Theo Sixth Tone, sinh viên tốt nghiệp khóa 2021 ở Trung Quốc đang được trả mức lương cao kỷ lục, trong đó, khoảng 6,1% tân cử nhân được trả hơn 10.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 34 triệu đồng). Tuy nhiên, nhiều người trẻ lại sẵn sàng từ bỏ mức lương này để sống một cuộc sống an nhàn và cân bằng hơn.
Phát hiện được tìm thấy thông qua một cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 6/2022 có tên Báo cáo việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc. Người tham gia khảo sát là sinh viên tốt nghiệp năm 2021 và đã có 1 năm kinh nghiệm làm việc.
Ngay sát mùa tuyển dụng mới dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp, khảo sát trên bất ngờ ‘hot’ trở lại. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, khoảng 11,6 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp trong năm nay - một con số cao kỷ lục.
Mức lương trung bình hàng tháng cho những sinh viên mới này rơi vào khoảng 5.833 nhân dân tệ, tương đương hơn 20 triệu đồng. Con số này đánh dấu mức cao kỷ lục trong 10 năm dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức lương khởi điểm mong đợi là 10.000 nhân dân tệ/tháng - thứ mà chỉ 6,1% sinh viên mới ra trường đạt được.
Tuy nhiên, những người trẻ tham gia khảo sát lại cho biết họ chấp nhận từ bỏ mức lương cao để đổi lấy một cuộc sống “hạnh phúc” hơn. Nguyên nhân là bởi những nghề nghiệp lương cao đòi hỏi nhiều yêu cầu và trách nhiệm xã hội, chẳng hạn như bác sĩ, luật sư, công chức nhà nước…
Trước đó, khảo sát khác do 51job thực hiện hồi đầu tháng 1 cũng cho kết quả tương tự. Phần lớn người trẻ tham gia phỏng vấn đều sẵn sàng chọn công việc trả lương thấp nhưng ít mệt mỏi hơn.
Yvonne Yang là một trong số những người trẻ ưu tiên hạnh phúc hơn tiền bạc. Cô 22 tuổi, là sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ngôi trường đại học hàng đầu Hong Kong (Trung Quốc.
“Tôi từng suy nghĩ về việc trở thành một nhà điêu khắc. Đúng như dự đoán, cha mẹ, người đã trả học phí cho tôi, phản đối kịch liệt. Tôi cảm thấy mệt mỏi với sự cạnh tranh bất tận đó. Tôi muốn sống cuộc sống cho riêng mình”, cô chia sẻ.
Yang tâm sự cô nộp đơn xin việc đầu tiên vào trước Giáng sinh năm ngoái. Cứ cách mỗi 1-2 tuần, Yang lại rải thêm CV, song cho đến nay vẫn chưa tìm được nơi nào ưng ý.
“Cái gì đến sẽ đến. Nếu không kiếm được việc làm, tôi sẽ về nhà, nghỉ một năm và trở thành nhà điêu khắc vui vẻ”, cô nói.
Zhu Yawen (26 tuổi), một sinh viên dự kiến tốt nghiệp trong năm nay cũng đang cố gắng cân bằng áp lực giữa công việc và cuộc sống. Cơ quan nhà nước đã mời Zhu về làm việc song cô gái còn đang khá do dự vì lương thấp. Ưu điểm duy nhất là khối lượng công việc không quá nhiều.
“Tôi sợ rằng nếu làm ở đó, tôi sẽ trở nên lười biếng. Trong xã hội quá đề cao sự nghiệp, tôi lo mình sẽ thua kém người khác”, Zhu nói.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này một phần đến từ nỗi sợ văn hoá ‘làm việc đến chết’ tại Trung Quốc. Công ty thương mại điện tử Pinduoduo từng gây chấn động dư luận sau cái chết của 2 nhân viên, được cho là vì làm việc quá sức. Trong đó, 1 nhân viên đổ gục và chết ngay tại văn phòng vào lúc 1h30 phút sáng. 2 tuần sau, một nhân viên khác chết vì tự tử. Nguyên nhân được cho là vì bị công ty bắt ép làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày.
Nhiều người trẻ theo đó chọn cách buông xuôi và mặc kệ sự đời, trong đó Zhiyuan Zhang là ví dụ điển hình. Anh quyết định gia nhập làn sóng mới có tên “tang ping” - tạm dịch là “nằm thẳng cẳng” - một tư tưởng, lối sống và lựa chọn cá nhân người trẻ Trung Quốc đang hướng đến.
Theo The Washington Post, giới trẻ Trung Quốc có rất nhiều kiểu “nằm thẳng”. Nó bao gồm từ chối kết hôn, không lập gia đình, không làm thêm, và không làm việc bàn giấy. Trong một bài đăng đã bị xóa trên Tieba (MXH Trung Quốc) hồi tháng 4/2021, một phong trào cổ vũ chuyện “nằm thẳng” đã nổi lên, từ đó hình thành một cộng đồng ủng hộ khổng lồ.
“Kể từ khi chuyển đến Thượng Hải cách đây 5 năm, tôi gửi hơn 2000 đơn xin việc, tham gia hàng trăm cuộc phỏng vấn”, Zhang chia sẻ. “Tôi tìm được việc ở một công ty kế toán sau 2 năm, song quyết định nghỉ chỉ sau 4 tháng. Cuộc sống như thế thực sự không phù hợp với tôi”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ tiêu cực như Zhang. Bản thân việc “nằm thẳng” còn có nghĩa làm việc ở mức độ phù hợp, và quan trọng là làm điều mình thích.
“Cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa nếu làm việc theo kiểu 9-9-6 đó. Nó là thứ chiếm quỹ thời gian 24/7 của tôi suốt 3 năm trời. Giờ tôi muốn học cách sống thực sự, Shihui Lin sống tại Bắc Kinh cho biết.
Nhiều người nghĩ xu hướng này là một kiểu thái độ không hề tốt của giới trẻ. Cũng có lo ngại rằng trào lưu thờ ơ này có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh nở tại Trung Quốc do ngày càng nhiều người trẻ ỷ lại, trì hoãn tìm việc, lập gia đình rồi sinh con.
“Theo góc nhìn của tôi, 'nằm thẳng' chỉ có thể có 2 kiểu người: những người đủ giàu có để rong chơi cả đời, hoặc những kẻ thua cuộc thích nghèo mãi mãi”, một chuyên gia nhận định. “Đừng bao biện sự lười biếng bằng những lời đường mật. Hãy kiếm việc đi”.
Theo: The Sixth Tone