PGBank và “bài toán” khó mang tên Luật TCTD 2024 sau khi xuất hiện bóng dáng TC Group

Lê Sáng | 12:44 18/07/2024

Theo Luật các TCTD sửa đổi năm 2024, PGBank được cho là sẽ có nhiều việc cần làm để đáp ứng các quy định trong việc công bố thông tin của ngân hàng và đảm bảo tỉ lệ sở hữu của cổ đông.

PGBank và “bài toán” khó mang tên Luật TCTD 2024 sau khi xuất hiện bóng dáng TC Group
PGBank và bài toán khó mang tên Luật TCTD 2024 sau khi xuất hiện bóng dáng TC Group

Vi phạm hành chính nhiều lần, PGBank bị UBCKNN phạt 157,5 triệu đồng

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) vừa bị UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính 157,5 triệu đồng liên quan đến việc cung cấp thông tin theo quy định với tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần.

Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Phạm Thị Thanh Hường vừa ký ban hành Quyết định 283/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank).

Cụ thể, PGBank đã vi phạm công bố thông tin không đúng thời hạn, không đẩy đủ nội đung theo quy định của pháp luật với nhiều tài liệu phải công bố.

Bên cạnh đó, UBCKNN cũng xác định PGBank đã không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Tổng Giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm và báo cáo ĐHCĐ thường niên các năm 2022, 2023 theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, UBCKNN cũng xác định tình tiết tăng nặng của PGBank là vi phạm hành chính nhiều lần, PGBank không có tình tiết giảm nhẹ.

Với các hành vi vi phạm như trên, PGBank bị phạt tổng cộng số tiền là 157,5 triệu đồng. Trong đó, phạt 65 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định. Phạt 65 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ và phạt 27,5 triệu đồng do không đưa nội đung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Tổng Giám đốc, Giám đốc và người quản lý khách thành mục riêng trong BCTC hàng năm và Báo cáo ĐHCĐ tại cuộc họp thường niên.

Quyết định 283/QĐ-XPHC đã được giao cho ông Phạm Mạnh Thắng, người đại diện của tổ chức bị xử phạt là PGBank.

“Truyền thống” không công bố đầy đủ thù lao lãnh đạo

Thực tế cho thấy, kể từ năm 2020, khi bắt đầu lên sàn UPCoM, nội dung liên quan đến thù lao của các thành viên vẫn luôn không được công bố rõ ràng tại các văn bản của PGBank.

Ngoài thông tin về thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát được công bố tại Tờ trình ĐHĐCĐ, các văn bản khác của PGBank cũng không đề cập đến mức thù lao của nhân sự cấp cao.

Từ ngày 1/7, Luật các TCTD sửa đổi bắt đầu có hiệu lực. Trong đó quy định, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công khai thông tin.

Vào ngày 1/7, PGBank có thông báo về việc cung cấp, công bố công khai thông tin các cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 49, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024.

pgbank-cktt.jpg
Nguồn: PGBank

Theo đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cung cấp thông tin về họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu của cổ đông là người nước ngoài; số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này hoặc thay đổi thông tin về người có liên quan. Thời hạn công bố thông tin là 7 ngày làm việc kể từ ngày có phát sinh hoặc thay đổi thông tin.

Đến thời điểm hiện tại (ngày 18/7), PGBank vẫn chưa công bố công khai thêm thông tin nào về các cổ đông sở hửu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng.

3 cổ đông tổ chức đang sở hữu trên 10% vốn PGBank

Hiện nay, 3 cổ đông chiến lược của PGBank đều đang sở hữu quá 10% vốn điều lệ.

Cụ thể, công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh sở hữu 13,099% vốn. CTCP Quốc tế Cường Phát sở hữu 13,541% cổ phần có quyền biểu quyết. CTCP Thương mại Vũ Anh Đức có tỉ lệ sở hữu 13,359%.

pgbank-ti-le-so-huu-nguoiduatin-1721227887982728108022.png
Nguồn: PGBank

Trong năm 2024, dù PGBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm tối đa 800 tỷ đồng, từ 4.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, tại văn bản tăng vốn điều lệ của ngân hàng tỉ lệ trên dự kiến vẫn không thay đổi.

Tỷ lệ sở hữu trên có thể chưa phù hợp với quy định tại Khoản 2, Điều 63, Luật các TCTD (sửa đổi) hiện hành. Cụ thể, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD.

Theo quy định chuyển tiếp, các cổ đông này của PGBank tại khoản 11 Điều 210 Luật các TCTD 2024, cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

pgbank-cktt-1.jpg
PGBank ngày càng có quan hệ mật thiết với các đối tác trong nhóm TC Group. Nguồn: PGBank

3 cổ đông lớn và "bóng dáng" TC Group

Trở lại với 3 cổ đông chiến lược tại PGBank, nhóm cổ đông này đều xuất hiện sau thời điểm Petrolimex thoái toàn bộ 40% vốn tại ngân hàng này.

Đáng chú ý, 3 cổ đông này đều có mối liên quan với Tập đoàn Thành Công của ông Nguyễn Anh Tuấn. Cụ thể, Công ty CP Quốc tế Cường Phát do ông Nguyễn Văn Mạnh là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Ông Mạnh từng là cổ đông sáng lập của Công ty CP Quốc tế PL, pháp nhân do ông Nguyễn Toàn Thắng - em trai Chủ tịch Tập đoàn Thành Công (TC Group) Nguyễn Anh Tuấn sáng lập và sở hữu vốn.

Trong khi đó, cập nhật tới tháng 5/2022, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức do ông Vũ Văn Nhuân làm Chủ tịch HĐQT. Ông Nhuân từng được biết đến với vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH TCHB – đơn vị do Công ty CP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng sáng lập và sở hữu 100% vốn. Việt Hưng là một thành viên của Tập đoàn Thành Công, được thành lập bởi Công ty CP Tập đoàn Thành Công (60%), Công ty CP Huyndai Thành Công Việt Nam (25%) và Công ty TNHH TCG Land (15%).

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh do ông Nguyễn Tiến Dũng nắm giữ hơn 99% vốn điều lệ. Ông Dũng từng có thời gian làm giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty CP Sản xuất xây dựng CN Thành Công. Công ty này được thành lập vào tháng 8/2020 với 3 cổ đông sáng lập.

Theo các nội dung công bố thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp, tháng 4/2023 là thời điểm mà cả 3 pháp nhân kể trên tiến hành tăng vốn mạnh mẽ.

Cụ thể, vào ngày 20/4, Công ty CP Quốc tế Cường Phát đã tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 882 tỷ đồng. Tới ngày 28/4, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức cũng tăng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng. Cũng trong ngày 28/4, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh đã tăng vốn từ 8 tỷ đồng lên 853 tỷ đồng. Tổng vốn góp tăng lên của 3 doanh nghiệp này là 2.577 tỷ đồng, nhiều hơn số tiền 2.568 tỷ đồng được chi ra để mua vào gần 40% sở hữu tại PGBank.

Với tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông được cho là có liên hệ mật thiết với TC Group nói trên sẽ là bài toán đặt ra với PGBank trong việc đảm bảo chấp hành các quy định của Luật TCTD 2024. Tháng 8 tới đây, ngân hàng dự kiến họp ĐHĐCĐ bất thường, nhưng hiện trong nội dung tài liệu ĐHĐCĐ chỉ dự kiến bầu bổ sung thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025.

tc-group-pgbank.png

Những chuyển biến sau sự xuất hiện của TC Group tại PGBank

Sau khi đón nhóm cổ đông mới, tại PGBank cũng đã diễn ra nhiều sự thay đổi lớn. Ngân hàng đã chính thức đổi tên thương mại thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển, tên tiếng Anh là Prosperity and Growth Commercial Joint Stock Bank, viết tắt là PGBank.

Đồng thời thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mới với trung tâm của logo được thay thế bằng một chữ S cách điệu.

Bên cạnh đó, sau hơn 1 thập kỷ im hơi lặng tiếng, PGBank chính thức có kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu. Thời điểm tháng 3/2024, ngân hàng đã hoàn tất phân phối 120 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, mở rộng quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.

Dàn nhân sự cấp cao tại ngân hàng cũng liên tục biến động. Chỉ trong vòng 5 tháng, ngân hàng đã đổi 3 Chủ tịch HĐQT.

Ngoài ra, một cái tên đáng chú ý xuất hiện tại HĐQT PGBank là Phó Chủ tịch Đào Phong Trúc Đại. Ông Đào Phong Trúc Đại từng Thành viên HĐQT độc lập của Eximbank, đại diện của nhóm Tập đoàn Thành Công.

Bên cạnh đó, ông Đại từng đảm nhiệm nhiều chức vụ chủ chốt tại các doanh nghiệp "họ" Thành Công như Giám đốc Tài chính CTCP kỹ thuật dịch vụ Thành Công, Tổng Giám đốc CTCP Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành công Việt Hưng, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư PV-Inconess…

Tại ĐHĐCĐ hồi tháng 4 vừa qua, khi được hỏi về vai trò của Thành Công Group đối với PGBank, Thành Công sẽ hỗ trợ tái cấu trúc đối với PGBank như thế nào và liệu hệ sinh thái Thành Công Group có là lợi thế của ngân hàng, Ban lãnh đạo PGBank cho biết, Thành Công Group là một trong những đối tác chiến lược của PGBank.

Vì vậy, công ty sẽ tham gia với tư cách là một đối tác hỗ trợ, hợp tác trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Khi trả lời về các sản phẩm dịch vụ khác biệt với các ngân hàng khác trên thị trường, đại diện ngân hàng cũng cho biết sẽ thực hiện sản phẩm may đo cho khách hàng cá nhân thuộc đối tác chiến lược như TC Group, Petrolimex và nhóm hệ sinh thái liên quan. Đồng thời, ngân hàng tập trung bảo lãnh/cho vay các sản phẩm đại lý ô tô Hyundai do TC Group sản xuất, lắp ráp và phân phối tại Việt Nam.

Tại báo cáo tài chính quý I/2024 của CTCP Chứng khoán DSC, một công ty liên quan TC Group cho thấy, công ty này đang có khoản vay ngắn hạn 546 tỷ đồng tại PGBank, tăng hơn 21% so với 450 tỷ đồng hồi đầu năm.

Hồi tháng 5/2024, DSC cũng đã công bố quyết định của Chủ tịch HĐQT phê duyệt hợp đồng tín dụng tại PGBank. Theo đó, PGBank sẽ cho DSC vay 600 tỷ đồng trong thời hạn tối đa 12 tháng với mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh, đầu tư của công ty.

Chủ tịch và cổ đông lớn tại Chứng khoán DSC hiện nay là ông Nguyễn Đức Anh, con trai của ông Nguyễn Quốc Hoàn - Chủ tịch Tập đoàn Thành An. Ông Đức Anh cũng là cháu trai ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch của Tập đoàn Thành Công (TC Group).

Bài liên quan

(0) Bình luận
PGBank và “bài toán” khó mang tên Luật TCTD 2024 sau khi xuất hiện bóng dáng TC Group
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO