Nợ xấu bất động sản tại Vietcombank dưới 1%

Quỳnh Anh | 12:02 17/02/2023

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank cho biết nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản tại nhà băng này hiện dưới 1%.

Nợ xấu bất động sản tại Vietcombank dưới 1%

Nội dung chính:

  • Cuối năm 2022, nợ xấu lĩnh vực bất động sản tại Vietcombank dưới 1%.
  • 90% dư nợ thuộc phân khúc nhà ở, đất ở của Vietcombank là cho vay mua nhà. 
  • Lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank đề xuất Chính phủ đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn thị trường trái phiếu, giảm áp lực cho nguồn vốn từ tín dụng.

Sáng nay, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết về tín dụng bất động sản, định hướng của ngân hàng là mở rộng đi đôi với kiểm soát an toàn, tập trung lĩnh vực bất động sản sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Ngân hàng có cơ chế riêng cho từng phân khúc bất động sản. 

Tại ngày 31/12/2022, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tại Vietcombank tăng gần 17,5% so với đầu năm và chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này. "Đến hết năm 2022, nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản dưới 1%" - ông Tùng đánh giá.

Cuối năm 2022, nợ xấu nội bảng của Vietcombank ở mức 7.808 tỷ, tăng 27,6% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay đạt 0,68%, giảm so với mức 0,8% cuối quý III/2022 và tăng nhẹ so với mức 0,64% hồi đầu năm.

*Nợ xấu nội bảng là nợ xấu được ghi nhận trong báo cáo tài chính của ngân hàng, từ nhóm 3 đến nhóm 5.

Đáng chú ý, Vietcombank tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu (dự phòng nợ xấu/tổng nợ xấu) cuối năm 2022 ở mức cao nhất hệ thống, đạt 317%. Tức 1 đồng nợ xấu có đến 3,17 đồng dự phòng để xử lý rủi ro. 

Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

"Với những tăng trưởng về dư nợ tín dụng, Vietcombank khẳng định thời gian qua không hạn chế hay điều kiện gây khó khăn với lĩnh vực bất động sản. Đối với phân khúc bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất, đây là lĩnh vực tiềm năng đóng vào sự phát triển của các địa phương nên Vietcombank ưu tiên áp dụng các chính sách ưu đãi về lãi suất. Đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, văn phòng cho thuê..., ngân hàng dự kiến triển khai đồng bộ các giải pháp như cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, áp dụng chính sách ưu đãi đối với các khoản vay mới. Đặc biệt, Vietcombank sẽ tập trung vào các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có khả năng triển khai dự án tốt" - ông Tùng chia sẻ. 

Đối với phân khúc nhà ở, đất ở, ông Tùng cho biết hơn 90% dư nợ ở Vietcombank là cho vay người mua nhà. Ngân hàng tập trung cho vay cá nhân mua nhà ở thực, thu nhập ổn định, minh bạch. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng định hướng duy trì tài trợ các dự án thuộc phân khúc bất động sản nhà ở đảm bảo tính pháp lý, có mức giá phù hợp với đa số người dân.

Giải cứu thị trường trái phiếu để khơi thông dòng vốn bất động sản

Lãnh đạo Vietcombank đề xuất Chính phủ đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn thị trường trái phiếu, giảm áp lực cho nguồn vốn từ tín dụng.

Tại Tọa đàm “Điểm sáng Đầu tư 2023 - FiinGroup Invest Summit" diễn ra chiều 15/2, các chuyên gia cho rằng quy định triển khai tái cơ cấu nợ trái phiếu doanh nghiệp khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 có hiệu lực được kỳ vọng là giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. 

Việc luân chuyển giữa kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ diễn ra theo khuôn khổ quy định mới. Qua đó, các tổ chức tín dụng (dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước) chấp nhận chưa phân loại nợ của những doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí, điều kiện cho vay vào nợ xấu; đồng thời thỏa thuận với trái chủ về việc giãn kỳ hạn thanh toán nợ và các điều khoản mới đi kèm.

Điểm nghẽn pháp lý cũng đang là một trong những vấn đề trọng yếu đối với doanh nghiệp và dự án bất động sản hiện nay. Lãnh đạo Vietcombank đề xuất Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý, sửa đổi các nghị định thủ tục hành chính, cấp phép cho dự án; bộ ngành địa phương có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích sản phẩm bình dân... 

Ông Nguyễn Thanh Tùng chỉ ra thực trạng: “Tương quan với các nước trong khu vực, giá nhà Việt Nam đang ở mức rất cao so với thu nhập của người dân, việc lựa chọn phân khúc để đầu tư của nhiều chủ đầu tư trong thời gian qua chưa hợp lý, đặc biệt tồn tại tình trạng đầu cơ bất động sản.” Do đó, ông Tùng đề nghị các doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc cơ cấu, hướng đến sản phẩm nhu cầu thực, nhà ở thương mại, bình dân.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Nợ xấu bất động sản tại Vietcombank dưới 1%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO