Cô Vương làm kế toán tại một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải, Trung Quốc với mức lương cơ bản là 3.900 NDT. Cộng thêm các khoản phụ cấp ăn uống, hiệu suất làm việc, trợ cấp nhà ở, thực tế, thu nhập của cô lên đến 8.000-9.000 NDT/tháng (khoảng 26,3-29,3 triệu đồng).
Đã gắn bó với công ty được vài năm, cô luôn là nhân viên chăm chỉ, gương mẫu. Tuy nhiên, cô lại bị chính nơi mình gắn bó sa thải vì lý do quên không tắt máy in khi ra về. Vì tức giận, cô đã kiện công ty ra tòa.
Theo đó, vào ngày 18/3/2014, do một số hoá đơn của trung tâm mua sắm cần phải kiểm tra lại, cô đã làm thêm giờ nhằm xử lý hết công việc. Ở thời điểm ra về, ở trung tâm mua sắm chỉ còn một mình cô Vương.
Cô đã tắt tất cả các thiết bị điện nhưng bỏ qua chiếc máy in. Bản thân Vương cũng không thể ngờ rằng chính chiếc máy in này đã mang đến cho cô vô vàn rắc rối.
Sáng hôm sau, chuyện chiếc máy in đã không được tắt điện sau khi không còn ai đã đến tai người quản lý. Người này đã gọi cô đến phòng hợp để khiển trách về vấn đề trên.
Mặc dù từ lâu trung tâm mua sắm đã ban hành văn bản với quy định phải tắt tất cả các thiết bị điện khi ra về. Tuy nhiên, cô Vương cho rằng chiếc máy in sẽ chẳng thể gây ra vấn đề nghiêm trọng nếu quên không tắt.
Dẫu vậy, người quản lý khẳng định rằng đó là một mối nguy hiểm tiềm ẩn về điện. Bởi nếu máy in gặp trục trặc và gây ra cháy nổ, toàn bộ trung tâm mua sắm sẽ bị thiêu rụi. Người này yêu cầu cô Vương viết bản kiểm điểm.
Cô luôn cảm thấy mọi chuyện đang bị làm quá. Tuy nhiên, là một nhân viên, cô làm đúng theo yêu cầu.
Sau khi nộp bản kiểm điểm, một vấn đề khác lại nảy sinh. Cô không kí tên vào bản kiểm điểm mà chỉ gõ tên mình trên máy tính và in ra. Xét về mặt pháp lý, chỉ chữ viết tay, vân tay hay chữ kí điện tử mới được công nhận. Vì thế, người quản lý đã yêu cầu cô in lại tờ khác và ký vào đó.
Cô Vương cho rằng quản lý đang làm khó dễ mình. Đặc biệt kể từ khi có một nữ kế toán mới đến đây làm việc, trưởng phòng luôn ưa người này hơn.
Cảm thấy khó hiểu, cô đã báo cáo sự việc này với lãnh đạo công ty. Điều không ngờ là công ty đã ra thông báo sẽ sa thải cô Vương ngay trong ngày với lý do không tuân thủ các quy định.
Một lần nữa, cô lại hẹn gặp quản lý để làm rõ mọi chuyện. Người này tiếp tục khẳng định cô Vương có 2 lựa chọn, một là xin nghỉ việc, hai là chịu bị sa thải.
Mâu thuẫn khó có thể giải quyết, cô Vương không còn lựa chọn nào khác nên chấp nhận xin nghỉ việc để giữ thể hiện.
Sau đó, cô Vương đã gửi đơn lên tòa, kiện công ty vi phạm hợp đồng. Cô đã đi khắp nơi để tham khảo nhằm thu thập bằng chứng.
Theo đó công ty cho rằng cô Vương đã vi phạm khoản 2 trong điều 25 của “Luật lao động” (Trung Quốc): Vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động. Vì thế công ty có quyền sa thải cô.
Tuy nhiên, cô Vương lại nghĩ rằng việc quên tắt máy in chỉ là sơ xuất nên đã tự kiểm điểm ngay khi được quản lý yêu cầu.
Đại diện phía công ty vẫn cho rằng việc không tắt máy in tưởng chừng đơn giản nhưng có thể gây thiệt hại lớn cho công ty. Thêm nữa, họ cho rằng thái độ của Vương trong quá trình khiển trách là không tốt. Chính điều này ảnh hưởng xấu đến các nhân viên khác của công ty và họ đã đưa đến quyết định sa thải.
Sau khi nghe trình bày của 2 bên, toà án nhận thấy máy in ở trung tâm mua sắm luôn ở chế độ an toàn. Nếu người dùng quên không tắt nó sẽ chuyển sang chế độ tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều công ty. Thái độ của cô Vương hơi tệ nhưng chưa đến mức vi phạm nghiêm trọng.
Trong trường hợp này, toà án đã đứng về phía cô Vương và cho rằng công ty vi phạm luật lao động. Theo đó, toà án đã yêu cầu công ty trả 37.000 NDT (121 triệu đồng) tiền bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động và 3.700 NDT (12 triệu đồng) tiền bồi thường cho tiền thưởng cuối năm.
Cuối cùng, cô Vương nghỉ việc và nhận về khoản đền bù hơn 130 triệu đồng. Quản lý công ty cũng nhận về một bài học về cách hành xử với người lao động.
Theo Sohu