Alliance Laundry Systems muốn gia nhập thị trường Việt Nam
Alliance Laundry Systems (ALS) được thành lập tại Mỹ vào năm 1908 với mục tiêu làm cho thế giới sạch hơn. Họ đã đầu tư hơn 300 triệu USD vào hoạt phục vụ nghiên cứu, phát triển và sản xuất cho ngành giặt sấy trong vòng 5 năm qua. ALS hiện có hơn 1.000 nhà phân phối và 9 văn phòng trực tiếp tại hơn 140 quốc gia. 05 thương hiệu máy giặt được biết đến rộng rãi nhất của ALS là Speed Queen, UniMac, Huebsch, Primus và IPSO.
Ngoài việc cung cấp các thiết bị công nghiệp, “ông lớn” đến từ Mỹ này cũng đã phát triển thành công mô hình nhượng quyền thương mại hệ thống cửa hàng tự giặt sấy trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các thị trường có đặc điểm tương tự với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia và Philippines.
Ông Sukree Kirai - Giám đốc Kinh doanh Cấp cao Khu vực của Alliance Laundry Systems, chia sẻ: "Hãy lấy Thái Lan làm ví dụ về sự tăng trưởng theo cấp số nhân của thị trường cửa hàng tự giặt sấy.
Cách đây 7 năm, Thái Lan gần như không có cửa hàng tự giặt sấy nào, thì đến hiện tại, gần như mọi khu phố của họ đều có một cửa hàng. Những phản hồi chúng tôi nhận được từ các đối tác tại Việt Nam về các thiết bị và giải pháp giặt sấy của ALS đều rất tích cực.
Thị trường Việt Nam và Thái Lan có nhiều điểm tương đồng lớn về văn hóa và hành vi của người tiêu dùng. Với kinh nghiệm của ALS tại Thái Lan và các thị trường châu Á khác, chúng tôi rất vui khi có thể hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực kinh doanh tương đối mới này ở Việt Nam”.
Tính đến năm 2022, số cửa hàng tự giặt sấy sử dụng thiết bị của ALS riêng ở Thái Lan đạt gần 2.200 cửa hàng, giúp công ty dẫn đầu thị trường nước này với 63% thị phần”.
Hiện tại, ALS đang tìm kiếm các doanh nghiệp địa phương mới có chung tầm nhìn và đam mê cùng dẫn đầu trong cuộc cách mạng hóa lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tự giặt sấy ở Việt Nam.
Theo lãnh đạo của ALS, thì Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn cho mô hình cửa hàng tự giặt sấy bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và quy mô thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng. Trong đó, tầng lớp trung lưu và thế hệ trẻ thành thị đang ngày càng thích nghi với các xu hướng tiêu dùng mới.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương vào tháng 5/2022, thị trường giặt sấy chuyên nghiệp tại Việt Nam ước đạt 205 triệu USD mỗi năm, với tốc độ tăng trưởng 6%, vượt xa mức trung bình châu Á là 3,6%. Một nghiên cứu khác trong năm 2022 cũng cho thấy: cả nước có khoảng 15.316 cửa hàng giặt sấy, hơn 60% trong số này được thành lập trong giai đoạn 2020–2022, trong đó hơn 96% là doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc hộ kinh doanh.
Mô hình kinh doanh ưa thích của các chủ doanh nghiệp Việt Nam là mô hình kết hợp giữa cửa hàng tự giặt sấy và dịch vụ giặt theo ký truyền thống với nhân viên phục vụ. Vì vậy, các cửa hàng tự giặt sấy mở ra cơ hội đầu tư tiềm năng khi thị trường đang phát triển với nhu cầu cao và cạnh tranh thấp.
Cũng theo nghiên cứu của ALS: thực tế là ở các thị trường ASEAN khác - nơi ALS có dấu ấn mạnh mẽ, cửa hàng tự giặt sấy là mô hình kinh doanh được các doanh nhân ngành giặt sấy thương mại ưa chuộng hơn. Nguyên nhân là do mô hình này có thể hoạt động mà không cần nhân viên trực 24/7 tại cửa hàng.
Ngoài ra, chu trình giặt và sấy cũng nhanh hơn (thường trong vòng một giờ), không giống như mô hình dịch vụ giặt sấy truyền thống. Và vì vậy, các cửa hàng giặt sấy thế hệ mới này có thể giúp tiết kiệm chi phí nhân công cũng như tăng tỷ suất hòa vốn (ROI).
Hơn nữa, mô hình nhượng quyền thương mại cửa hàng tự giặt sấy của ALS còn khác với các dịch vụ giặt sấy truyền thống ở tính kháng suy thoái kinh tế, với khả năng luôn mang lại tỷ suất hòa vốn (ROI) ổn định. Bên cạnh đó, các yếu tố khác thu hút nhà đầu tư bước vào ngành này bao gồm: quy trình vận hành hàng ngày đơn giản, cam kết về dịch vụ khách hàng tốt nhất trong ngành đảm bảo đáp ứng mong đợi của khách hàng với một khoản đầu tư tương đối.
“Những điều trên khiến mô hình cửa hàng tự giặt sấy trở thành một khoản đầu tư tốt, cho cả những ai muốn bắt đầu một doanh nghiệp mới và những ai đang có kế hoạch phát triển danh mục đầu tư kinh doanh hiện tại của mình”, ông Sukree Kirai kết luận.
Joins Pro của Masan vẫn đi khá chậm
Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh như ALS không mới, tuy nhiên thường thì các nhà sản xuất sẽ tìm đối tác độc quyền vận hành chứ họ không tự làm, ví dụ như sự hợp tác giữa LG và Cleanpro Việt Nam.
Theo giới thiệu trên website của Cleanpro Việt Nam thì họ là doanh nghiệp được thành lập, nhận nhượng quyền và tiếp nhận các thế mạnh từ Cleanpro Laundry Holdings Sdn. Bhd (Cleanpro.asia).
Cleanpro.asia có trụ sở tại Malaysia với 2 thương hiệu chuỗi cửa hàng tự giặt ủi là Cleanpro Express - thuộc phân khúc cao cấp dùng máy giặt Dexter đến từ Mỹ và Cleanpro Ibu Sayang – thuộc phân khúc bình dân dùng máy giặt LG hoặc Fagor.
Cleanpro Việt Nam có 3 mô hình kinh doanh. Đầu tiên là Hợp tác kinh doanh: đối tác có mặt bằng kinh doanh, Cleanpro Việt Nam có trang thiết bị và hệ thống quản lý cùng nhân sự chuyên nghiệp. Thứ hai là Gói Kinh doanh: đối tác là nhà kinh doanh và trực tiếp vận hành công việc theo kiểu truyền thống hoặc theo kiểu hiện đại (tự giặt sấy). Thứ ba là Gói Đầu tư: đối tác là nhà đầu tư, Cleanpro Việt Nam là đơn vị vận hành chính.
Cleanpro Việt Nam hiện phân phối 2 thương hiệu máy giặt là LG (chủ đạo) và Detex. Còn trên website Korealaudry.vn của LG và Cleanpro Việt Nam cập nhật vào 6/2020 cho thấy: hiện có 213 cửa hàng giặt sấy trên khắp Việt Nam sử dụng máy giặt LG Giant C. Vì Cleanpro Việt Nam đưa ra tới 3 mô hình kinh doanh, nên hệ thống cửa hàng của các đối tác hợp tác với họ khá hổ lốn và không có thương hiệu nào lớn.
Hiện tại, mô hình tự giặt sấy lớn nhất mà chúng tôi biết là hệ thống Wash & Go (chủ yếu tại TP.HCM) với 17 cửa hàng – trong đó có 2 địa điểm tích hợp với cửa hàng tiện lợi Coo.opSmile.
Ở khía cạnh khác, dù Joins Pro của Masan mới có 2 cửa hàng, nhưng không ai dám ‘khinh thường’ họ.
Vào tháng 5/2022, Công ty TNHH Giặt ủi Chuyên Nghiệp Joins Pro mở cửa hàng giặt ủi Joins Pro đầu tiên tại TP HCM. Theo lời giới thiệu của Masan, thì “Joins Pro là chuỗi giặt ủi bao gồm các dịch vụ từ cơ bản (giặt sấy, giặt là) đến cao cấp (giặt khô quần áo, quần áo cao cấp, tẩy, làm mềm vải với các vết bẩn cứng đầu, ố màu); khách hàng sẽ được cửa hàng nhận và giao quần áo tận nhà”.
Trong buổi ra mắt, đại diện lúc đó của Joins Pro cho biết: sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên, Joins Pro sẽ tiếp tục được nhân rộng ra toàn quốc và tích hợp vào các điểm bán lẻ Mini mall cùng các tiện ích khác như WinMart+, Phúc Long, Techcombank, Reddi và dược phẩm...
Tuy nhiên, không biết lý do gì mà Joins Pro đi rất chậm và cũng không thấy tích hợp vào Win như đã nói. Đến giữa tháng 8/2023, Joins Pro đã có tổng cộng 4 cửa hàng với mô hình mới là “tự giặt sấy”. Để sử dụng các máy giặt sấy ở cửa hàng thứ hai này, khách sẽ vào máy đổi tiền thành xu.
“Giặt sấy là ngành dịch vụ tiềm năng với giá trị ngành hàng gần 5.000 tỷ đồng mỗi năm và hơn 15.000 cửa hàng tính tới thời điểm năm 2021”, đại diện Joins Pro – Masan cho hay.
Như đã nói ở trên, hiện Alliance Laundry Systems đang tìm đối tác nhận quyền để thực hiện mục tiêu ‘xâm chiếm’ thị trường tự giặt sấy ở Việt Nam. Tuy nhiên, không biết là họ sẽ đi theo kiểu tìm một đối tác nhận quyền độc quyền hay hợp tác với nhiều đối tác khác nhau. Nếu Masan hợp tác độc quyền với ALS thì cả hai sẽ là đối tác và ngược lại thì họ sẽ là đối thủ.