Chính thức thông qua Luật Đất Đai sửa đổi & Luật các tổ chức tín dụng được xem là tin vui của thị trường bất động sản đầu năm 2024. Ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật đất đai năm 2024 thay thế Luật đất đai 2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, tuy nhiên sẽ quy định hiệu lực sớm đối với Điều 190 và Điều 248 Luật đất đai 2024 từ ngày 01/4/2024. Đồng thời, cuối tháng 3/2024, Thủ tướng chính phủ đã đã có chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu để trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm hơn từ 01/7/2024.
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và có hiệu lực đồng thời từ ngày 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất…
Hàng trăm dự án bất động sản khắp cả nước được tháo gỡ khó khăn cũng là tín hiệu mới của thị trường năm nay. Ngày 11/03/2024, tại báo cáo phục vụ cho phiên họp trực tuyến toàn quốc của Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã thông tin về kết quả làm việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý trong quá trình triển khai dự án đối với một số địa phương, doanh nghiệp.
Theo đó, Tại Tp.HCM có 77 dự án bất động sản được gỡ vướng, Hà Nội có 81 dự án được đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai, Hải Phòng gỡ vướng 11 dự án, Bình Định tháo gỡ khó khăn 26 dự án, Cần Thơ đã gỡ vướng cho 17 dự án…
Việc hàng loạt dự án được gỡ vướng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, giải quyết phần nào tình trạng khan hiếm nguồn cung mới, cũng như góp phần khôi phục dần niềm tin của các nhà đầu tư, bước đầu tác động tích cực đến việc dần phá băng thị trường bất động sản.
Mặt bằng lãi suất tiếp tục điều chỉnh giảm và điều kiện cho vay được nới lỏng. Số liệu VNBA - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ghi nhận vào thời điểm ngày 25/3/2024, mặt bằng lãi suất cho vay mua bất động sản trung bình đã giảm xuống còn từ 5% - 8%/năm, giảm 1% -1,5% so với thời điểm cuối năm 2023.
Cũng theo VNBA, trong chiến lược tăng trưởng tín dụng năm nay, bên cạnh việc tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với nhiều gói ưu đãi nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần hỗ trợ đầu ra cho sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng thương mại trong quý 1/2024 cũng đã tung ra các gói cho vay ưu đãi, đặc biệt là cho vay mua nhà với mặt bằng lãi suất ưu đãi của năm đầu tiên dao động chỉ từ 5% - 6%/năm, biên độ lãi suất thả nổi dao động quanh 3% – 3.5%, đưa mức lãi suất sau ưu đãi về mức trên dưới 10%, so với mức cao lên đến 14% - 15% của cùng kỳ năm trước.
Điều kiện cho vay cũng đang dần được nới lỏng hơn để kích thích tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Về điều kiện cho vay, ngân hàng có thể xem xét giảm bớt một số yêu cầu khắt khe trước đó, và chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản đối với các doanh nghiệp, cá nhân có hồ sơ vay và lịch sử thanh toán uy tín.
Đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội. Ngày 16/3/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NOXH), tiếp xúc các CĐT để tháo gỡ các vướng mắc trong công tác triển khai.
Ngày 29/03/2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng cùng các cơ quan nghiên cứu phương án phát hành trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ phát triển phân khúc nhà ở này. Bộ này cũng cần nghiên cứu thêm giải pháp về hỗ trợ lãi suất, đầu tư và xây dựng nhà ở xã hội.
Sự hưởng ứng tích cực từ các chủ đầu tư cùng với việc khởi công nhiều dự án trên khắp cả nước cũng là một dấu hiệu tích cực, góp phần vào việc giải quyết vấn đề nhà ở xã hội và cải thiện điều kiện sống của cộng đồng.
Đầu tư công được xem là động lực thúc đẩy phục hồi nền kinh tế. Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%.
Cụ thể, ngày 06/01/2024, tại Nhơn Trạch đã diễn ra Lễ khởi công 3 công trình giao thông kết nối sân bay Long Thành, gồm đường Tôn Đức Thắng (đường 25B); đường 25C giai đoạn 1 (đoạn 2) và đường Lê Hồng Phong nối dài.
Ngày 31/01/2024, toàn tuyến đèo Prenn nối TP Đà Lạt với cao tốc Liên Khương đã chính thức thông xe sau 1 năm thi công khi đoạn từ thác Đatanla đến chân đèo Prenn đã hoàn tất đưa vào sử dụng.
Tại Tp.HCM, đẩy nhanh tiến độ Vành đai 3 & khởi động loạt công trình trọng điểm như nút giao thông An Phú, dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa
Ngày 17/02/2024, Khởi công tuyến Metro số 2 Bến Thành – Tham Lương.
Ngày 19/02/2024 tại xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa), Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tổ chức Lễ khởi công dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn.
Ngày 01/03/2024, diễn ra lễ động thổ Tuyến đường từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tạo kết nối liên vùng Khánh Hòa - Ninh Thuận - Lâm Đồng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
Đường cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dự kiến sẽ được thông xe vào ngày 30/4/2024. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp.HCM đến Nha Trang xuống chỉ còn hơn 4 giờ đi ô tô.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng mới đây đã công bố khởi động Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương nhằm kết nối Tp.HCM với các tỉnh Tây Nguyên. Giúp giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 20. Tuyến đường cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Trước đó, ngày 15/12/2023, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã tổ chức lễ khởi động dự án xây dựng sân bay Quảng Trị. Dự kiến sân bay đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách và 25.500 tấn hàng hóa/năm trên tổng diện tích hơn 316ha.
Như vậy, trái ngược với bức tranh chung chưa mấy khởi sắc của nền kinh tế toàn cầu, kết quả quý 1/2024 của kinh tế Việt Nam đã có nhiều điểm sáng, là cơ sở cho những kỳ vọng về sự cải thiện niềm tin sản xuất kinh doanh, niềm tin tiêu dùng, phục hồi dần nền kinh tế trong thời gian sắp tới.