Những người trẻ không có nhà, chỉ có túi hiệu

Vân Anh | 21:45 22/03/2024

Đổ xô mua hàng hiệu bất chấp phải vay nợ có thể “giết chết" tương lai của những người trẻ.

Những người trẻ không có nhà, chỉ có túi hiệu

Sở hữu túi hiệu trở thành điều bắt buộc ở tuổi 30

Tại Hàn Quốc, túi Classic Flap Bag Medium của Chanel có giá hơn 14 triệu won (~258 triệu đồng) nổi tiếng là túi xách dành cho đám cưới, do sự phổ biến của những người tham dự thích túi xách sang trọng khi đi dự tiệc cưới. Tương tự như vậy, chiếc túi Louis Vuitton Speedy được mệnh danh là túi xách “3 giây" vì cứ 3 giây ta có thể bắt gặp nó trên đường phố.

Kim, một nhân viên văn phòng 28 tuổi, hiện đang săn lùng một chiếc túi hàng hiệu cao cấp cho đám cưới sắp tới của người bạn đại học vào tháng tới. Những chiếc túi hàng hiệu xa xỉ có tầm quan trọng đáng kể trong xã hội Hàn Quốc, đặc biệt là trong các sự kiện như đám cưới, nơi chúng đóng vai trò như một phương tiện để thể hiện địa vị xã hội và thành công.

Tuy nhiên, tham vọng sở hữu túi hiệu của Kim gặp phải gánh nặng nợ nần đáng kể, bao gồm khoản vay tín dụng 50 triệu won (~921 triệu đồng) cho việc mua nhà gần đây của cô và thêm 4 triệu won (~73,7 triệu đồng) trả góp bằng thẻ tín dụng để mua bảo hiểm ô tô.  

“Mặc dù bạn bè không phán xét tôi vì không sở hữu một chiếc túi xách sang trọng. Nhưng tôi không khỏi cảm thấy hơi thất vọng khi thấy tất cả mọi người đều mang một thương hiệu thiết kế, ngoại trừ tôi”, Kim thở dài.

anh-chup-man-hinh-2024-03-22-luc-21.27.15.png
Túi Classic Flap của Chanel khiến nhiều người bất chấp mua bằng được 

Năm 2022, người Hàn Quốc đứng đầu thế giới về mức chi tiêu bình quân đầu người là 325 USD/người, và tổng cộng 16,8 tỷ USD cho hàng hóa xa xỉ, vượt xa các nền kinh tế khác như Trung Quốc và Mỹ. Tháng 1/2023, CNBC gọi Hàn Quốc là đất nước tiêu  thụ hàng hiệu lớn nhất thế giới. 

Thị trường hàng hóa xa xỉ của Hàn Quốc có sự tăng trưởng nhanh chóng, một phần bị ảnh hưởng bởi những đặc điểm văn hóa riêng biệt, bao gồm cả tâm lý phô trương sự giàu có.

Ở Hàn Quốc, việc sở hữu những món đồ xa xỉ thường được coi là yếu tố nổi bật để tránh cảm giác mình không quan trọng trong xã hội. Nhiều người liên kết chặt chẽ việc sở hữu những món đồ xa xỉ với việc thể hiện giá trị của mình, dẫn đến cảm giác thất bại hoặc thiếu thốn nếu không sở hữu những món đồ đó. 

Kim Soo-jin, một bà nội trợ 36 tuổi sống ở Seoul, cho biết: “Có một nỗi ám ảnh ở người Hàn Quốc, đặc biệt là với phụ nữ, là phải sở hữu ít nhất một món đồ xa xỉ nếu họ ở độ tuổi 30”. Và nhiều người Hàn Quốc không đủ kinh tế thậm chí còn cân nhắc việc sử dụng món đồ xa xỉ hàng nhái như một giải pháp thay thế.

Một cuộc khảo sát do McKinsey thực hiện cho thấy việc sở hữu món đồ xa xỉ chứng minh sự giàu có và địa vị xã hội được chấp nhận rộng rãi trong xã hội Hàn Quốc. Chỉ có 22% số người tham gia khảo sát được hỏi cho rằng họ nhận thấy chúng không phải là một điều tốt.

Trong văn hoá Hàn, "hiệu ứng Veblen" ám chỉ một hiện tượng kinh tế xảy ra lúc nhu cầu về hàng xa xỉ tăng khi giá của chúng tăng lên, kết hợp với tác động của mạng xã hội và truyền miệng, đã tạo ra mối liên hệ tự nhiên với hàng xa xỉ. Ví dụ, việc Chanel tăng giá liên tục trong những năm qua đã làm dấy lên sự quan tâm điên cuồng của người tiêu dùng Hàn Quốc đối với hàng hoá xa xỉ. Điều này dẫn đến việc những người trẻ chấp nhận xếp hàng dài bên ngoài các trung tâm thương mại bán hàng xa xỉ cả hàng đồng hồ trước giờ mở cửa chính thức.

20150301-chinese-shopper.png
Ảnh minh hoạ

Kang Joon-man, Giáo sư tại Đại học Jeonbuk chia sẻ: “Tính đồng nhất về văn hóa và xã hội cao của Hàn Quốc, cùng với cộng đồng dân cư dày đặc, đã nuôi dưỡng văn hóa so sánh với những người hàng xóm trong cuộc sống hàng ngày. ‘Hiệu ứng hàng xóm' cũng ám chỉ việc tìm kiếm sự hài lòng trong cuộc sống thông qua sự so sánh bản thân với người khác, đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mong muốn sở hữu hàng hóa xa xỉ”.

Lim Woon-taek, Giáo sư xã hội học tại Đại học Keimyung, cho biết: “Khi nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng nhanh chóng trong 30 đến 40 năm qua, việc leo lên các bậc thang xã hội trở nên quan trọng”. Và nhiều người cảm thấy cần phải sở hữu ô tô thương hiệu nước ngoài, túi hiệu xa xỉ để khẳng định vị thế của bản thân.

Không cần nhà, không cần đẻ con mà chỉ cần túi hiệu

Đó là quan điểm phổ biến của nhiều người trẻ Hàn Quốc những năm gần đây. Nhìn vào những số liệu trên sẽ khiến nhiều người cho rằng giới trẻ Hàn Quốc đều đang kiếm được mức lương sáu con số và có một cuộc sống xa hoa. 

Trên thực tế, phần lớn thanh niên Hàn Quốc đang phải vật lộn tìm việc làm và nhà ở. Tuy nhiên, ngay cả khi đang gặp khó khăn về kinh tế, người trẻ tại Hàn Quốc vẫn sẽ chi phần lớn thu nhập của mình để mua những sản phẩm từ các thương hiệu xa xỉ.

Trong xã hội vô cùng áp lực tại Hàn Quốc, nhiều thanh niên coi mua sắm là hình thức xả stress hữu hiệu nhất. Họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để có được những món đồ xa xỉ mà mình yêu thích. Ngoài ra, các nhà phân tích cũng chỉ ra nhu cầu về hàng hiệu của người Hàn Quốc được thúc đẩy bởi mong muốn thể hiện địa vị xã hội của mình với những người xung quanh. Hậu quả là người trẻ Hàn Quốc đã hình thành thói quen chi tiêu “vung tay quá trán”, lạm dụng thẻ tín dụng đến mức mang nợ nần.

anh-chup-man-hinh-2024-03-22-luc-21.08.01.png
Ảnh minh hoạ

Đi kèm với tỷ lệ mua hàng hiệu lớn, Hàn Quốc phải đối mặt với những thách thức về vấn đề tỷ lệ sinh thấp đáng kể và ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn từ chối kết hôn. Không có nghĩa vụ liên quan đến gia đình ngay lập tức, xu hướng tự thưởng cho bản thân trong giới trẻ thông qua việc mua sắm xa xỉ đang gia tăng.

Jeon (32 tuổi) độc thân, là một ví dụ cho xu hướng này. Bất chấp mức lương hàng tháng chỉ khoảng 2,4 triệu won sau thuế (khoảng 44 triệu đồng), Jeon gần đây đã mua hai chiếc túi Chanel và hai chiếc túi Saint Laurent, coi chúng như một khoản "đầu tư" cho bản thân.

Jeon thừa nhận: “Chúng có thể tốn kém so với tài sản của tôi, nhưng tôi vẫn coi đây là cơ hội hiếm có để chăm sóc bản thân".

Giá bất động sản tăng vọt cũng ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng xa xỉ của thế hệ trẻ. Với ước mơ sở hữu nhà dường như ngoài tầm với, nhiều người trẻ Hàn Quốc đã chuyển hướng thu nhập của mình sang đồ hiệu thay vì tiết kiệm để mua nhà. Sự thay đổi này đã làm cho những chiếc túi và vật dụng sang trọng trở nên hấp dẫn hơn như một hình thức giảm căng thẳng và tận hưởng cá nhân.

Christine Lee, một công nhân 39 tuổi, độc thân và chưa có ý định kết hôn. Bạn bè của Lee đều có ít nhất một chiếc túi xách sang trọng và các bài đăng trên mạng xã hội cũng tác động đến nhu cầu mua sắm của cô.

“Chúng tôi không thể mua được nhà vì quá đắt. Vậy tại sao phải tiết kiệm mà không đầu tư cho sở thích của bản thân?", Lee ngậm ngùi nói.

han-quoc-bat-dong-san-1682951773781974648758.jpg
Giá bất động sản tăng vọt cũng thúc đẩy chi tiêu cho hàng hiệu tăng cao (Ảnh minh hoạ)

Kwak Geum-joo (Giáo sư tâm lý học Đại học Quốc gia Seoul) cho rằng thói quen mua hàng hóa xa xỉ của người trẻ đó là sự khác biệt về văn hóa giữa các thế hệ. Cô cho biết trong khi người lớn tuổi tiết kiệm để vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế, thì thế hệ trẻ, những người sinh ra trong thời kỳ sung túc, quan tâm nhiều hơn đến việc tiêu tiền để nâng cao giá trị cho bản thân.

"Người trẻ cho rằng đó là một khoản đầu tư vào bản thân. Họ sẵn sàng trả tiền nếu sản phẩm đó mang đến sự hài lòng và niềm vui", Kwak nói.

Tuy nhiên, Kwak Geum-joo cũng cho rằng thói quen tiêu xài không kiểm soát này cũng đang gián tiếp "giết chết" tương lai người trẻ. “Tiêu quá nhiều tiền vào hàng xa xỉ so với thu nhập của bản thân là điều đáng nói. Chúng ta cần biết tiết kiệm tiền và vẫn dành phần còn lại cho những gì mang lại sự hài lòng cho bản thân. Tôi nghĩ đó mới là cách tiêu dùng khôn ngoan", bà Kwak nhận định.

 


(0) Bình luận
Những người trẻ không có nhà, chỉ có túi hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO