Trên thực tế, hiện nay rất khó để khách hàng có thể tìm thông tin của người khác thông qua số tài khoản. Ngay cả khi người dùng nhờ đến sự hỗ trợ của ngân hàng thì theo quy định, ngoại trừ các trường hợp được pháp luật cho phép, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng không được cung cấp bất cứ thông tin nào liên quan đến khách hàng của mình.
Ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin khách hàng trong các trường hợp sau: (i) Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng được quy định tại Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội và (ii) Có sự đồng ý của khách hàng.
Vậy nên, việc tìm thông tin người qua số tài khoản nếu không nằm trong trường hợp quy định của Luật hoặc chưa có sự chấp thuận của người chủ tài khoản thì khách hàng hoàn toàn không thể yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin chủ tài khoản cho mình.
Trong trường hợp chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác, tốt nhất khách hàng nên thông báo ngay cho ngân hàng và các cơ quan chức năng để được hỗ trợ giải quyết.
Những thông tin gì có thể tra cứu được qua số tài khoản ngân hàng?
Từ số tài khoản, khách hàng chỉ có thể biết được các thông tin sau:
(i) Tên chủ tài khoản: Số tài khoản cho phép xác định chủ sở hữu của tài khoản. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ Internet Banking hoặc Mobile Banking, nhập tên ngân hàng và số tài khoản muốn tra cứu, hệ thống sẽ tự động hiển thị tên chủ tài khoản để xác nhận trước khi thực hiện giao dịch.
(ii) Tên ngân hàng: Mỗi ngân hàng sẽ có quy định riêng về số lượng ký tự (thường là từ 8- 14 ký tự) và đầu số tài khoản của mình. Do vậy, từ số tài khoản bạn cũng có thể tra cứu được tên ngân hàng cung cấp số tài khoản đó. Cụ thể như sau:
Số tài khoản Vietcombank thường gồm 13 chữ số với đầu số tài khoản thông dụng là: 001, 002, 004, 007, 030, 044, 045, 0491…
Số tài khoản Agribank gồm 13 chữ số với đầu số tài khoản thông dụng là: 150, 318, 340, 490,...
Số tài khoản BIDV gồm 14 chữ số với đầu số tài khoản thông dụng là: 123, 213, 581, 601, 0700…
Số tài khoản Techcombank gồm 14 chữ số với số đầu tiên của tài khoản bắt đầu từ số 1 là: 102, 140, 190, 191, 196, 1903…
(iii) Chi nhánh ngân hàng: Thông tin số tài khoản cũng có thể cho biết thông tin về chi nhánh ngân hàng, giúp xác định địa điểm cụ thể nơi chủ sở hữu đã mở tài khoản hoặc tiến hành các giao dịch. Thông thường, đầu số tài khoản chính là đại diện cho chi nhánh ngân hàng. Cụ thể như sau:
Ngân hàng Vietcombank (001: Sở giao dịch; 002: Chi nhánh Hà Nội; 049: Chi nhánh Thăng Long- Hà Nội; 014: Chi nhánh Uông Bí- Quảng Ninh; 044: Chi nhánh Tân Bình- thành phố Hồ Chí Minh).
Ngân hàng Vietinbank (Với đầu số 10 áp dụng cho tất cả các chi nhánh trên toàn quốc),
Ngân hàng BIDV (122: Chi nhánh Hà Thành- Hà Nội; 215: Chi nhánh Cầu Giấy- Hà Nội; 411: Chi nhánh Sơn La).
Ngân hàng Techcombank (102: Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh; 191: Chi nhánh Cầu Giấy- Hà Nội; 196: Chi nhánh Ba Đình- Hà Nội).
Ngân hàng Agribank (150: Chi nhánh Trần Đăng Ninh- Hà Nội; 340: Chi nhánh Hưng Hà- Thái Bình)
Ngân hàng Sacombank (020: Chi nhánh Đông Đô- Hà Nội)
Lưu ý khi sử dụng số tài khoản ngân hàng để tra cứu các thông tin liên quan của chủ sở hữu tài khoản, khách hàng cần tuân thủ quy định pháp luật, tránh vi phạm các điều luật về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân, tôn trọng quyền riêng tư và đảm bảo tính bảo mật.
Làm gì khi đã biết được tên chủ tài khoản, tên ngân hàng, chi nhánh ngân hàng để thu hồi được tiền chuyển nhầm?
Khi xác định được các thông tin liên quan đến tên chủ tài khoản, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nơi chủ tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ, khách hàng có thể gửi số tiền nhỏ vào số tài khoản chuyển nhầm với nội dung nhờ họ liên lạc lại, cho người nhận thông tin về sự cố chuyển nhầm. Một số người đã sử dụng cách này và may mắn người nhận được tiền đã chủ động liên hệ lại và giải quyết sự cố.
Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp còn lại sẽ phải thông qua ngân hàng và cơ quan công an. Theo khuyến cáo của nhiều ngân hàng, trong trường hợp phát hiện ra mình chuyển khoản nhầm, khách hàng cần phải liên hệ với ngân hàng qua hotline hoặc quầy giao dịch để báo cáo về sự cố, đồng thời đến trực tiếp chi nhánh, phòng giao dịch để làm giấy đề nghị ngân hàng hỗ trợ tra soát.
Bước tiếp theo, bạn cần cung cấp các thông tin bao gồm CMND/CCCD, hóa đơn chứng minh giao dịch chuyển tiền nhầm,...Ngân hàng sẽ tiếp nhận thông tin để chuyển tới ngân hàng thụ hưởng. Việc xử lý tra soát yêu cầu hoàn trả do chuyển khoản nhầm sẽ theo qui trình hiện tại của ngân hàng hưởng. Khi tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, các ngân hàng sẽ hỗ trợ liên hệ với người nhận tiền, động viên họ trả lại. Trường hợp người nhận tiền không trả thì ngân hàng sẽ có văn bản thông báo xác nhận việc chuyển nhầm tiền. Khi đó, người chuyển tiền có thể tố cáo người nhận tiền với cơ quan công an hoặc khởi kiện lên tòa án.