Phát biểu mở đầu ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch Xây dựng Hoà Bình (HBC), ông Lê Viết Hải cho biết: “Theo BCTC 2022, lần đầu tiên HBC có lợi nhuận âm lên đến 2.575 tỷ đồng, riêng khoản trích lập nợ khó đòi chiếm đến 2.059 tỷ đồng. Là người chèo lái, tôi xin nhận trách nhiệm vì đã không đáp ứng lòng mong mỏi của cổ đông. Tôi cũng xin nhận trách nhiệm về những sự cố đã xảy ra làm ảnh hưởng đến uy tín HBC.
Nhưng, tôi không hề hổ thẹn vì đã làm hết mình, đem hết những gì có thể làm được để giúp Công ty trong thời kỳ khó khăn. Tôi trong mọi quyết định đều đưa quyền lợi cổ đông lên hàng đầu, thậm chí là phải hy sinh lợi ích của mình. Tôi mong cổ đông thông cảm cho tôi về kết quả kinh doanh vừa qua”.
Ông Hải cũng nhấn mạnh, HBC đang rất quyết liệt tái cấu trúc do tân CEO là ông Lê Văn Nam đảm nhiệm.
Trong đó, may mắn vừa bán được công ty Matec cùng trang thiết bị, tổng 1.185 tỷ từ Matec theo ông Nam có thể hạch toán được và thu lợi nhuận trong năm 2023 này. HBC tự tin trình kế hoạch kinh doanh 2023 tăng với doanh thu 12.500 tỷ đồng, LNST 125 tỷ đồng.
CEO cho biết thêm, trường hợp có xấu nhất HBC cũng sẽ đạt 9.500 tỷ doanh thu trong năm nay (tăng so với kế hoạch trước đó 7.500 tỷ đồng).
Chủ tịch Lê Viết Hải lần đầu nói về những giao dịch cá nhân với HBC
Khi cổ đông hỏi ông Hải về cụ thể về việc hy sinh quyền lợi vì cổ đông, đồng thời chất vấn về những giao dịch cá nhân của bản thân Chủ tịch. Ông Hải lần đầu chia sẻ giao dịch cá nhân với HBC và minh chứng cho tâm huyết với Công ty.
Thứ nhất, giao dịch cá nhân ông với HBC tại miếng đất 120 tỷ tại Phan Văn Hớn (quận 12, Tp.HCM). Điều này cũng được cổ đông hỏi đã phát sinh lâu, sao nay mới công bố? Theo ông Hải, năm 2020, ông đã có thông báo HĐQT về giao dịch này nhằm giảm khoản nợ cá nhân với công ty.
“Thật ra, khoảng tạm ứng của tôi cho HBC 120 tỷ thời điểm đó, cũng là phục vụ lợi ích cho cổ đông. Miếng đất tôi cho công ty sử dụng không phải đất trống, vì thực tế đã được xây dựng nhà kho, nhà xưởng văn phòng cho công ty con từ năm 1993 đến nay.
Đó là tài sản cá nhân chưa đưa vào góp vốn cho HBC, nhưng hơn 30 năm tôi chưa lấy một đồng tiền thuê nào từ HBC. Nếu tính ra đến nay thì chi phí này phải gấp nhiều lần so với giao dịch ghi nhận”, ông nói.
Thứ hai, năm 2022 khi HBC đạt đỉnh 32.000 đồng/cp, HBC có đạt được thoả thuận bán cho nhà đầu tư Nhật với giá 32.000 đồng/cp. Tuy nhiên, do trong các ngành nghề đăng ký kinh doanh của HBC có một số nhóm không được phép cho nhà đầu tư ngoại tham gia, nên khi nhà đầu tư Nhật đề nghị mua cổ phiếu của Chủ tịch vẫn với giá 32.000 đồng thì ông Hải đã từ chối. Dù rằng, lúc đó thị giá chỉ còn 17.000 đồng/cp.
Sau này, khi đối tác Nhật yêu cầu để thực hiện, phải có 5 triệu cổ phiếu từ cá nhân Chủ tịch phong toả tại tài khoản CTCK là SSI, ông Hải cho biết đã phải ký kết 3 bên.
“Chưa kể, để có thể có được 5 triệu cổ phiếu đó tôi đã bỏ ra 100 tỷ đồng. Hơn nữa, hiện toàn bộ cổ phiếu của tôi đã thế chấp tại ngân hàng để HBC phát hành trái phiếu, giải quyết vấn đề dòng tiền của Công ty lúc khó khăn. Khi, nhiều dự án, đặc biệt là dự án nghỉ dưỡng hoãn tiến độ, các chủ đầu tư chậm thanh toán cho HBC.
Bây giờ, tôi nhận lại gì? Đâu đó 5 triệu cổ phiếu giá trên sàn nay dưới 10.000 đồng/cp. Nhưng tôi chấp nhận, vì tôi luôn đặt quyền lợi cổ đông lên trên quyền lợi tôi”, ông Hải nói.
Bài học “xương máu” sau xung đột thượng tầng
Trong cao điểm xung đột thượng tầng vừa qua, phe đối lập xoay quanh những giao dịch cá nhân giữa gia đình ông Hải với HBC để kêu gọi miễn nhiệm ông Hải khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Trước thềm đại hội, người cuối cùng của phe đối lập đã rút khỏi HĐQT, chấm dứt “cuộc chiến vương quyền” đầy sóng gió.
Tại Đại hội, ông Hải cũng phân trần về “bài học” mình rút được sau sự cố trên. “Đây là vấn đề xuất phát từ cách thức quản lý của tôi, là sẵn sàng đưa người có năng lực, có cùng tầm nhìn… để tạo nên sự hợp lực lớn hơn. Tôi rất tiếc những bước đi ban đầu chưa thành công, nhưng HBC cũng đã xây dựng được nền móng tốt để thời gian tới triển khai điều này. Công ty đã có đối tác tiềm năng ở nước ngoài để khai thác hiệu quả… Tôi tin thời gian tới sau khi khắc phục được nội tại việc đi nước ngoài sẽ được triển khai quyết liệt và thành công hơn.
Những người tôi đưa về đúng là có phần chủ quan, không kiểm soát. Và tôi cũng không quan tâm Thành viên HĐQT còn lại đứng về phe nào, chỉ tuyển người có năng lực có cùng tầm nhìn. Vô hình, Thành viên HĐQT độc lập của HBC có đến 4/8 người trong HĐQT, chiếm 50% trong khi quy định chỉ cần có 2 Thành viên HĐQT”, ông nói.
Xung đột này cùng với tình hình khó khăn là nguyên nhân chính khiến HBC chưa có BCTC kiểm toán. Ông Lê Viết Hiếu nhấn mạnh với cố động hiện đơn vị kiểm toán của HBC đang cấp tốc hoàn thành, dự kiến 30/6 sẽ có BCTC kiểm toán.
Còn về lý do tại sao BCTC kiểm toán trễ, ông Hiếu chia sẻ cụ thể:
(i) có những ý kiến từ một số Thành viên HĐQT nên HBC phải bổ sung;
(ii) trích lập dự phòng. 2022 là năm khó khăn của thị trường bất động sản, nên kiểm toán rất thận trọng trong việc đánh giá lại năng lực của các chủ đầu tư. Đặc biệt là với các chủ đầu tư HBC đã kiện và đã có đơn thi hành án, thì kiểm toán cũng phải đánh giá kỹ lai năng lực của chủ đầu tư này.
Ví dụ, một bên nợ gốc HBC chỉ hơn 600 tỷ, nhưng theo đơn thi hành án thì dư nợ lên đến 1.000 tỷ và HBC đã thu hồi được hơn 500 tỷ. Hay với FLC, thì nợ gốc là 150 tỷ nhưng sau khi thi hành án thi án công nhận là hơn 300 tỷ…
Do đó, có những quan điểm khác nhau giữa đơn vị kiểm toán và HBC, nên HBC đã đang cung cấp thêm nhiều thông tin về các chủ đầu tư, để cho thấy HBC có thể không phải trích lập thêm.
(iii) một số dự án bất động sản đã dừng triển khai, nên cần thời gian để kiểm toán xem lại các hoạt động HBC đã làm.
Cuối cùng, liên quan đến giao dịch cổ phiếu HBC. Do chậm trễ BCTC kiểm toán, HBC đã bị hạn chế giao dịch từ ngày 17/5/2023. Công ty cho biết, theo quy định sau 6 tháng sẽ rà soát lại, và dự đến 17/11 HBC sau khi giải quyết xong có thể giao dịch bình thường trở lại.