Tháng 9/2024, cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình bị hủy niêm trên HoSE sau 18 năm. Nguyên nhân do tổng lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.
Xây dựng Hòa Bình đã gặp rất nhiều khó khăn kể từ sau dịch Covid-19 khi liên tiếp báo lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2022-2023. Cùng với đó, doanh thu của công ty này cũng đã giảm về mức hơn 7.500 tỷ đồng trong năm 2023, thấp nhất kể từ năm 2015.
Tại talk show The Investors được đồng tổ chức bởi CafeF và VPBankS, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình chia sẻ sự tiếc nuối vì đã không giữ được cổ phiếu HBC niêm yết trên sàn HoSE. Việc này khiến công ty gặp khó khăn hơn trong đấu thầu các dự án, trong việc giữ mối quan hệ với đối tác, ngân hàng và tìm kiếm thêm nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất vẫn thuộc về các cổ đông.
Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình cũng cho biết việc tìm kiếm nguồn vốn từ trong nước cũng như nước ngoài với công ty lúc này đều khó. Khi xuống UPCoM, thị giá cổ phiếu HBC chỉ bằng khoảng 50% mệnh giá, nên khó có thể phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Hai công ty ký MOU với Xây dựng Hòa Bình để phát hành cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp, nhưng gặp vấn đề không chứng minh được nguồn tài chính để đầu tư.
“Với việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ, chúng tôi đã trình bày với đối tác về giá trị thực của Hòa Bình. Họ nhìn ra vấn đề và đến nay nhà đầu tư trước đây vẫn quyết tâm mua 200 triệu cổ phiếu HBC với giá 10.000 đồng. Các đối tác của chúng tôi chỉ lo một điều là hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bị gián đoạn, nhưng thực tế chứng minh Hòa Bình vẫn hoạt động bình thường trong hai năm qua, vượt qua những khó khăn tài chính. Tuy nhiên chúng tôi không đặt quá nhiều hy vọng vào phương án này, quan trọng nhất là vẫn là giải quyết những vấn đề nội tại của công ty.”, ông Lê Viết Hải chia sẻ.
Chia sẻ về những giải pháp để gỡ khó cho Xây dựng Hòa Bình, ông Lê Viết Hải cho biết chiến lược phát triển ra thị trường nước ngoài là trọng tâm của doanh nghiệp để gỡ khó. Tuy nhiên, tình hình tài chính của công ty không cho phép nên triển khai chậm. Công ty vẫn đang tìm kiếm thị trường, giữ các mối quan hệ với bạn bè quốc tế để khi nào đủ điều kiện sẽ thâm nhập ngay.
Mục tiêu hướng tới là những thị trường có biên lợi nhuận cao và thiếu nguồn lực về mảng xây dựng. Ngoài thị trường Bắc Mỹ (gồm Mỹ, Canada) và Australia, công ty đã nghiên cứu thăm dò thị trường Nga và thị trường châu Phi, bắt đầu với Kenya. Đây là hai thị trường rất tiềm năng vì thiếu nguồn lực trong lĩnh vực xây dựng.
Ngành xây dựng Kenya đang rất lạc hậu, không khác gì Việt Nam sau giải phóng. Thậm chí họ còn không có cần cẩu, máy bơm bê tông… toàn làm bằng tay chân. Còn Nga thiếu nguồn nhân công chất lượng cao vì nhiều lý do. Nhà nước Nga cũng khuyến khích phát triển thị trường nội địa do cấm vận, trong đó có cả thúc đẩy ngành xây dựng đi lên. Nhiều dự án bất động sản tại Nga đang triển khai rất chậm vì thiếu nguồn lực.
Ngoài ra, Xây dựng Hòa Bình cùng lúc triển khai một số biện pháp khả thi có thể thực hiện ngay là thu hồi nợ nhanh chóng, mạnh mẽ hơn từ các khách hàng. Bên cạnh đó, với những dự án bất động sản Hòa Bình đã đầu tư có thể sẽ bán nếu thị trường thuận lợi hoặc triển khai nhanh hơn. Doanh nghiệp này sẽ tiếp tục thanh lý một phần máy móc thiết bị đã khấu hao gần hết để ghi nhận lợi nhuận.
Một giải pháp khác có thể đem về nguồn tiền là nhận chuyển nhượng dự án của đối tác và phát hành cổ phiếu cho họ. Một số nhà đầu tư đang muốn dùng giải pháp này. Ông Lê Viết Hải khẳng định chỉ chọn những dự án tốt để cùng phát triển với đối tác.
Về thời điểm trở lại HoSE, ông Lê Viết Hải cho rằng trước sau cổ phiếu HBC cũng sẽ trở lại HoSE. Theo như kế hoạch của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính, tới cuối năm 2026, toàn bộ cổ phiếu từ HNX và UPCOM sẽ chuyển về HoSE. “Nhưng tất nhiên điều quan trọng là phải làm thế nào để công ty có được kết quả kinh doanh thật tốt trong khả năng có thể. Mục tiêu trở lại HoSE chắc chắn phải đạt được”, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình khẳng định.