Nợ xấu thật sự của các ngân hàng sẽ lộ diện

Phạm Minh | 08:01 19/05/2022

Áp lực lớn về nợ xấu của các ngân hàng đang bị che giấu bởi quy định giãn, hoãn nợ. Nhưng từ tháng 6/2022, quy định này sẽ không còn và con số nợ xấu tăng nhiều hơn.

Nợ xấu thật sự của các ngân hàng sẽ lộ diện
Tới đây, con số thật về nợ xấu sẽ được công khai. (Ảnh: Int)

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, có nhiều tài sản phát mại từ năm trước. Tuy nhiên, để giao dịch thành công trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn là một vấn đề nan giải.

Hàng chục ngàn tỷ đồng nguy cơ mất?

4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm: VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank thời gian gần đây liên tiếp rao bán các tài sản đảm bảo, phát mại đất và tài sản gắn liền có trị giá lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

Theo đó, hồi tháng 3/2022, Agribank cũng vừa rao bán lô đất 1.900 m2 có địa chỉ tại số 20 Trần Cao Vân (quận 1 – TP. Hồ ChíMinh), là tài sản thế chấp để thanh toán khoản nợ của Công ty TNHH Phát triển địa ốc Sài Gòn Mới.

Vào cuối tháng 12/2021, khối tài sản này từng được thông báo phát mại với mức giá khởi điểm tương tự.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) vừa có thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH XD và KD nhà Bách Giang và Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên với giá khởi điểm gần 253 tỷ đồng, không thay đổi so với lần rao bán trước. Đây là lần thứ 8, BIDV đấu giá khoản nợ này.

Trước đó, BIDV cũng đấu giá lần thứ 10 khoản nợ của Công ty TNHH Thép Việt Nga với giá khởi điểm gần 269 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ so với mức chào bán lần đầu tiên hồi tháng 7 (475 tỷ đồng).

Ngày 17/5, BIDV thông báo tìm doanh nghiệp đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH GAC Việt Nam. Toàn bộ dư nợ gốc, lãi và phí tạm tính đến ngày 11/1 là 123 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 104 tỷ đồng, dư nợ lãi là 18,4 tỷ đồng.

Chi nhánh của nhiều ngân hàng ở nhiều địa phương trên cả nước cũng đang rao bán loạt bất động sản để thu hồi nợ. Trong đó, nhiều khoản nợ được rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa xử lý xong.

Theo các ngân hàng, 2 năm dịch Covid-19 bùng phát đã tác động nặng nề đến nền kinh tế, các doanh nghiệp cố gắng cầm cự duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh chứ không mở rộng quy mô. Vì vậy, việc tìm nhà đầu tư để mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

“Hiện nay, dịch bệnh bắt đầu lắng xuống, GDP quý I tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt thị trường bất động sản rất sôi động, được xem là cơ hội để các ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo là bất động sản”, lãnh đạo một ngân hàng kỳ vọng.

 Khó xử lý nợ xấu

Mới đây, theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2022 của 27 ngân hàngvề tỷ lệ nợ xấu, đáng lo ngại là trong cơ cấu nợ xấu của 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nàythì có tới 9 ngân hàng ghi nhận nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng so với đầu năm. Trong khi đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) hầu hết giảm ở các ngân hàng.

Từ những con số thống kê, một số chuyên gia nhận định, áp lực lớn về nợ xấu của các ngân hàng đang bị che giấu bởi quy định giãn, hoãn nợ. Nhưng từ nay đến cuối năm, đặc biệt từ tháng 6/2022, quy định này sẽ không còn, số nợ xấu tăng nhiều hơn.

Liên quan đến việc các ngân hàng rao bán nợ xấu, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại về các khoản nợ sẽ trở thành nợ xấu “trong tương lai”, khi ngân hàng siết chặt và tăng cường thu hồi nợ từ dự án bất động sản: "Mối đe doạ hiện nay là “phản ứng dây chuyền” khi thị trường bất động sản và thị trường tài chính, tiền tệ có mối quan hệ hữu cơ, không thể tách rời".

TS. Vũ Đình Ánh còn đưa ra nhận định, vụ việc của 2 tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn là FLC và Tân Hoàng Minh cũng là sự cảnh báo nợ xấu có nguy cơ gia tăng.

Chuyên gia này phân tích, mặc dù hiện nay, các ngân hàng cho 2 "ông lớn" này vay vốn đều khẳng định các khoản nợ đều rất tốt, có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, khi 2 ông chủ bị bắt, các nhà băng cho vay sẽ tìm cách thu nợ càng sớm càng tốt, kể cả chấp nhận đòi trước hạn.

Trường hợp FLC và Tân Hoàng Minh chưa thể xoay kịp để trả nợ, thì khoản nợ đó sẽ biến thành nợ xấu.

“Việc nhà băng đòi nợ trước hạn đối với dự án bất động sản chắc chắn không dừng lại ở 2 doanh nghiệp này, mà có thể sẽ lan đến các dự án bất động sản khác theo hiệu ứng dây chuyền”, ông Ánh nói.

Từ thực tế đang diễn ra, các chuyên gia cảnh báo mặc dù kinh tế đang dần phục hồi, nhưng trong bối cảnh hiện nay không dễ tìm được nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính để mua lại các khoản nợ có quy mô lớn, tới hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, quy định thủ tục pháp lý để các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản hiện nay vẫn còn nhiều rào cản khiến nợ xấu rất khó thanh lý.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tư nhân cũng bày tỏ băn khoăn, thanh khoản trên thị trường tài sản đã quay trở lại, nhưng các ngân hàng chưa hẳn đã dễ dàng rao bán tài sản là nợ xấu là bởi các quy định liên quan đến đất đai, dự án bất động sản khá phức tạp.

Các ngân hàng cũng gặp khó trong việc bán đấu giá bất động sản là tài sản thế chấp do có nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản.

Ngoài ra, còn cần sự đồng thuận của chủ tài sản và các cơ sở pháp lý về quyền mua và quyền bán của ngân hàng. Có nhiều mảnh đất là tài sản đảm bảo của các khoản nợ liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân nên việc sang tên sở hữu mất nhiều thời gian.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nợ xấu thật sự của các ngân hàng sẽ lộ diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO