Petrovietnam muốn nghiên cứu sản xuất robot thám hiểm đáy biển đầu tiên của Việt Nam

Tri Túc | 18:01 14/04/2025

Tuyên bố này đưa ra sau khi PVN vừa chính thức đổi tên mới sau nửa thế kỷ hoạt động, từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam sang Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam.

Petrovietnam muốn nghiên cứu sản xuất robot thám hiểm đáy biển đầu tiên của Việt Nam

“Petrovietnam dự kiến sẽ nghiên cứu sản xuất robot thám hiểm đáy biển”, chia sẻ đáng chú ý mới đây của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo công tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số Petrovietnam (Ban Chỉ đạo) ngày 10/4/2025.

Tuyên bố này đưa ra sau khi PVN vừa chính thức đổi tên mới, trong đó Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn yêu cầu phải nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của Tập đoàn tập trung 3 nhóm chính gồm: Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và triển khai thực hiện.

TS Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam - cũng nhấn mạnh, việc đổi mới nghiên cứu khoa học là yêu cầu bắt buộc có tính tự thân để Tập đoàn phát triển lên một tầm cao mới.

Chính vì vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo cần nhanh chóng hoàn thiện bộ chiến lược, bộ chỉ số đánh giá về nghiên cứu khoa học công nghệ, định hướng thống nhất trong toàn tập đoàn về mô hình thực hiện chiến lược theo tinh thần của Kết luận 76 của Bộ Chính trị; Xây dựng công nghệ ứng dụng chiến lược, thương mại hóa sản phẩm đưa ra thị trường trong công tác nghiên cứu khoa học đóng góp vào tăng trưởng của Tập đoàn.

petrovietnam-se-chuyen-minh-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-20250411165815.jpeg
Ảnh: TS Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam - tại cuộc họp vừa qua.

PVN chưa có dự thảo hay thông tin cụ thể về việc sản xuất robot thám hiểm đáy biển, mục tiêu và ứng dụng. Nếu hoàn thành, đây là robot thám hiểm đáy biển đầu tiên của Việt Nam sản xuất. Hiện, ngành dầu khí Việt Nam đã và đang sử dụng các thiết bị dò đáy biển mua từ nước ngoài. 

Trên thế giới, việc đưa robot thám hiểm đáy biển để tìm xác tàu, khám phá đại dương... đã được thực hiện hơn thập niên qua.

Năm 2007, các nhà khoa học đại dương thuộc Trường Đại học Delaware (Mỹ) đưa vào sử dụng robot DOERRI - robot thăm dò đáy biển loại mới có thể giúp khám phá những bí mật địa chất học của vùng biển Đen và lịch sử vùng biển này. Robot dài 2,1 m và nặng 108 kg, được dùng để vẽ bản đồ đáy biển của vùng Biển đen ngoài khơi Sevastopol, Ukraine, mỗi ngày 14 giờ liên tục ở độ sâu 200m.

Cũng tại Mỹ, năm 2022, Robot hình người - Robot OceanOneK - của phòng thí nghiệm Stanford Robotics cũng chinh phục lặn sâu 1 kilomet để thu hồi cổ vật, thám hiểm xác tàu đắm và sửa chữa công trình dưới biển.

Theo thiết kế, OceanOneK mặt trước trông giống như một thợ lặn với cánh tay, bàn tay và đôi mắt có tầm nhìn 3D, thu lại thế giới dưới nước với đầy đủ màu sắc. Mặt sau của robot có máy tính và 8 động cơ đẩy đa hướng giúp nó khéo léo chuyển động vào những con tàu bị chìm.

images1343615_1.jpg
Ảnh: Robot hình người - Robot OceanOneK - của phòng thí nghiệm Stanford Robotics.

Mới nhất đầu năm nay, Trung Quốc tuyên bố đạt một bước tiến quan trọng trong công nghệ thám hiểm biển sâu khi triển khai thành công một robot siêu nhỏ xuống rãnh Mariana – điểm sâu nhất trên Trái Đất.

Robot biến hình này do các nhà nghiên cứu tại Đại học Beihang ở Bắc Kinh phát triển. Robot sử dụng các bộ truyền động kim loại thông minh để chuyển đổi áp suất nước cực cao thành động lực, giúp thiết bị có thể bơi, lướt và bò dưới rãnh Mariana sâu 10,7km.

robot.jpg
Ảnh: Robot Trung Quốc vừa chinh phục điểm sâu nhất trái đất.

Trở lại với PVN, việc ứng dụng công nghệ, AI vào sản xuất kinh doanh đang là chiến lược trọng tâm của Tập đoàn trong kỷ nguyên mới. Dẫn chứng báo cáo từ McKinsey, 60-90% hoạt động của ngành dầu khí có thể được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy.

Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo vượt xa giới hạn cải thiện nhanh hơn và tốt hơn các quy trình công việc. Từ các hoạt động thăm dò ban đầu đến việc đưa sản phẩm đến người dùng cuối, AI mở ra những phương pháp mới để thăm dò, phát triển, sản xuất, vận chuyển, chế biến và kinh doanh dầu khí.

Theo Bain & Company, các doanh nghiệp dầu khí có thể cải thiện hiệu suất từ 608% với việc tối ưu hoá dữ liệu. Việc số hoá hoạt động hạ nguồn có thể giúp tiết giảm 12-20% chi phí hoạt động, hiệu quả hoạt động tăng 8-12%.

Tổng Giám đốc PVN cũng nhấn mạnh, thực tế hiện nay mức độ phát triển khoa học công nghệ của Tập đoàn và các đơn vị thành viên đều đạt mức độ tiên tiến hàng đầu quốc gia.

Một số đơn vị có nền tảng phát triển khoa học công nghệ cao, tự động hóa cao như Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Cà Mau đã và đang nghiên cứu cho ra đời một số sản phẩm mới có chất lượng cao như xăng, sạch dùng cho máy bay, dầu nhờn nano, phân bón tan chậm, phân bón phục hồi đất...

Bên cạnh đó, các thành viên còn phát triển công nghệ sản xuất nâng cao công suất nhà máy vượt công suất thiết kế từ 10-20%, đồng thời tiến tới chuẩn nhà máy thông minh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Petrovietnam muốn nghiên cứu sản xuất robot thám hiểm đáy biển đầu tiên của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO