Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoãn áp dụng 90 ngày với thuế đối ứng với tất cả các quốc gia ngoại trừ Trung Quốc không lâu sau khi thuế này có hiệu lực hôm 2/4. Theo đó, phần lớn các quốc gia phải đối mặt với mức thuế quan cơ bản là 10% trong giai đoạn đàm phán thương mại song phương mới Mỹ để tránh thuế cao hơn.
Ông Trump tuyên bố muốn cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và đạt được mục tiêu mà ông gọi là “thống trị năng lượng”. Tổng thống Mỹ đã liên kết 2 mục tiêu này với nhau hồi đầu tuần và đề nghị Liên minh châu Âu (EU) mua thêm 350 tỷ USD năng lượng của Mỹ để xoá bỏ thặng dư thương mại.
“Họ sẽ phải mua năng lượng của chúng tôi vì họ cần nó”, ông Trump nói và cho biết EU có thể phải đối mặt với mức thuế đối ứng 20% nếu không đạt thoả thuận.
Mỹ là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 3 và xuất khẩu khí lớn nhất thế giới. Theo nghiên cứu của Barclays, năng lượng chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào năm 2024.
“LNG là mặt hàng mà các quốc gia có thể tăng cường nhập khẩu từ Mỹ”, phân tích của Barclays do Betty Jiang đứng đầu cho biết.
Và có những ví dụ cho thấy việc nhập LNG của Mỹ có thể giúp các quốc gia tránh được việc bị Chính quyền ông Trump áp thuế cao hơn.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết các khoản đầu tư tiềm năng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) vào một dự án LNG quan trọng ở Alaska có thể tạo thành cơ sở cho thoả thuận thương mại với các nền kinh tế đó. Họ không chỉ cung cấp tài chính cho dự án mà còn mua một lượng LNG đáng kể, ông Bessent nói.
“Đó có thể là một giải pháp tiềm năng vì nó không chỉ tạo thêm việc làm cho người Mỹ và còn thu hẹp thâm hụt thương mại”, ông Bessent nói. Dù là đồng minh thân cận nhưng Nhật Bản chịu thuế đối ứng 24% còn Hàn Quốc là 25% nếu họ không thể đạt được thoả thuận với Mỹ.
Ông Trump cũng đã tìm cách thúc đẩy xuất khẩu LNG kể từ khi nhập chức, tập trung vào phát triển các nguồn tài nguyên của Alaska. Ông ban hành một sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên nhậm chức, ưu tiên phát triển LNG tại tiểu bang này và nhấn mạnh tiếp trước Quốc hội Mỹ trong một phát biểu hồi tháng 3.
Dự án LNG Alaska được thiết kế để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ North Slope tới một cơ sở hoá lỏng tại Nikiski nhằm xuất sang châu Á. Dù cùng thuộc bang Alaska nhưng đường ống dẫn khí dài tới 1.250km. Theo một ước tính năm 2018, dự án này cần tới 40 tỷ USD để hoàn thiện.
Ông Doug Burgum, Bộ trưởng Nội vụ Mỹ, cho biết hồi tháng trước rằng dự án này là một trong những trọng tâm của Chính quyền ông Trump đối với an ninh và sự độc lập năng lượng của Mỹ.
EU, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện là những khách hàng mua LNG lớn nhất của Mỹ. Barclays cho biết EU mua 39%, Nhật Bản là 7% còn Hàn Quốc là 6% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ trong năm 2024.
Tham khảo: CNBC