businesspeople-working-finance-accounting-analyze-financial-graph-budget-planning-future-office-room.png

Thách thức thứ hai là bảo mật thông tin. Nếu ngày xưa khách hàng để trong mạng LAN thì cùng lắm chỉ dính virus thôi nhưng bây giờ khi dữ liệu được đưa lên cloud thì câu chuyện sẽ khác. Có những công ty làm về phần mềm rất oai nhưng không hề biết hacker đi ra đi vào hệ thống của công ty hàng ngày. Vừa rồi, bọn tôi thành lập một liên minh gọi là CYSEEX tập hợp nhiều công ty làm về cloud để tập trận nhằm nâng cao năng lực phòng thủ an ninh mạng.

Nhiều công ty rất tự hào về sự an toàn của hệ thống, tập trận xong sếp của họ bị sốc vì mạng lưới bị tấn công đủ chỗ, dữ liệu có nguy cơ bị hacker ăn cắp. Cho nên thách thức lớn nhất về cloud chính là bảo mật. Mình chỉ có thể tự hào rằng hôm nay mình vẫn đứng vững, vẫn sống sót chứ không thể nào mà nói ngày mai vẫn an toàn. Cuộc chiến về bảo mật an toàn thông tin là rất khủng khiếp, và càng ngày càng kinh khủng.

Thách thức thứ ba đến từ việc vận hành, làm thế nào để mà vận hành liên tục bởi vì cloud là server 24/7, bất cứ khi nào cloud sập thì sẽ có hàng trăm nghìn khách hàng bị ảnh hưởng. 

3 thách thức này rất lớn khiến các công ty nhỏ khi mới chuyển sang cloud không dễ dàng vượt qua, bởi họ phải đầu tư nhiều triệu USD mà không biết đi đến đâu. Còn tôi hồi đấy xác định đó là tương lai nên tập trung rất nhiều tiền bạc để đầu tư vào cloud.

Việc lên Cloud thành công có tác động như thế nào đến sự phát triển của MISA?

Việc lên cloud sẽ tạo cho MISA hai lợi thế. Lợi thế đầu tiên là phí trả tiền hàng năm. Ngày xưa, khi bán phần mềm đóng gói thì phải 3 năm, bạn mới có thể bán được bản nâng cấp nhưng bây giờ khách hàng trả tiền cho chúng tôi hàng năm. MISA là đơn vị trong nước, tiên phong về chuyện phần mềm trả tiền hàng năm. Điều này giúp MISA có một khoản doanh thu đều đặn để đầu tư phát triển sản phẩm.

misa-2-quote-1.jpg

Thứ 2, trên cloud hội tụ rất nhiều dữ liệu cũng như nghiệp vụ, tạo điều kiện cho MISA phát triển thêm các ứng dụng khác cho doanh nghiệp. Ngày xưa, khách hàng phải mua các phần mềm khác nhau của các công ty khác nhau.

Mỗi một bộ phận sẽ có một phần mềm và hầu như không kết nối liên thông với nhau. MISA từ năm 2010 đã đưa ra một khái niệm đầu tiên ở Việt Nam đó là nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS giúp các bộ phận, dữ liệu kết nối liên thông với nhau. 

misa-2-title-2.jpg

Ngoài phần mềm kế toán MISA phát triển phần mềm quản lý nhà hàng và cũng có những kết quả tốt. Nhân tố nào giúp MISA tạo ra một CukCuk thành công như vậy? 

CukCuk bây giờ có khoảng 20.000 khách hàng lớn đang sử dụng. Thời gian đầu, CukCuk nhắm đến các nhà hàng nhỏ lẻ dọc phố, đơn giản. Ban đầu bán được cho gần 40.000 khách hàng nhưng sau đó, tôi nhận thấy thị trường này không thể phát triển hơn nữa nên dừng lại ngay. 

Vì các nhà hàng đồ ăn đường phố ở Việt Nam trung bình một năm đóng cửa khoảng 35-40%. Tính thử, nếu tôi bán được cho 100 nhà hàng dù sản phẩm có tốt đến đâu thì đến cuối năm thì chỉ giữ được 55-60 nhà hàng, năm sau lại có 35-40 nhà hàng sẽ đóng cửa.

Trong khi đó, MISA hầu như không nhận được nhiều lợi nhuận đối với các khách hàng mới. Do đó, CukCuk đã phải thay đổi để tiếp cận hướng đến các khách hàng lớn, các nhà hàng lớn thường tồn tại 50-60 năm thậm chí đến cả 100 năm. 

Ngày xưa, khi mới làm ra CukCuk bản đầu tiên, đội ngũ MISA có ứng dụng thử trên một nhà hàng, triển khai xong, tôi cảm thấy không ổn và vứt đi dù đã mất 6-7 tháng trời công sức xây dựng.

Tiếp tục xây dựng bản thứ 2, triển khai được với khá nhiều nhà hàng nhưng tôi cảm thấy khả năng phát triển vẫn chưa thực sự tốt nên lần nữa tôi bắt bỏ đi làm lại lần nữa. Mỗi lần xây dựng lại một sản phẩm, bạn lại vứt qua cửa sổ hàng triệu USD. Rất nhiều công ty không làm sản phẩm phần mềm đóng gói là vì thế.

“Ném nhiều tiền qua cửa sổ” như thế anh có tiếc không?

Khi bắt đầu làm sản phẩm thì điều duy nhất tôi quan tâm không phải tiền bạc. Tôi quan tâm đến việc khi sản phẩm triển khai đến khách hàng, họ phải thốt lên “Wow, cái này hay quá, cái này chính là thứ tôi cần”.

Nếu không có sản phẩm tốt, dù có tiết kiệm đến mấy thì khi bán ra thị trường 10 đồng thì lại mất 20 đồng duy trì, sửa lỗi cho sản phẩm. Thà dũng cảm vứt luôn đi thì sẽ không mất thêm tiền nữa.

misa-2-quote-2.jpg

Vậy, khi nào thì anh biết sản phẩm của mình đã đạt chất lượng, thước đo của điều đó là gì?

Thước đo của bọn mình chính là sự hài lòng của khách hàng. Kể cả không đo theo bảng khảo sát khách hàng cũng rất dễ nhận biết vì chỉ cần có sự cố xảy ra, hay chất lượng không tốt thì nửa đêm chủ tịch lẫn ban lãnh đạo cũng sẽ nhận được điện thoại phàn nàn. Chủ tịch mà không bị gọi tức là sản phẩm đủ tốt (cười). 

Tất cả các kiểm tra, đánh giá của công ty cũng quan trọng nhưng không thể bằng sự hài lòng của khách hàng. Hàng trăm nghìn, chục nghìn khách hàng đang sử dụng thì áp lực đấy kinh khủng lắm.

Trong số 50 sản phẩm phần mềm của MISA, theo anh, đâu là sản phẩm thành công nhất thời gian gần đây?

Trong khoảng 15 năm tôi trực tiếp làm và đi bán phần mềm thì một trong những sản phẩm gần đây MISA làm rất thành công là hoá đơn điện tử. 

Thời gian đầu khi Tổng cục Thuế bắt đầu với hóa đơn điện tử thì MISA chưa tham gia, đến một ngày, bỗng nhiên, Tổng cục Thuế thông báo rằng giờ cả xã hội sẽ dùng hoá đơn điện tử thì lúc này MISA đã chậm hơn các đối thủ khác 5 năm.  

Tôi lập tức họp nhóm lại, lập nên một đội với thời hạn 6 tháng phải cho ra mắt sản phẩm hoá đơn điện tử. Đúng 6 tháng, MISA có sản phẩm và trong vòng 1 năm, sản phẩm vươn từ vị trí không có tên trên thị trường lên vị trí số 3 và hiện tại là vị trí số 2 và sẽ là vị trí số 1. Đến bây giờ, MISA là công ty sở hữu tệp khách hàng có giá trị nhất về hóa đơn điện tử. 

Có thể, một số đơn vị nói rằng họ có 200.000 doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử nhưng doanh nghiệp chủ yếu là các startup mới thành lập, một năm không dùng nhiều hoá đơn. MISA thì sở hữu tệp khách hàng đóng thuế nhiều, có nhiều hóa đơn hơn.  

misa-2-title-3.jpg

Một công ty phần mềm nhưng CEO làm liên tiếp 2 nhiệm kỳ lại không phải là một kỹ sư mà xuất thân là một kế toán. Vì sao HĐQT cũng như anh lại có lựa chọn lạ lùng vậy?

Nhiều người hay bất ngờ khi lãnh đạo MISA không phải dân IT. Thực ra, nếu mà có một người lãnh đạo vừa thạo về công nghệ, vừa thạo về kinh doanh rồi làm tốt về công tác, quản lý thì quá hoàn hảo. Nhưng mà thực ra cái đấy khó quá. 

MISA theo lối quản trị kiểu Mỹ, chúng tôi chia công việc thành những phần riêng biệt khác nhau. Nguyên tắc của MISA là làm việc theo nhóm, ai giỏi cái gì thì làm cái đấy. Tổng Giám đốc giỏi nhất về kinh doanh thì làm kinh doanh. Các vấn đề về phần mềm thì đã có Phó Tổng giám đốc phụ trách về sản xuất giải quyết.

1.4.jpg

Với quy mô nhân sự phát triển nhanh, văn hoá của MISA tập trung vào những yếu tố nào?

Chúng tôi xác định làm trong lĩnh vực công nghệ là phải học nhanh, thay đổi nhanh. Tất cả mọi người từ sếp đến nhân viên đều sẵn sàng với tâm thế như vậy. Những ai không chịu được áp lực thay đổi thì không ở lại MISA được.  

Những người đang làm việc và gắn bó lâu dài với MISA sẽ thấy việc thay đổi là đương nhiên vì đấy là văn hoá khác biệt ở đây. Chúng tôi quan niệm tất cả những gì thành công trong quá khứ có thể sẽ là rào cản trong tương lai, vì vậy, cần phải liên tục thay đổi.

Bên cạnh đó, MISA luôn đề cao việc làm việc quyết liệt, tập trung làm đến nơi đến chốn. Lãnh đạo cũng phải xông pha, phải đề cao kỷ luật và sự gương mẫu.

Ngoài ra, MISA luôn quan niệm lấy khách hàng làm trung tâm, chứ không phải sản phẩm hay công nghệ làm trung tâm. Chúng tôi quan niệm phải giải được bài toán của khách hàng, nói tiếng nói của khách hàng, hiểu được suy nghĩ của khách hàng thì mới tạo được thêm giá trị cho khách hàng.   

Quan điểm của chúng tôi là khách hàng luôn luôn đúng. Phục vụ khách hàng mà vì bất cứ lý do gì để khách hiểu nhầm dẫn đến việc khách hàng không hài lòng thì là lỗi của mình. Nhân viên có thái độ không tốt với khách hàng sẽ không thích hợp để làm việc tại MISA.

Sau nhiều năm xây dựng MISA và đưa công ty có vị thế trên thị trường, hiện giờ, giấc mơ mới của anh với MISA là gì?

Tôi vẫn muốn giữ giá trị cốt lõi, sứ mệnh của MISA chính là giúp cho các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam ở mảng kế toán, khai thuế. Đây là điểm cốt lõi chắc chắn MISA không bao giờ xem nhẹ. 

Bên cạnh đó, trong một kỷ nguyên về dữ liệu, cloud, MISA sẽ không chỉ là một phần mềm về khai thuế, kế toán mà sẽ trở thành công ty cung cấp công cụ quản trị doanh nghiệp toàn diện nhưng vẫn dưới dạng phần mềm đóng gói. 

MISA hiện nay cũng đang có một số dự án đầu tư cho tương lai, chẳng hạn như Nền tảng MISA ASP – giúp các đơn vị kế toán dịch vụ làm kế toán, khai thuế cho doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ cá thể. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tìm cách phát triển các dịch vụ về dữ liệu, giúp các khách hàng của MISA dễ dàng tiếp cận với vốn vay, tín dụng hơn. Mặc dù, mảng này chưa đem lại doanh thu đáng kể nhưng kết quả cho thấy trong tương lai sẽ thành công, giúp các doanh nghiệp SME có thể vay vốn được. 

Nền tảng MISA Lending mới triển khai vào tháng 10 năm ngoái nhưng con số giải ngân đã tăng lên đáng kể, lũy kế đến nay đã giải ngân được hơn 1000 tỷ cho doanh nghiệp.

misa-2-quote-3.jpg

Doanh thu của MISA đã vượt 1.000 tỷ đồng, vậy anh dự kiến bao giờ MISA sẽ đạt cột mốc mới 10.000 tỷ đồng?

Nếu kinh tế Việt Nam vẫn phát triển như những năm vừa qua, tôi nghĩ MISA có thể đạt được 10.000 tỷ trong 5 năm nữa. Còn nếu kinh tế suy thoái thì khó đạt được mục tiêu này vì dù sao ngành phần mềm vẫn là ngành dịch vụ “nước nổi bèo nổi”.

Cảm ơn anh!


(0) Bình luận
‘Phần mềm kế toán phổ biến nhất’ Việt Nam tiên phong ‘lên mây’ và lý do vui vẻ ‘vứt hàng triệu USD qua cửa sổ’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO