Vụ việc xảy ra từ năm 2016 tại Trung Quốc, nhưng đến nay vẫn được chia sẻ lại để nhắc nhở mọi người cảnh giác hơn khi thực hiện các giao dịch tương tự.
Mất sạch số tiền lớn chỉ trong 4 tháng
Người phụ nữ họ Lý sống tại Quảng Châu (Trung Quốc) làm việc trong lĩnh vực thẩm mỹ viện. Công việc kinh doanh phát đạt giúp cô thu về lợi nhuận lớn và mở thêm nhiều chi nhánh với quy mô lớn.
Đến năm 2016, cô Lý dự định ra nước ngoài học hỏi thêm về kinh nghiệm quản lý và các công nghệ làm đẹp tiên tiến để mở rộng việc kinh doanh của mình. Trước khi đi, cô mang 10 triệu NDT (gần 35 tỷ đồng) tích góp được đến một ngân hàng tại quận Thiên Hà, thành phố Quảng Châu để gửi.
Ra nước ngoài được 4 tháng, cô Lý học hỏi được nhiều điều và quyết định đặt mua một số thiết bị làm đẹp công nghệ mới. Tuy nhiên, khi gửi tiền đặt cọc thì ngân hàng thông báo chuyển khoản không thành công, do tài khoản không còn đủ tiền. Đến lúc cô nhìn lại thì ngỡ ngàng vì số dư hiển thị chỉ còn 0,6 NDT (khoảng 2 nghìn đồng).
Mặc dù rất lo lắng, nhưng cô Lý nghĩ rằng có lẽ hệ thống ngân hàng bị lỗi hoặc gặp sự cố gì đó. Cô liên lạc với ngân hàng để hỏi nhưng không thu được kết quả gì, không còn cách nào khác, cô Lý mua vé máy bay trở về Trung Quốc ngay để giải quyết.
Sau khi cô Lý đến ngân hàng và yêu cầu kiểm tra, nhân viên giao dịch cho biết hệ thống có ghi nhận cô đã gửi 10 triệu NDT (gần 35 tỷ đồng), nhưng gần như toàn bộ số tiền đều được chuyển đi nơi khác chỉ vài ngày sau đó. Hiện tại, tài khoản của cô chỉ còn chưa đầy 1 NDT.
Nhìn bản sao kê dài của ngân hàng đưa cho, cô Lý càng sốc hơn khi đó là những giao dịch chuyển khoản mà cô không hề thực hiện. Giám đốc ngân hàng thậm chí còn đưa ra một tờ giấy ủy quyền có chữ ký của cô Lý, xác nhận cô đồng ý ủy quyền chuyển tiền vào tài khoản khác.
Cô Lý không còn cách nào khác đành gọi cảnh sát Trung Quốc đến giải quyết. Sau khi triển khai điều tra, cảnh sát nghi ngờ người đàn ông họ Vi, giám đốc dịch vụ khách hàng có liên quan trực tiếp đến vụ việc.
Tại cơ quan điều tra, Vi khai nhận đã lợi dụng chức vụ của mình, cấu kết với đồng bọn bên ngoài để làm giả giấy ủy quyền, đồng thời chiếm đoạt hết số tiền gửi của cô Lý. Do ngân hàng này quy định các lượt chuyển khoản với số tiền dưới 50.000 NDT (hơn 170 triệu đồng) không cần xác nhận thông tin cá nhân của khách hàng, nên Vi đã thực hiện giao dịch nhiều lần để chuyển được hết toàn bộ số tiền. Đồng thời, Vi cũng tắt chức năng thông báo giao dịch qua SMS để cô Lý không nhận được thông báo nào từ ngân hàng.
2 lần khởi kiện chỉ đòi lại được 45%
Mặc dù sự việc được sáng tỏ, nhưng Vi cho biết hắn cùng đồng bọn đã tiêu gần hết số tiền chiếm đoạt được, hiện tại chỉ còn hơn 400.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng). Không những vậy, phía ngân hàng cho biết hành động sai phạm này xuất phát từ cá nhân Vi, không liên quan gì đến phía ngân hàng.
Cô Lý đâm đơn kiện Vi và ngân hàng ra tòa, yêu cầu được hoàn trả 10 triệu NDT gốc, 4 tháng lãi và bồi thường thiệt hại về tinh thần. Tuy nhiên, phía tòa án cho rằng việc rò rỉ thông tin cá nhân bắt nguồn từ phía cô Lý, giao dịch cũng chuyển về bên thứ 3 nên ngân hàng được miễn trừ trách nhiệm. Không thể nào chấp nhận được kết quả này, cô đã thu thập thêm chứng cứ để làm đơn kháng cáo.
Ở lần xét xử thứ 2, thẩm phán xem xét lại vụ án và phát hiện những nghi vấn mới. Chứng cứ cho thấy cô Lý không ủy quyền cho bất kỳ nền tảng bên thứ ba nào trong quá trình mở và sử dụng tài khoản. Bên cạnh đó, khi tài khoản có đến 81 giao dịch bất thường mỗi ngày, ngân hàng cũng không xác minh ngay được tình hình của chủ tài khoản. Sơ suất này được xem là lỗi của ngân hàng.
Cuối cùng, Vi phải nhận án tù và phạt tiền nhưng không có khả năng chi trả. Ngân hàng phải đền bù thiệt hại 45% cho cô Lý, tương đương với 4,5 triệu NDT (khoảng 17 tỷ đồng) và 4 tháng tiền lãi.
(Theo Baijiahao)