Dưới đây là những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 21-27/4/2025:
1/ BẤT NGỜ TRÊN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH
Tuần này, biến động trên các thị trường tài chính đã giảm bớt, các nhà đầu tư bắt đầu hy vọng rằng tình trạng dao động mạnh mẽ do thuế quan đã qua.
Cổ phiếu Phố Wall đã phục hồi từ mức thấp nhất trong hơn một năm, chênh lệch lợi suất trái phiếu doanh nghiệp đã tăng trở lại và những biến động thất thường trên thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ trị giá 29 nghìn tỷ USD đã giảm bớt sau khi Tổng thống Donald Trump tạm dừng áp dụng các mức thuế cao. Ông cũng đang cân nhắc sửa đổi thuế ô tô.
Song, thuế quan đối với Trung Quốc vẫn tiếp diễn, và nỗi lo về tác động của thuế đối với tăng trưởng kinh tế vẫn còn đó.
Đồng USD vẫn đang hướng đến tháng giảm mạnh nhất kể từ năm 2022 và các nhà đầu tư trên toàn cầu trong 2 tháng qua đã cắt giảm kỷ lục lượng nắm giữ cổ phiếu của Mỹ. Ngân hàng Deutsche Bank cho rằng việc các nhà đầu tư bên ngoài nước Mỹ liên tục thay đổi phân bổ các khoản đầu tư của mình có thể dẫn tới tình trạng dòng tiền đầu tư chảy mạnh khỏi USD. Một khi đã hình thành xu hướng thì sẽ rất khó để đảo ngược xu hướng một cách nhanh chóng.

Các tài sản an toàn đang tỏa sáng, tài sản Mỹ và USD giảm.
2/ CUỘC HỌP TÀI CHÍNH MÙA XUÂN Ở WASHINGTON
Các quan chức tài chính sẽ đến Washington để tham dự cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) - một trong những cuộc họp hàng năm lớn nhất của các nhà hoạch định chính sách.
Tăng trưởng việc làm sẽ là trọng tâm tại cuộc họp năm nay. Ngoài ra, chắc chắn các vấn đề căng thẳng thương mại và triển vọng tăng trưởng ảm đạm cũng sẽ là tâm điểm chú ý khi các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang nóng lòng muốn gặp mặt trực tiếp với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây cũng sẽ là cơ hội đểu biết rõ hơn về quan điểm của ông Trump về chủ trương hiện tại của Mỹ đối với IMF và WB.
Trong số các vấn đề lớn mà IMF sẽ công bố, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã hé lộ sẽ đề cập đến thuế quan toàn diện của Mỹ và kêu gọi Washington và các đối tác thương mại của mình hợp tác trên tinh thần xây dựng để giảm bớt căng thẳng.

Những thị trường bị tác động nhiều nhất bởi thuế quan của Mỹ.
3/ LÃI SUẤT CỦA TRUNG QUỐC
Trung Quốc sẽ họp về lãi suất vào thứ Hai (21/4) trong bối cảnh các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho việc Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh lên nhằm giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ tăng mạnh.
Một số nhà phân tích dự đoán lãi suất cho vay ưu đãi kỳ hạn 1 năm và 5 năm của Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ giảm, là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 10/2024.
Thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang ở mức trên 100% và một số ngân hàng đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc vì lý do này.
Ở những nơi khác của Châu Á, Ngân hàng Indonesia sẽ họp vào thứ Tư (23/4) và các nhà hoạch định chính sách nước này đang phải cân nhắc giữa triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa với đồng rupiah đang ở mức thấp kỷ lục.

Lãi suất của Trung Quốc.
4/ DOANH THU CỦA CÁC CÔNG TY MỸ
Một loạt các công ty sẽ công bố kết quả doanh thu quý I/2025 vào tuần tới, trong đó có Tesla và Alphabet. Những dữ liệu này có thể làm sáng tỏ phần nào cách thức các doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong bối cảnh môi trường thương mại đang thay đổi.
Nhà sản xuất xe điện của Elon Musk và công ty mẹ của Google là Alphabet là những cái tên đầu tiên trong nhóm “Bảy công ty quyền lực" báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý, sau khi cổ phiếu của các công ty này chịu áp lực giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Chi tiêu liên quan đến AI sẽ là một vấn đề đáng chú ý khác, khi mà Tesla, công ty có cổ phiếu bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng vào năm 2025, cũng đang trở thành tâm điểm chú ý vì mối quan hệ chặt chẽ của Musk với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm bất kỳ thông tin chi tiết nào từ các giám đốc điều hành về tác động của thuế quan, khi các công ty lớn sắp báo cáo kết quả doanh thu bao gồm 3M, Boeing, IBM, Merck, Intel và Procter & Gamble.
United Airlines hôm thứ Ba vừa qua đã cảnh báo về rủi ro triển vọng tài chính của mình sẽ bị sụt giảm nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Diễn biến giá cổ phiếu nhóm “Bảy công ty quyền lực"
5/ RỦI RO LẠM PHÁT
Các dữ liệu sơ bộ về chỉ số PMI tháng 4 cũng sẽ giúp thị trường cảm nhận được những tác động đầu tiên từ cuộc xung đột thuế quan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoãn áp dụng thuế quan đối ứng, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện mức thuế 10% trên diện rộng. Các công ty Mỹ bắt đầu cảm thấy tác động đến chi phí đầu vào, trong khi PMI trong lĩnh vực dịch vụ của Canada chạm mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây…
Những số liệu quan trọng mà thị trường cần theo dõi là chỉ số chi phí đầu vào và chỉ số PMI sản xuất của Mỹ - dữ liệu mà S&P Global, đơn vị biên soạn dữ liệu, gọi là chỉ báo đầu tiên về tác động của thuế quan đối với lạm phát.
Dữ liệu sơ bộ cho thấy chỉ số này đã tăng mạnh, báo hiệu chi phí đầu vào của các công ty Mỹ trong tháng 3/2025 tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm.
Các nhà giao dịch dự kiến Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất ba lần trong năm nay, nhưng một số ngân hàng tỏ ra nghi ngờ vào điều đó, bởi rủi ro lạm phát sẽ tăng mạnh trở lại do thuế quan mới.

Ước tính chỉ số PMI.
Tham khảo: Reuters