Một căn siêu biệt thự do Ths.KTS GiaHuy Michael chủ trì thiết kế mới đây đã được vinh danh nhận Giải thưởng Kiến trúc châu Á năm 2023. Căn biệt thự này từng được định giá trên thị trường lên tới 300 tỷ đồng. KTS GiaHuy Michael cho biết, đây chỉ là một trong gần 100 công trình mà anh tham gia thiết kế cho giới siêu giàu.
Vị KTS này cũng nói thêm, không phải sự "khác biệt" hay "dị tính" từ chính bản thân khiến những vị khách hàng này lựa chọn anh mà bởi họ yêu thích phong cách thiết kế thượng lưu. Đó cũng là style mà anh kiên trì theo đuổi nhiều năm nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, anh có nhớ đã tham gia thiết kế bao nhiêu công trình cho giới siêu giàu?
Từng tham gia thiết kế rất nhiều và đa dạng các công trình từ trung đến cao cấp, những công trình công cộng đến biệt thự, penthouse… nhưng thiết kế cho giới siêu giàu thực sự là trải nghiệm thú vị. Tôi không nhớ được chính xác con số. Ước chừng tôi đã tham gia thiết kế, chủ trì thiết kế khoảng gần 100 công trình.
Công trình nào để lại cho anh ấn tượng nhất?
Hai năm trước, tôi đảm nhận một căn biệt thự. Khi hoàn thành, tác phẩm đó khiến tôi rất ưng ý. Đó là căn biệt thự cao cấp mà tôi chủ trì với rất nhiều yêu cầu khó, khắt khe chưa từng có về tiêu chuẩn đẳng cấp, xa xỉ.
Tôi cũng ấn tượng với yêu cầu của vị khách khi họ muốn chiếc cầu thang cần đặc biệt. Vừa là một bức bình phong che chắn lối vào, vừa là một điểm nhấn cho công trình của họ. Sau đó, tôi đã biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật “Never seen before” vì yêu cầu kĩ thuật để thực hiện chiếc cầu thang này rất khó. Cầu thang không cốn (tức không có bệ đỡ 2 bên – PV) và liên kết với nhau hoàn toàn bằng khớp nối giữa các viên đá mà không hề có chất liệu kết dính.
Phía khách hàng đã đặt ra những yêu cầu như thế nào?
Đối với công trình cao cấp như vậy, điều hiển nhiên họ yêu cầu một không gian sống thượng lưu, đẳng cấp cùng đồ nội thất xa xỉ. Ngoài hình thức, họ đặt ra yêu cầu về công năng trong sản phẩm sử dụng. Nhưng điều khiến họ cần nhất, không gian đó phải tạo ra cảm xúc, một tiêu chuẩn khó định lượng.
Vì sao họ lại đưa ra những yêu cầu như vậy? Bởi người siêu giàu thường đi nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với các nền văn hóa mới, trải nghiệm nhiều thiết kế siêu xa xỉ. Muốn chạmvào cảm xúc của họ, bạn phải tạo xúc cảm khác biệt và phải nổi trội, ấn tượng ít nhất bằng hoặc hơn những gì họ mong đợi.
Anh có thể tiết lộ thông tin về chủ nhân căn biệt thự đó?
Chúng tôi có nguyên tắc: không tiết lộ thông tin về khách hàng. Tuy nhiên, tôi có thể chia sẻ trong phạm vi cho phép, đó là một người trong giới tài chính. Anh ấy là người có tầm thẩm mỹ cao. Thiết kế cho một khách hàng như vậy là niềm vinh dự đối với một kiến trúc sư.
Cơ duyên nào khiến anh có cơ hội thiết kế cho giới siêu giàu?
Hiện tại, tôi đảm nhận vị trí Giám đốc sáng tạo của E.Studio. Chúng tôi phát triển nhiều thương hiệu nổi tiếng của châu Âu. Đấy là điểm mấu chốt mà các khách hàng “chuộng” sử dụng sản phẩm nội thất xa xỉ tìm đến chúng tôi. CEO của công ty cũng là người từng đảm nhận các công trình cho tệp khách hàng này. Đó là lý do tôi có nhiều cơ hội thiết kế cho những ông chủ siêu giàu.
Như anh vừa trao đổi, khách hàng siêu giàu luôn đặt ra rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Làm thế nào để thuyết phục được khách hàng “gật đầu” với bản thiết kế của mình?
Tất cả điều cần thuyết phục khách hàng đều nằm trong bản thiết kế công trình.
Bản thiết kế đó thường có phải sửa nhiều lần?
Rất nhiều lần! Nhưng việc sửa nhiều lần không đồng nghĩa chúng ta thiết kế không có gu hay thiếu công năng. Như để tạo ra viên kim cương, chúng ta phải cắt gọt, chỉnh sửa để được một viên kim cương hoàn thiện.
Việc hoàn thiện một thiết kế cho siêu biệt thự cũng như sáng tác một tác phẩm. Quá trình đó cần sự tương tác, trao đổi kỹ lưỡng giữa kiến trúc sư và khách hàng để chỉnh sửa, tạo ra bản thiết kế hoàn thiện rồi mới vào giai đoạn thực tế.
Anh “đọc vị” những ông chủ siêu giàu như thế nào?
Chúng ta sẽ không “đọc vị” được những khách hàng siêu giàu. Nhưng muốn đáp ứng được yêu cầu của họ, chúng ta phải có nền tảng văn hoá và học thức tốt.
Bản thân người kiến trúc sư phải thực sự trau dồi kiến thức. Không có bất cứ thứ gì tự nhiên mà đến. Chúng ta có thể kiếm nhiều tiền trong chốc lát, nhưng kiến thức phải tích luỹ từ từ. Đó là cách duy nhất đến được trái tim của tất cả mọi người, không phải chỉ những người giàu. Tôi nghĩ là đầu tiên, phải bằng kiến thức. Thứ hai là sự chân thành. Chỉ có vậy mới chạm đến trái tim và cảm xúc của khách hàng.
Muốn giải được những đề bài khách hàng siêu giàu đưa ra, anh có cần trải nghiệm không gian sống thượng lưu và sử dụng sản phẩm xa xỉ?
Có chứ, rất cần thiết. Nếu như không có sự trải nghiệm những sản phẩm xa xỉ, bạn sẽ không biết được sản phẩm đó có ưu, nhược điểm gì. Mười người khách hàng có mười sở thích khác nhau hoàn toàn. Chúng ta không thể áp dụng một cách làm, một phương hướng mà phải luôn linh hoạt. Điều đó có nghĩa là, một KTS phải liên tục trải nghiệm.
Đương nhiên không có cách trải nghiệm nào tốt bằng thử nghiệm sản phẩm đó trên thực tế. Một chiếc ghế không ngồi thử sẽ không biết chiếc ghế đó có thoải mái không, dù nhìn bề ngoài rất đẹp.
Chúng tôi thường xuyên tự bỏ tiền ra để trải nghiệm nghỉ dưỡng trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng xa xỉ, 5, 6 sao như khoản học phí để học về cảm giác và cách thiết kế. Đi nhiều đến nỗi gia đình thì lo mình “phá sản”, bạn bè thì nghĩ mình cố tình “sống ảo” (cười). Nhưng không phải cứ có tiền là đi đâu cũng được ví như cơ hội để vào những nhà máy sản xuất hàng đầu ở Châu Âu chẳng hạn. Với tôi, đi và tiếp cận được với bật liệu mới, công nghệ mới là vô cùng thú vị và cần thiết.
Quá trình học thông qua trải nghiệm cần rất nhiều thời gian. Bởi thị hiếu thay đổi, các sản phẩm cũng liên tục được cập nhật. Muốn phục vụ được khách hàng, chúng ta phải luôn tiếp cận cái mới. Không thể bê một "thiết kế thời tiền sử" để phục vụ cho khách hàng ở hiện tại, mà nên kết hợp học hỏi tinh hoa từ các nền kiến trúc đi trước với mới mẻ, tiến bộ của kiến trúc đương đại để áp dụng phù hợp với thực tại.
Đâu là sự khác biệt giữa thiết kế bình dân và cho giới siêu giàu?
Tất nhiên là rất khác biệt! Vô cùng khác biệt! Đầu tiên, chắc chắn một sản phẩm phục vụ cho người giàu sẽ có đẳng cấp khác hẳn so với tầng lớp trung lưu, nhất về mặt chi phí đầu tư.
Với người giàu, chi phí thiết kế có phải là vấn đề quan trọng?
Chi phí thiết kế không bao giờ là vấn đề đối với họ. Quan trọng bản thiết kế có mang lại cho họ đúng thứ họ mong muốn hay không? Con tim của thiết kế đó mang lại cho họ những gì, có chung với nhịp đập của họ hay không?
Nếu như thiết kế đó tạo ra sản phẩm rất phổ biến, được nhiều người yêu mến nhưng không đúng với ý thích của chủ nhà thì họ cũng không bỏ tiền ra cho sản phẩm đó.
Điều đó có nghĩa, khi nhận đề bài thiết kế từ khách hàng, anh sẽ phải đáp ứng hết tất cả những yêu cầu đưa ra?
Thông thường, khách hàng sẽ tìm đến kiến trúc sư hợp gu với họ. Mỗi KTS sẽ có nhưng phong cách (gu) khác nhau, mà ở đây là phong cách họ giỏi nhất. Khách hàng sẽ chọn KTS như vậy để tạo ra sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu mong muốn của mình.
“Gu” ở đây không có nghĩa là tôi cứ “dị tính” hay tôi “khác biệt” mà phải hiểu về phong cách thiết kế của chính mình. Tôi sẽ phải làm và trải nghiệm với nó nhiều năm, dần dần tự hình thành nên style của chính mình. Điều đó không có nghĩa, tôi lại áp đặt style của mình cho khách hàng. Mà thực tế, chúng ta đang phục vụ họ, đưa ra phương án đáp ứng nhu cầu mong muốn của họ. Nếu chúng ta không phục vụ được tệp khách hàng mà mình hướng tới thì style đó không còn phù hợp.
Anh có bao giờ từ chối hợp tác với khách hàng?
Có chứ! Đó là trong trường hợp tôi cảm thấy thiết kế của mình chưa chắc đã phù hợp với mong muốn của họ.
Anh có bao giờ lựa chọn chi phí đầu tư thiết kế là tiêu chí để nhận thiết kế?
Tôi không quan trọng mức độ đầu tư mà xem mức độ quan trọng của nó với khách hàng. Tất nhiên, một biệt thự hay penthouse đắt giá thì họ đều sẵn sàng chi tiền để có không gian nội thất tương xứng.
Thiết kế công trình cho giới siêu giàu, hẳn anh cũng sẽ giàu?
Thứ nhất, không phải cứ trở thành KTS như vậy là sẽ giàu (cười). Thứ hai, khi thiết kế công trình cho giới siêu giàu, kiến thức phải đủ tầm. Khi giàu có về kiến thức, sẽ tự chuyển hoá thành kinh tế. Có thể chúng ta sẽ giàu hoặc không giàu, bởi đó còn một phần từ may mắn. Nhưng chắc chắn rằng, thiết kế cho khách hàng trong giới siêu giàu, chúng ta sẽ được giàu về kiến thức.
Để hoàn thành một bản thiết kế mà khách hàng hài lòng, chúng tôi phải đi qua rất nhiều bước. Phải chuẩn bị thật kỹ, không đơn giản chỉ là vài bản vẽ, hoặc vài hình ảnh render.
Ví dụ, chúng tôi phải nghiên cứu hiện trạng của công trình. Có khi chính chúng ta phải vạch ra những điều mà khách hàng đang cần và mong muốn, do thực tế, không ít khách hàng biết bản thân muốn gì nhưng không diễn đạt và chia sẻ hết do họ quá bận.
Thế nên, chúng tôi phải khảo sát kỹ lưỡng, thậm chí tiếp xúc với họ để trao đổi, quan sát thói quen, tính cách. Phải thực sự rất hiểu khách hàng thì KTS mới có thể đưa ra một bản vẽ như mong muốn của họ. Người giàu có thể họ nói 1 nhưng chúng ta phải hiểu 10. Có như vậy, mới phục vụ nhóm khách hàng này.
Thiết kế cho giới siêu giàu có phải là một cuộc chiến không? Anh có từng “bó tay” hoặc stress với những yêu cầu đó ?
Không đến mức là cuộc chiến, mà thử thách là có. Với số đông thì dễ, nhưng thiết kế cho người rất giàu thì thực sự không hề dễ dàng. Tôi cũng có những lúc bế tắc và để không “bó tay” tôi nhận ra rằng mình cần phải trải nghiệm và cố gắng nhiều hơn nữa.
Anh tự cảm thấy bản thân mình đã thành công ở thời điểm hiện tại chưa?
Chưa bao giờ. Nhắc đến từ thành công, chắc là khi đó, tôi không còn thiết kế. Tôi luôn luôn có những mục tiêu của chính mình. Khi còn làm thiết kế tức bạn phải luôn liên tục học hỏi vì thế giới không ngừng xoay chuyển. Nếu bạn dừng lại có nghĩa bạn sẽ chuẩn bị phải rượt đuổi theo tất cả. Ví dụ hôm nay, bạn thiếu hiểu biết về nguyên vật liệu thì có nghĩa ngày mai bạn sẽ không thể tạo ra một bản thiết kế dành cho khách hàng bắt nhịp với thời đại. Mà bên cạnh đó, trong một thiết kế còn cần vô vàn kiến thức như: ánh sáng, hệ thống kĩ thuật, hiểu biết về tỉ lệ, tỉ xích, chất cảm…
Khi nghĩ đến kiến trúc sư thiết kế cho giới siêu giàu, người ta dễ nghĩ tới vị KTS đó hẳn “khác biệt và dị biệt”. Anh có bao giờ nhận được suy nghĩ đó từ những người xung quanh?
Bạn vừa trò chuyện với tôi, bạn có cảm thấy như vậy không? Nếu bạn cảm thấy như thế nào thì có thể khách hàng của tôi cũng sẽ cảm thấy như thế. Nhưng đó chỉ là cảm quan ban đầu. Còn những thứ tạo nên giá trị của tôi, tôi tin qua quá trình làm việc, họ sẽ nhận thấy. Đó là kiến thức và sự chân thành mà tôi luôn nỗ lực và cố gắng cho từng bản thiết kế.
Quay trở lại với “style” hay phong cách của một KTS, tôi nghĩ đó tất cả chỉ là một quá trình bản thân tích luỹ, góp nhặt kiến thức, kỹ năng, rèn luyện trong nghề. Khi bạn giỏi về mảng nào đó thì nó thì sẽ tự hình như hình thành phong cách cho bạn ở điểm đó.
- Cảm ơn những chia sẻ của anh!