BTV Mùi Khánh Ly: Với gần 3 thập kỷ có mặt và đồng hành cùng thị trường khoán Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay?
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam: Đến thời điểm hiện tại, thị trường vốn nói chung đang tương đương 70% GDP, trong đó gồm có thị trường trái phiếu Chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu. Thị trường cổ phiếu đến bây giờ đang tương đương 50% GDP, ở mức cao điểm nó đã lên khoảng 78% GDP. Và theo như tôi biết thì mục tiêu của Bộ Tài chính là đến năm 2030 phải tương đương 120% GDP.
Như vậy, về mặt chung thì thị trường đang có phát triển nhưng vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển thêm trong 10 năm tới.
Năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn và thách thức với cả thế giới và Việt Nam, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã dần đi vào ổn định hơn sau quá trình xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán của năm 2022, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Chúng ta nên nhớ rằng giá trị quan trọng nhất trên thị trường chứng khoán không phải là yêu tố tài chính mà yếu tố uy tín, kinh nghiệm cũng như là niềm tin của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, kể cả các cơ quan của Nhà nước, niềm tin là vô cùng quan trọng.
Có thể nói, trong 10 năm gần đây thị trường chứng khoán của Việt Nam phát triển khá là nhanh về lượng, tức là giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán cách đây 10 năm khoảng chừng 35 tỷ USD, mà đến bây giờ là hơn 250 tỷ USD, tức là tăng gấp 8 lần trong 10 năm.
Trong khi đó, chúng ta thấy cấu trúc về quản lý, về định chế, về quản trị rủi ro, nôm na là về chất lượng thì chưa có phát triển tương ứng với tốc độ nhanh như thế. Cho nên, dù trong 2 năm nay các nhà đầu tư cũng đã chịu nhiều khó khăn, trong đó có chúng tôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ là chúng ta hãy bình tĩnh và hãy có tầm nhìn dài hạn một chút để chấp nhận sự điều chỉnh cần thiết và để tương lai thị trường an toàn hơn, hiệu quả hơn, có chất lượng hơn.
Về chất lượng hàng hóa hay là chất lượng các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường hiện nay đã cải thiện nhiều hơn chưa, theo ông?
Tôi đánh giá chất lượng của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì có nhiều loại. Thí dụ ở Việt Nam chúng ta có một hơn 1.500 doanh nghiệp trên cả ba sàn. Trong đó, nếu lấy khoảng chừng 70 doanh nghiệp hàng đầu thì đã chiếm 70%, 80% tổng giá trị vốn hóa của thị trường, điều này cũng giống như các thị trường khác thôi. Cho nên, khi nói đến chất lượng doanh nghiệp thì có lẽ tôi sẽ phải nói tới 70-80 doanh nghiệp hàng đầu này đã. Và chúng tôi khá hài lòng với những doanh nghiệp này.
Hiện thị trường có xấp xỉ 50 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD. Điểm thứ hai đó là về chất lượng quản trị, mô hình quản trị bền vững trong kinh doanh cũng đã được chú trọng nhiều hơn. Thứ ba là về mặt phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp này thì có lẽ là tùy thuộc ngành.
Như chúng ta biết là năm 2023 và có lẽ năm 2024, vai trò của ngành tài chính trên thị trường chứng khoán là rất lớn, còn vai trò của các ngành khác là cũng tùy vào các ngành, ví dụ các ngành như ngành bất động sản, hay ngành tiêu dùng vẫn còn những khó khăn…
Ông từng chia sẻ là có rất nhiều quỹ đầu tư quy mô cực lớn trên thế giới chưa từng đầu tư vào Việt Nam. Vậy thì theo ông, thị trường chứng khoán Việt Nam cần phải làm những gì để thu hút được dòng vốn này trong thời gian tới?
Nói chung, tổng thể, các nhà đầu tư nước ngoài đều có những đánh giá tích cực đối với Việt Nam về nhiều mặt, trong đó các đánh giá bao gồm sự ổn định về kinh tế tài chính, sự ổn định chính trị, xu hướng phát triển, và cả về mặt dân số trong đó bao gồm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những thách thức khiến cho Việt Nam vẫn chưa thu hút được hết các nguồn vốn đầu tư nước ngoài phản ánh đúng tiềm năng của mình. Mức đó là bao nhiêu thì cũng khó nói, nhưng có một bài nghiên cứu do Ngân hàng thế giới đưa ra là nếu đáp ứng các điều kiện thì Việt Nam có thể thu hút được khoảng 50 tỷ USD. Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là khả năng hấp thu dòng vốn vào và cho phép rút ra sao? Và Việt Nam thì chú trọng về mức độ ổn định.
Tuy nhiên, ở góc độ của một công ty quản lý quỹ, chúng tôi nhận thấy rằng, việc tham gia vào các công ty niêm yết tại Việt Nam vẫn còn một số khó khăn.
Một lý do mà người ta nói đến nhiều là hạn chế về tỷ lệ sở hữu, nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề. Cái chính là quy mô của các doanh nghiệp và khả năng thanh khoản cổ phiếu của họ. Rồi cũng có những lý do liên quan đến cấu trúc của thị trường. Ví dụ như nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển tiền trước thì mới được giao dịch, rồi là một số công ty có website nhưng mà không đăng thông tin bằng tiếng nước ngoài. Cho nên tôi nghĩ là nếu thị trường Việt Nam muốn thu hút 50 tỷ USD đó, hay có thể là nhiều hơn sau này, thì phải dần dần tiếp cận các vấn đề này.
Kết thúc năm 2023, nền kinh tế toàn cầu đã dần tích cực trở lại, FED tạm dừng tăng lãi suất… Tuy nhiên những rủi ro vẫn còn đó. Vậy thì theo ông, năm 2024 thị trường toàn cầu sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn như thế nào và đâu sẽ là những điểm tích cực và là cơ hội cho nền kinh tế toàn cầu cho năm 2024?
Tôi thấy là 2 năm nay, 3 năm nay, Việt Nam có những thế mạnh của Việt Nam nhưng mà rất khó để tránh những ảnh hưởng các yếu tố xuất phát từ nước ngoài. Vì thế là năm 2023 này cũng khá là khó khăn nhưng nếu chúng ta nghiên cứu mô hình GDP của Việt Nam qua các quý của năm 2023 thì quý I khá là thấp, quý II là đỡ, quý III là đỡ hơn và quý IV cũng tích cực hơn nữa, và xu hướng đó có lẽ sẽ tiếp tục vào năm 2024.
Câu hỏi về tình hình chung của thế giới thì rất khó nói, nhưng mà có lẽ là hạ cánh mềm. Tuy nhiên, hạ cánh như thế nào mới là dấu hỏi? Chúng ta vẫn phải theo dõi hàng tháng các con số xuất phát từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản nữa. Nhưng nhận xét chung là sự phục hồi mà chúng ta đang thấy trên toàn cầu, đặc biệt tại Việt Nam sẽ tiếp tục qua các quý sắp tới. Trong đó sẽ kéo theo sự phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết về mặt doanh thu, lợi nhuận, nhưng mà cũng nên lưu ý đến nhiệm vụ quản trị rủi ro ở mỗi khía cạnh.
Dragon Capital cũng đã đồng hành cũng như đóng góp nhiều vào sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những thập kỷ qua. Trong năm 2024, thì bên ông sẽ có thêm những giải pháp như thế nào để qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam ạ?
Đúng là đã 30 năm rồi nhưng mà vẫn còn rất nhiều việc phải làm, hiện chúng tôi đang lưu ý những nhiệm vụ sau: một là hỗ trợ các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam nâng cao nhận thức và hiểu biết về đầu tư và áp dụng những biện pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả hơn để tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vấn đề thứ hai là tập trung vào việc thúc đẩy sự phát triển đa dạng của các nhà đầu tư tổ chức tại Việt Nam trong đó lưu ý đến việc phát triển các quỹ mở, quỹ đóng và các quỹ hưu trí.
Điều thứ ba là giúp cho các doanh nghiệp niêm yết được cải tiến chất lượng hơn về nội dung, về quản trị và rủi ro, về thông điệp đối với nhà đầu tư… Và cuối cùng là chúng tôi sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể hiểu nhiều hơn về thị trường Việt Nam.