Rút tiền từ hợp đồng Bảo hiểm Nhân thọ có thể là giải pháp tài chính hữu hiệu trong nhiều trường hợp, nhưng quyết định này cần được cân nhắc kỹ lưỡng để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi dài hạn. Vậy khi nào nên rút tiền, và cần lưu ý những gì để tối ưu hóa lợi ích mà hợp đồng bảo hiểm mang lại? Câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn.
Tối ưu lợi ích từ tiền Bảo hiểm Nhân thọ
Anh Minh, 40 tuổi, là trụ cột của một gia đình nhỏ với vợ và hai con. Anh tham gia Bảo hiểm Nhân thọ có thời hạn 20 năm với số tiền bảo hiểm là 1 tỷ đồng, kèm quyền lợi tích lũy hằng năm. Sau 10 năm đóng phí, hợp đồng của anh đã tích lũy được 300 triệu đồng giá trị hoàn lại. Cùng năm, mẹ của anh Minh được chẩn đoán mắc bệnh tim và cần phẫu thuật với chi phí 200 triệu đồng. Anh Minh không thể xoay sở vì không đủ tiền tiết kiệm nhưng vay mượn thì lãi suất cao nên đã tìm hiểu trao đổi với nhân viên tư vấn bảo hiểm. Sau khi được hướng dẫn, anh quyết định rút 200 triệu từ giá trị hoàn lại của hợp đồng.
Sau khi tính toán số tiền rút, hợp đồng bảo hiểm của anh vẫn duy trì vì anh chỉ rút một phần giá trị hoàn lại (300 triệu - 200 triệu = 100 triệu còn lại trong hợp đồng). Anh Minh cũng không phải đóng phí phạt do hợp đồng đã vượt quá năm thứ 5. Mẹ anh được phẫu thuật kịp thời mà không cần vay mượn, giúp gia đình vượt qua biến cố. Hợp đồng Bảo hiểm Nhân thọ của anh Minh tiếp tục hiệu lực đến năm thứ 20 với số tiền bảo hiểm 1 tỷ đồng. Trong trường hợp anh gặp rủi ro, gia đình anh vẫn sẽ nhận đủ số tiền bồi thường.
Câu chuyện trên cho thấy rút tiền từ hợp đồng bảo hiểm đúng lúc là một giải pháp tài chính khôn ngoan với điều kiện cần tính toán, cân nhắc trước khi rút tiền như:
Mất quyền lợi bảo hiểm: Khi rút toàn bộ giá trị hoàn lại, hợp đồng sẽ bị hủy, đồng nghĩa với việc mất quyền lợi bảo vệ. Rút tiền một phần sẽ giúp duy trì hợp đồng, nhưng số tiền bảo hiểm có thể giảm.
Phí rút trước hạn: Hầu hết hợp đồng bảo hiểm đều có quy định phí rút tiền trước thời hạn (thường là trong 5-10 năm đầu). Anh Minh không phải chịu phí vì đã rút sau năm thứ 5.
Ảnh hưởng đến lãi suất tích lũy: Giá trị tích lũy trong hợp đồng sẽ giảm khi rút tiền, ảnh hưởng đến lãi suất cộng dồn trong những năm tiếp theo. Trước khi rút tiền, hãy hỏi nhân viên tư vấn về các lựa chọn khác như vay từ giá trị hoàn lại hoặc tạm ngừng đóng phí để giảm thiểu tác động đến hợp đồng.
Khi nào là đúng lúc và số tiền rút bao nhiêu gọi là “tài chính khôn ngoan”?
Việc rút tiền từ hợp đồng Bảo hiểm Nhân thọ có thể là giải pháp tài chính thông minh nếu được thực hiện đúng lúc và hợp lý. Chìa khóa là hiểu rõ các điều khoản hợp đồng và tác động lâu dài của quyết định này. Ba trường hợp khách hàng có thể lưu ý:
1. Khi hợp đồng đã có giá trị hoàn lại đáng kể
Sau vài năm đóng phí (thường từ 3-5 năm), hợp đồng bắt đầu tích lũy giá trị hoàn lại. Đây là thời điểm phù hợp để cân nhắc rút một phần tiền nếu cần thiết.
2. Khi hợp đồng đã đến thời điểm đáo hạn
Khi hợp đồng đáo hạn (thường là sau 10, 15 hoặc 20 năm), bạn có thể rút toàn bộ số tiền tích lũy mà không ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm vì hợp đồng đã hoàn tất.
3. Khi cần tiền gấp cho các tình huống khẩn cấp
Những tình huống như bệnh tật, tai nạn hoặc các sự kiện khẩn cấp khác có thể khiến bạn cần tiền ngay. Trong trường hợp này, rút tiền từ bảo hiểm là lựa chọn ít gây áp lực hơn so với vay ngân hàng với lãi suất cao.
Thông thường các hợp đồng Bảo hiểm Nhân thọ có tỷ lệ giá trị hoàn lại đáng kể và có thể rút sau 10 năm đóng phí. Tỷ lệ này phụ thuộc vào loại hợp đồng bảo hiểm như: Bảo hiểm truyền thống, sau 10 năm, khách hàng có thể rút khoảng 60-80% giá trị hoàn lại, tùy thuộc vào chính sách của công ty bảo hiểm. Bảo hiểm liên kết đầu tư, tỷ lệ có thể rút từ 50-90% số tiền đầu tư, tùy thuộc vào hiệu quả đầu tư thị trường và chi phí quản lý. Bảo hiểm tích lũy, thường cho phép bạn rút 50-70% số tiền đã đóng mà không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi bảo hiểm chính.
Ví dụ minh họa một hợp đồng Bảo hiểm Nhân thọ với mức phí 20 triệu đồng/năm trong 10 năm. Tổng phí đóng: 200 triệu đồng. Giá trị hoàn lại sau 10 năm: 150 triệu đồng (khoảng 75% tổng phí). Số tiền có thể rút: 100 - 120 triệu đồng (tức 50-80% giá trị hoàn lại). Nếu khách hàng rút toàn bộ giá trị hoàn lại, hợp đồng sẽ bị hủy. Nếu chỉ rút một phần, hợp đồng vẫn có hiệu lực và tiếp tục bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
Ảnh: Internet
Tóm lại, trước khi rút tiền từ Bảo hiểm Nhân thọ, người đứng tên hợp đồng bảo hiểm nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia tài chính hoặc nhân viên tư vấn bảo hiểm để đảm bảo việc vừa giải quyết được nhu cầu tài chính trước mắt mà vẫn giữ được quyền lợi bảo vệ lâu dài cho bản thân và gia đình. Quyết định tài chính khôn ngoan không chỉ giúp bạn tối ưu giá trị tài chính, giải quyết khó khăn trước mắt nhanh chóng mà còn an tâm bảo vệ tương lai vững chắc.