Sau Nam Phi, Ấn Độ mới đây lên tiếng bác bỏ việc tham gia vào bất kỳ quá trình nào nhằm tạo ra một loại tiền tệ chung BRICS để thách thức đồng đô la Mỹ.
Ngày 30/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố trên mạng xã hội X rằng ông sẽ áp dụng thuế quan 100% đối với quốc gia theo đuổi chính sách phi đô la hóa.
Nhóm BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cũng như các quốc gia đang phát triển khác.
Nam Phi là quốc gia BRICS đầu tiên phản ứng lời đe dọa của ông Trump và đưa ra phản hồi chính thức ngay hôm sau.
“Gần đây, có nhiều thông tin không chính xác về việc BRICS đang có kế hoạch tạo ra một loại tiền tệ mới”, Bộ Quan hệ và Hợp tác Quốc tế Nam Phi (DIRCO) cho biết trong một tuyên bố vào ngày 1/12. “Đây không phải sự thật. Các cuộc thảo luận trong BRICS tập trung vào giao dịch giữa các quốc gia thành viên bằng cách sử dụng đồng nội tệ”.
DIRCO cũng cho biết Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS vẫn tiếp tục dựa vào đồng đô la Mỹ để đầu tư vào các quốc gia thành viên và các nền kinh tế đang phát triển khác. Giá trị đầu tư tính đến thời điểm hiện tại đã vượt 30 tỷ USD.
“Nam Phi ủng hộ tăng cường sử dụng tiền tệ quốc gia trong các giao dịch thương mại và tài chính quốc tế để giảm thiểu tác động của biến động tỷ giá hối đoái, thay vì tập trung vào phi đô la hóa”, báo cáo cho biết.
Gần đây nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ (EAM) S Jaishankar cũng đã đáp trả lời đe dọa của Trump, khẳng định chính phủ nước này không có ý định làm suy yếu đồng đô la Mỹ.
“Ấn Độ chưa bao giờ ủng hộ việc phi đô la hóa”, Jaishankar phát biểu trong một cuộc thảo luận tại Diễn đàn Doha ở Qatar. “Hiện tại, không có đề xuất nào về việc phát hành một loại tiền tệ BRICS”.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia thành viên BRICS không có lập trường thống nhất về vấn đề này, đồng thời ông Trump cùng Thủ tướng Ấn Độ hiện tại có mối quan hệ tốt đẹp.
“Thủ tướng Modi và ông Trump có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp”, Ngoại trưởng Jaishankar cho biết. “Chúng tôi đã nói rằng Ấn Độ chưa bao giờ ủng hộ việc phi đô la hóa. Hiện tại, không có đề xuất nào về tiền tệ BRICS. Nhóm thảo luận về các giao dịch tài chính. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi và chúng tôi không muốn làm suy yếu đồng đô la Mỹ chút nào”, ông nói.
BRICS hiện gồm 9 thành viên: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, UAE, Ai Cập, Iran và Ethiopia.
Theo Kitco News