Chia sẻ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Czech diễn ra ngày 20/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, những năm qua Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của khu vực và thế giới, với mức tăng trưởng GDP bình quân từ 6,5% đến 7%/năm.
Đồng thời, Việt Nam còn là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư nước ngoài, với tổng mức đầu tư FDI trên 500 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 7%/năm.
Hiện Việt Nam có nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN và thứ 32 thế giới; top 20 về thương mại quốc tế và Top 15 về thu hút FDI hàng đầu thế giới, cùng với không khí đầu tư kinh doanh rất sôi động, và được xem là một trong những "công xưởng" của thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hàng hoá hàng năm trên 420 tỷ USD.
Những "viên kim cương" tỷ đô
Liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam, theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, năm 2024, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đạt được nhiều thành tích đáng chú ý.
Trong năm 2024, hàng loạt mặt hàng của Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,0%). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phải kể đến như điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giày dép và gỗ...
Điện tử máy tính và linh kiện tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu dẫn đầu về giá trị xuất khẩu. Với sự đóng góp lớn của các tập đoàn công nghệ như Samsung, LG, Apple và các công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam, giá trị xuất khẩu năm 2024 của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 72,6 tỷ USD, tăng 26,6% so với năm 2023, chiếm 17,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Điện thoại và linh kiện đứng vị trí thứ 2 với kim ngạch đạt 53,9 tỷ USD, tăng 2,9%. Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 52,3 tỷ USD, tăng 21%. Hàng dệt may đạt 37 tỷ USD, tăng 11,2%. Giày dép đạt 22,9 tỷ USD, tăng 13%. Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,3 tỷ USD, tăng 20,9%. Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 15,1 tỷ USD, tăng 6,4%. Thủy sản đạt 10 tỷ USD, tăng 11,9%.
Các thị trường chính của Việt Nam
Sự gia tăng xuất khẩu chủ yếu đến từ các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đặc biệt, Mỹ vẫn là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với các mặt hàng như điện tử, dệt may, giày dép, và nông sản.
Châu Á vẫn là khu vực tiêu thụ lớn nhất của hàng hóa Việt Nam. Trung Quốc giữ vững là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất, đạt 204,9 tỷ USD, tăng 19,2% so với năm 2023; trong đó, xuất khẩu đạt 60,6 tỷ USD; nhập khẩu ở vị trí dẫn đầu với kim ngạch đạt 114,3 tỷ USD, tăng 30,4%.
ASEAN ước đạt 83,9 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt giá trị 37 tỷ USD, tăng 13,7%; nhập khẩu đạt 46,9 tỷ USD, tăng 14,7%. Hàn Quốc ước đạt 81,8 tỷ USD, tăng 7,6%; trong đó, xuất khẩu ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,7%; nhập khẩu ước đạt 56,2 tỷ USD, tăng 7,1%.
Bên cạnh đó, Mỹ và EU cũng là hai thị trường rất quan trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực xuất khẩu nông sản, dệt may, giày dép, và điện tử. Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ 2 với 134,6 tỷ USD, tăng 21,5%; trong đó, xuất khẩu đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3%; nhập khẩu đạt 15,0 tỷ USD, tăng 8,8%.
Thị trường EU ước đạt 68,8 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3%; nhập khẩu đạt 16,7 tỷ USD, tăng 11,8%. Nhật Bản ước đạt 46 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 24,6 tỷ USD, tăng 5,6% và nhập khẩu đạt 21,4 tỷ USD, giảm 1,2%.
Việc gia tăng xuất khẩu sang các thị trường châu Phi và Nam Mỹ là một điểm sáng trong năm 2024. Các mặt hàng như nông sản, thực phẩm chế biến sẵn và sản phẩm tiêu dùng đã đạt kết quả ấn tượng tại những thị trường này.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 12% so với năm 2024. "Đây có thể nói là con số rất thách thức, vì như vậy trung bình mỗi tháng xuất khẩu phải tăng 4 tỷ USD/tháng so với mức bình quân tháng năm 2024", lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu thông tin.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài...