Xăng dầu là một mặt hàng chiến lược của mỗi quốc gia, là nguồn năng lượng thiết yếu, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nó tham gia vào hầu hết các lĩnh vực hoạt động sản xuất, giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ, an ninh quốc phòng và đời sống xã hội.
Giá cả của mặt hàng này luôn rất “nhạy cảm” trước những biến động của những yếu tố chính trị, kinh tế trên thế giới. Những biến động tăng, giảm về giá của nó tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những “cú sốc” tăng giá đã gây ra biết bao bất lợi mà các quốc gia đều phải có biện pháp đối phó.
Hướng vận động chủ đạo là tăng giá
Nhìn lại lịch sử biến động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới có tăng, có giảm ở những giai đoạn, những thời điểm nhất định, nhưng xu hướng vận động chủ đạo, xuyên suốt là tăng giá, thậm chí có những giai đoạn tăng giá thấp, còn giảm giá chỉ là tạm thời.
Với điểm xuất phát ở những giai đoạn thập niên 60 chỉ khoảng 1,80 USD/thùng, trải qua nhiều cuộc khủng hoảng về dầu mỏ, giá liên tục tăng lên và có thời điểm đã tăng lên đến mức đỉnh cao 147,27 USD/thùng (khoảng tháng 7/2008), rồi đột ngột tụt xuống 40 USD/thùng (vào cuối năm 2008)... Sau đó tăng dần trở lại nhưng rồi đột ngột rơi xuống đáy về mức giá âm lần đầu tiên trong lịch sử (phiên giao dịch ngày 20/4/2020) trong một thời gian rất ngắn.
Cuối năm 2020 giá lại quay đầu tăng dần... đến năm 2021 đã tăng lại tới 85,91 USD/thùng, tiếp tục xu hướng tăng trong ngày 14/2/2022 tới 94,58 USD/thùng, cụ thể:
Năm 2022, ngay từ tháng đầu năm, giá dầu đang vận động theo xu thế tăng và cả năm đã có rất nhiều dự báo khác nhau về xu thế vận động của giá dầu. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho biết giá dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng, thậm chí đạt tới mức 125 USD/thùng.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến giá dầu tăng chính là do mất cân đối cung – cầu về dầu.
Theo các dự báo năm 2022, khi dịch Covid-19 ở các nền kinh tế trên thế giới được kiểm soát, chiến dịch mở cửa nền kinh tế được thực hiện và quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch bắt đầu khởi sắc thì nhu cầu về dầu sẽ ở mức khoảng 100,23 – 101 triệu thùng/ngày (cao hơn năm 2019 khoảng: 0,23 – 1 triệu thùng/ngày và cao hơn năm 2021: 3,5 – 4,27 triệu thùng/ngày).
Trong khi đó nguồn cung không tăng được như dự kiến do các nước OPEC+ không đáp ứng được các mục tiêu sản lượng đề ra, tình trạng leo thang căng thẳng địa chính trị và các nguyên nhân khác đã làm cho lượng cung thiếu hụt so với nhu cầu khoảng 500.000 -750.000 thùng/ngày.
Những tác động khi giá xăng dầu tăng
Những “cú sốc” về giá dầu tăng cao đã tác động mạnh đến nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Đối với nước có dầu mỏ xuất khẩu thì túi tiền của họ ngày càng đầy thêm, nhưng đối với các nước nhập khẩu dầu nhất là các nước có nền kinh tế kém phát triển, tăng trưởng kinh tế chậm hoặc các nước có đồng nội tệ không ổn định thì lao đao, điêu đứng đối phó với lạm phát và suy giảm tăng trưởng.
Việt Nam không là ngoại lệ. Những cú sốc giá dầu tăng tác động đến nền kinh tế có cả tích cực và tiêu cực.
Về mặt tích cực, nguồn thu nhập từ hoạt động xuất khẩu dầu thô tăng, đi liền đó là nguồn thu từ các loại thuế phí đối với dầu thô, xăng dầu thành phẩm tiêu thụ trong nước tăng theo góp phần giúp thu ngân sách Nhà nước tăng, lợi nhuận của các doanh nghiệp khai thác dầu, kinh doanh xăng dầu được cải thiện.
Tuy nhiên, những tác động tiêu cực gây ra những bất lợi đối với nền kinh tế không hề nhỏ cần được đặc biệt lưu tâm để có những giải pháp hữu hiệu giảm thiểu những tác động tiêu cực sau:
Tác động bao trùm nhất đối với tăng trưởng GDP. Nếu giá xăng dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5% (theo tính toán của chuyên gia thống kê). Theo tính toán của tôi khi giá xăng dầu tăng 10% (cố định các yếu tố khác) thì lạm phát của nền kinh tế sẽ tăng trực tiếp của vòng 1 khoảng 0,35%-0,36%, nếu tính cả vòng 2 thì lạm phát khoảng 0,87%-0,90%; Tác động đối với tổng chi phí của nền kinh tế tăng khoảng 0,352%.
Đối với hai lĩnh vực kinh tế cụ thể sử dụng nhiều xăng dầu, nếu giá xăng dầu tăng 10% sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng, tác động mạnh đến khả năng cạnh tranh và mặt bằng giá thị trường.
Cụ thể đối với ngành vận tải, giá thành sẽ tăng 3,5%-4,0% và ngành thủy sản đánh bắt xa bờ sẽ tăng 5,0%-6,0%... Còn đối với tiêu dùng, xăng dầu của các hộ gia đình không chỉ làm tăng thêm chi tiêu về xăng dầu cho việc đi lại hàng ngày 10% mà còn bị tác động thêm bất lợi kép khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng do tác động của giá xăng dầu tăng.
Kinh nghiệm của thế giới
Rút kinh nghiệm được tác động của cú sốc giá dầu lửa tăng từ những năm 70 của thế kỷ XX, nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách và áp dụng nhiều biện pháp thích hợp để hạn chế tác động tiêu cực do giá dầu tăng gây ra.
Tùy điều kiện của mình mà mỗi nước áp dụng các biện pháp khác nhau, nhưng tựu chung lại có những biện pháp:
Nhiều nước lập kho dự trữ chiến lược để chủ động điều hòa cung – cầu, cũng có thể hỗ trợ các công ty kinh doanh tham gia dự trữ để bảo đảm kinh doanh bình thường, không để xảy ra hẫng hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
Nhiều nước thực hiện chiến lược sử dụng nhiêu liệu tiết kiệm hợp lý trong cả sản xuất và tiêu dùng bằng các biện pháp như điều chỉnh cơ cấu ngành kinh tế thông qua việc xây dựng những ngành sản xuất có hàm lượng carbon thấp (tức là những ngành kinh tế ít sử dụng nhiên liệu); Thực hiện điều chỉnh cơ cấu tiêu dùng thông qua việc đa dạng hóa cung ứng và sử dụng các nguồn năng lượng khác, không để nền kinh tế quá phụ thuộc vào dầu mỏ như: Khí đốt, sức gió, điện mặt trời, thủy điện, điện nguyên tử, nhiên liệu sinh học... Đồng thời các nước này cũng nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu.
Hầu hết các nước có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu áp dụng các biện pháp kinh doanh phòng ngừa rủi ro để tránh biến động giá. Thực hiện cơ chế cạnh tranh trong kinh doanh gắn liền với nó là cơ chế giá thị trường, cạnh tranh thực sự về giá cả.
Tuy nhiên vẫn có một số nước có khai thác dầu xuất khẩu thì lập quỹ bù giá bằng cách lấy tiền từ lãi kinh doanh dầu thô và sản phẩm dầu khí để bù lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh dầu khí nhập khẩu khi giá dầu trên thị trường thế giới tăng đột biến.
Một số nước trong khối ASEAN thì lại áp dụng các biện pháp tình thế: điều chỉnh tăng giá ở mức độ nhất định khi giá thế giới tăng kết hợp thực hiện trợ giá nhiên liệu từ ngân sách quốc gia...
Khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm của thế giới như trên, tôi nghĩ Việt Nam có thể nghiên cứu, vận dụng để ứng xử với tình trạng giá dầu (giá dầu thô, gắn liền với nó là giá xăng dầu thành phẩm) khi tăng quá cao gây tác động bất lợi đến nền kinh tế.
Trên cơ sở bám sát diễn biến và dự báo chính xác các diễn biến của cung – cầu, giá cả thị trường thế giới và trong nước để có chiến lược (cả trung hạn và dài hạn) tăng cường nguồn lực thông qua giải pháp luôn bảo đảm cân đối cung – cầu trong mọi tình huống trên cơ sở các chiến lược sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông, tiêu dùng hợp lý.
Nhà nước có chính sách, cơ chế đẩy mạnh sản xuất, chế biến trong nước; Lập dự trữ chiến lược để chủ động điều hòa cung cầu trong nước.
Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, hợp lý gắn với nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu trong cả sản xuất và tiêu dùng (trước hết và đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều nhiên liệu như: Công nghiệp, giao thông vận tải, thủy hải sản) thông qua các giải pháp: Định hướng điều chỉnh cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, trong đó đối với sản xuất là điều chỉnh cơ cấu ngành theo hướng ưu tiên xây dựng những ngành kinh tế sử dụng nhiên liệu ít và ít sử dụng nhiên liệu; đối với tiêu dùng thì thực hiện đa dạng hóa việc cung ứng và sử dụng các nguồn năng lượng khác có thể thay thế được mà nước ta có lợi thế như: nhiên liệu sinh học, khí đốt, năng lượng tái tạo...
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có sử dụng xăng dầu phải lựa chọn phương án sử dụng xăng dầu hợp lý, giảm suất tiêu hao trên đơn vị sản phẩm; các cơ quan Nhà nước cũng phải áp dụng các biện pháp chống lãng phí trong việc sử dụng xăng dầu.
Nhà nước chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp tài khóa, tiền tệ hợp lý khi thị trường thế giới có những cú sốc xảy ra.
Trong kinh doanh xăng dầu, thực hiện rà soát lại các điều kiện kinh doanh, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không còn hợp lý, các chế độ bảo hộ bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu không phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế (ví dụ kiểu bảo hộ cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn); tạo môi trường cạnh tranh thực trong kinh doanh xăng dầu, kể cả về cung ứng và giá theo tín hiệu thị trường.
Thực thi nghiêm ngặt các biện pháp chế tài kiểm soát tình trạng lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường kinh doanh trái pháp luật, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tự chủ thực sự trong sản xuất kinh doanh, tự lựa chọn thị trường, bạn hàng, thời điểm mua bán có lợi nhất, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh hiện đại chống rủi ro trên thị trường thế giới.
*Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính