Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên vừa qua của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán MWG), khi cổ đông hỏi về khả năng tham gia dịch vụ tiêm chủng, ông Nguyễn Đức Tài đã có chia sẻ đáng chú ý: “Đã đi nhiều nước nhưng chưa thấy nhà thuốc nào trên thế giới thực hiện tiêm chủng và không hiểu tại sao. Tốt nhất nhà thuốc tập trung bán thuốc cho ngon lành, bán đúng thuốc, đúng toa, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Chứ một ngày đẹp trời nào đó nhà thuốc đi tiêm chủng cho người chưa đã, sau đó tiêm chủng cho cả chó nữa thì rối tung tối mù lên".
Trong khi lãnh đạo An Khang còn đặt nghi vấn, thì thực ra trên thế giới việc chuỗi nhà thuốc kết hợp với dịch vụ tiêm chủng đã phát triển rất mạnh.
Đơn cử, chuỗi CVS Pharmacy - một trong những chuỗi nhà thuốc lớn nhất tại Mỹ, thuộc sở hữu của tập đoàn CVS Health – hiện đang cung cấp 4 dịch vụ chính, bao gồm:
+ Dược phẩm: Cung cấp thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, dịch vụ tư vấn dược sĩ, quản lý đơn thuốc trực tuyến và giao thuốc tận nhà.
+ Tiêm chủng: Cung cấp nhiều loại vắc-xin, bao gồm vắc-xin cúm, COVID-19 và các loại vắc-xin khác.
+ MinuteClinic: Các phòng khám nhỏ trong một số cửa hàng CVS cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các bệnh nhẹ, khám sức khỏe và tiêm chủng.
+ CVS HealthHUB: Một số địa điểm được nâng cấp thành HealthHUB cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mở rộng, tập trung vào sức khỏe và hạnh phúc.
+ Sản phẩm bán lẻ: Cung cấp thêm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, đồ dùng cá nhân, đồ ăn nhẹ, đồ gia dụng và các sản phẩm khác….
CVS cũng từng bán thuốc lá tuy nhiên đã ngưng dịch vụ này từ năm 2014 thông qua cam kết về sức khỏe cộng đồng. Trong xu hướng công nghệ hoá, CVS đã và đang ứng dụng công nghệ như cung cấp ứng dụng di động và trang web giúp khách hàng quản lý đơn thuốc, đặt lịch hẹn tiêm chủng và xem các ưu đãi….
Tính đến hiện tại, CVS Pharmacy có hơn 9.100 cửa hàng, phủ trên 51 tiểu bang và vùng lãnh thổ tại Mỹ.

Hay Walgreens cũng là một trong những chuỗi nhà thuốc lớn nhất tại Mỹ, có lịch sử lâu đời thành lập từ năm 1901 tại Chicago. Tính đến tháng 3/2025, Walgreens đã vận hành hơn 8.700 cửa hàng tại Mỹ.
Tương tự CVS, Walgreens hiện cung cấp đa dạng các dịch vụ từ dược phẩm, tiêm chủng, chăm sóc sức khoẻ đến cả dịch vụ tài chính cho khách hàng. Cụ thể, chuỗi hiện cung cấp 6 dịch vụ chính gồm:
+ Dược phẩm: Cung cấp thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, tư vấn dược sĩ, quản lý đơn thuốc trực tuyến và dịch vụ giao thuốc.
+ Tiêm chủng: Cung cấp nhiều loại vắc-xin, bao gồm vắc-xin cúm, COVID-19 và các loại vắc-xin khác.
+ Healthcare Clinic: Một số cửa hàng Walgreens có phòng khám cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các bệnh nhẹ, khám sức khỏe và tiêm chủng.
+ Sản phẩm bán lẻ: Bên cạnh dược phẩm, Walgreens còn bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, đồ dùng cá nhân, đồ ăn nhẹ, đồ gia dụng, đồ dùng theo mùa và các sản phẩm khác.
+ Chương trình khách hàng thân thiết myWalgreens: Chương trình tích điểm và nhận ưu đãi đặc biệt cho khách hàng.
+ Dịch vụ tài chính: Một số địa điểm cung cấp dịch vụ chuyển tiền và các dịch vụ tài chính khác.
Ngoài ra, nhiều chuỗi nhà thuốc khác tại Mỹ như Walmart Pharmacy, Rite Aid, Kroger Pharmacy… cũng đồng thời cung cấp dịch vụ tiêm chủng cho khách hàng.
Còn tại châu Âu, một thương hiệu nổi tiếng từ Vương quốc Anh là Boots cũng cung cấp đa dạng dịch vụ từ dược phẩm, chăm sóc sức khoẻ, bán mắt kính đến tiêm chủng cho nhiều loại bệnh (bao gồm vắc-xin du lịch: dịch vụ phổ biến cho những khách du lịch, du học sinh nhằm bảo vệ bản thân khỏi các bệnh truyền nhiễm tại nơi dự định đến).

Song song, loạt nhà thuốc khác ở châu Âu gồm LloydsPharmacy (Vương quốc Anh), Alliance Healthcare, Phoenix đều cung cấp dịch vụ tiêm chủng là một trong những dịch vụ chính, bên cạnh loạt dịch vụ về y tế, sức khoẻ, cá nhân khác.
Thị trường tiêm chủng tại Việt Nam có quy mô lên đến 2 tỷ USD
Tại Việt Nam, Long Châu đang đi theo xu hướng chung, cung cấp dược phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ kết hợp với tiêm chủng. Theo kế hoạch đề ra, Long Châu hướng đến phát triển thành một hệ sinh thái HealthCare, trong đó Công ty đã huy động vốn từ đối tác Creador để có thể thực hiện tham vọng này.
Tiêm chủng theo giới phân tích là một thị trường "màu mỡ" với giá trị lên đến hàng tỷ USD.
Theo báo cáo từ SSI Research, quy mô thị trường vaccine năm 2023 tại Việt Nam đạt 16.000 tỷ đồng - tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR, chương trình tiêm chủng miễn phí do Chính phủ cung cấp) đã đóng góp 900 tỷ đồng (ước tính dựa trên ngân sách được Bộ Y tế phân bổ cho giai đoạn 2021-2025). Trong khi tỷ lệ tiêm chủng cho các bệnh trong chương trình TMCR đạt 93-97% vào năm 2017 (dữ liệu của WHO), thì các bệnh chưa được đưa vào chương trình TCMR vẫn có tỷ lệ tiêm chủng thấp (dưới 5%).
Còn theo VCBS, thị trường vaccine Việt Nam được chia làm 2 phần lớn là tiêm chủng bắt buộc (trẻ em, phụ nữ mang thai) và tiêm chủng dịch vụ. Theo ước tính sơ bộ, quy mô thị trường này đến cuối 2023 khoảng 55.000 tỷ đồng (~2,2 tỷ USD). Với tỷ lệ sinh hàng năm tại Việt Nam ở mức 1,5 triệu trẻ em, VCBS ước tính quy mô của mảng tiêm chủng khoảng 15.000 tỷ đồng. Còn tiêm chủng dịch vụ (những vaccine không bắt buộc) có quy mô lên tới 40.000 tỷ đồng.
Báo cáo từ ACBS cho biết, nếu giả định sơ lược rằng một người trưởng thành có thể cần tiêm thêm ít nhất 3 loại vaccine tùy chọn (giả định đã hoàn tất tiêm 10 loại vắc xin bắt buộc), với giá 250.000 đồng/mũi, và mục tiêu đạt tỷ lệ bao phủ 50% dân số cả nước (khoảng 50 triệu người). Theo đó quy mô thị trường trong giả định này là 37.500 tỷ đồng (~1,5 tỷ USD). Con số này có thể cao hơn bởi các trung tâm tiêm chủng tư nhân còn có thể chia sẻ thị trường vắc xin bắt buộc.

An Khang muốn “rút kinh nghiệm” của chuỗi Điện Máy Xanh
Còn chuỗi An Khang, được biết tham gia từ giai đoạn 2017-2018 song MWG của ông Nguyễn Đức Tài đã tạm “gác lại” để tập trung đầu tư cho chuỗi Bách Hoá Xanh. Năm 2022, sau COVID-19, An Khang một lần nữa đề mục tiêu lớn song sau đó cũng chưa thực sự được đẩy mạnh.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em cũng thẳng thẳn thừa nhận chưa có kế hoạch mở rộng cho tương lai của An Khang, vì hiện tại vẫn còn nhiều thứ chưa định hình rõ ràng. "Chúng tôi chấp nhận đi chậm một chút để mở rộng phát triển", ông nhấn mạnh.
Riêng lý do không đa dạng các dịch vụ cho chuỗi An Khang, tại Đại hội, ông Tài cũng tâm sự bản thân muốn “rút kinh nghiệm” của chuỗi Điện Máy Xanh. Ông nói, trước đây, chuỗi Điện Máy Xanh cũng có một thời bán đủ mọi sản phẩm nhưng kết quả không hiệu quả. Tuy nhiên, khi tập trung vào sản phẩm cốt lõi, doanh nghiệp lại mang lại hiệu quả hơn. Do đó, ông Tài khẳng định ngày mà chuỗi An Khang hiện chỉ cung cấp các sản phẩm cốt lõi, và vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc.