Những cụ bà U80, U90 vẫn miệt mài "chinh chiến" thương trường: Chèo lái cơ ngơi 1.000 tỷ, tăng trưởng 80% lợi nhuận, thù lao Top đầu sàn chứng khoán với 7,5 tỷ đồng/tháng

Tri Túc | 03:58 22/10/2024

Mức thu nhập 7,5 tỷ/tháng cao thuộc Top đầu sàn chứng khoán, vượt qua nhiều sếp ngân hàng.

Những cụ bà U80, U90 vẫn miệt mài "chinh chiến" thương trường: Chèo lái cơ ngơi 1.000 tỷ, tăng trưởng 80% lợi nhuận, thù lao Top đầu sàn chứng khoán với 7,5 tỷ đồng/tháng

Cụ bà ngành mía đường Trần Thị Thái: Sở hữu khối tài sản lên đến 1.000 tỷ đồng

Nhắc đến những “cụ bà” U80, U90 trên thương trường, người ta nhớ ngay đến nữ doanh nhân Trần Thị Thái. Bà được coi là "nữ tướng" lão làng trong ngành mía đường ở Việt Nam. Bà Thái sinh năm 1939 tại Tp.HCM, là mẹ ruột của ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đường Kon Tum và Chủ tịch HĐQT của CTCP Mía Đường Sơn La (SLS).

Kể từ năm 1976 – 1995, bà Trần Thị Thái chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm. Từ năm 1995 – 2003, nữ doanh nhân bắt đầu chuyển hướng trở thành chủ doanh nghiệp. Đến năm 2003, bà lên nắm giữ chức Giám đốc Công ty TNHH Kim Hà Việt. Trong những năm trở lại đây, bà Trần Thị Thái mua cổ phần của nhiều doanh nghiệp mía đường khác.

Bà Trần Thị Thái là một doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường. Bà từng tham gia vào ban quản trị và ban lãnh đạo của loạt doanh nghiệp mía đường lớn ở Việt Nam, chẳng hạn như CTCP Mía đường Bến Tre (Bentresuco), CTCP Đường Kon Tum (KTS), CTCP Mía đường Cần Thơ (Casuco), CTCP Mía đường Sóc Trăng (SST), CTCP Mía đường Sơn La (SLS)….

Không chỉ được xem là người lớn tuổi nhất sàn chứng khoán Việt Nam, "cụ bà" này cũng đang là cổ đông của một loạt doanh nghiệp ngành mía đường. Hiện nay, dù không trực tiếp điều hành công ty, nhưng bà Trần Thị Thái vẫn đang nắm giữ nhiều cổ phần tại các doanh nghiệp mía đường. Cụ thể, bà Thái hiện đang nắm giữ 27,4% cổ phần của CTCP Mía đường Sơn La, 11,72% CTCP Mía đường Cần Thơ và 3% CTCP Đường Kon Tum.

Ngoài ra, nữ doanh nhân này đang nắm giữ gần 2,7 triệu cổ phiếu của CTCP Mía đường Sơn La và hơn 152.000 cổ phiếu tại CTCP Đường Kon Tum. Đến nay, tính theo giá thị trường, khối tài sản của bà Trần Thị Thái tại hai công ty này lần lượt là hơn 430 tỷ đồng và hơn 6 tỷ đồng.

Chủ tịch Sơn Á Đông: Bước sang tuổi 83, nửa đầu năm tăng trưởng gấp đôi lợi nhuận

screen-shot-2024-10-21-at-17.42.30.png
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Nhung tại một ĐHCĐ thường niên của ADP. 

Cũng hàng U90 là bà Nguyễn Thị Nhung - sinh năm 1941. Dù đã 83 tuổi, bà Nhung vẫn đang giữ cương vị Chủ tịch HĐQT của CTCP Sơn Á Đông (mã chứng khoán ADP).

Sơn Á Đông được thành lập từ năm 1970 tại Sài Gòn, một trong hai nhà sản xuất lớn nhất khu vực miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Công ty có vốn điều lệ hơn 230 tỷ đồng.

Năm 1976, bà Nhung tiếp quản nhà máy, năm 2000 trở thành thành viên hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty. Năm 2020, bà Nhung từng thôi giữ chức vụ Chủ tịch nhưng 2 năm sau đó, bà đã trở lại vị trí đứng đầu Công ty.

Theo báo cáo quản trị, tại thời điểm tháng 6/2024, bà Nhung đang nắm hơn 2,3 triệu cổ phần ADP, tương đương hơn 10% vốn doanh nghiệp. Tạm tính theo giá cổ phiếu ADP trên sàn là 30.650 đồng/cp, lượng cổ phiếu bà Nhung sở hữu trị giá 70,5 tỷ đồng.

Về kinh doanh, Sơn Á Đông đang tăng trưởng khá ổn định. Quý 3/2024, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 628 tỷ - tăng 80% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế gần 69 tỷ - tăng gần gấp đôi.

Chủ tịch VFG: Thù lao “vượt” các lãnh đạo nhà băng với 7,5 tỷ đồng/tháng

screen-shot-2024-10-21-at-17.25.08.png
Ảnh: Bà Nguyễn Bạch Tuyết - Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của CTCP Khử trùng Việt Nam.

Hay bà Nguyễn Bạch Tuyết - Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của CTCP Khử trùng Việt Nam (mã chứng khoán VFG, thành viên của Tập đoàn PAN).

Bà Tuyết sinh năm 1942 tại tỉnh Quảng Ngãi, được giới thiệu có trình độ chuyên môn là kỹ sư nông nghiệp. Nữ chủ tịch 82 tuổi này trước khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, có thời gian dài làm chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật (1976 - 1984). Từ năm 1985 - 2009 bà Tuyết trải qua nhiều vị trí khác nhau tại VFC và chính thức nhận vị trí Chủ tịch HĐQT đến nay. Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 cho biết bà Tuyết đang nắm 1,35% vốn tại VFG.

Những năm gần đây, kết quả kinh doanh của VFG liên tục tăng trưởng. Năm 2023, doanh thu của doanh nghiệp đạt 3.262 tỷ - tăng gần 10% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt gần 300 tỷ - tăng gần 30%. Sang nửa đầu năm 2024, doanh thu của VFG đạt gần 2.000 tỷ - tăng 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ở mức 160 tỷ - tăng 43%.

screen-shot-2024-10-21-at-17.37.26.png
Nguồn: BCTC quý 1/2024 của VFG.

Đáng chú ý, báo cáo thu nhập quý 1/2024 bà Tuyết nhận 22,35 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Mức thu nhập này cao thuộc Top đầu sàn chứng khoán, vượt qua nhiều sếp ngân hàng với 7,5 tỷ đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Sơn – “lão phật gia” của Sơn Kim Group

son.jpg
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Sơn – “lão phật gia” của Sơn Kim Group.

Một người khác là bà Nguyễn Thị Sơn sinh năm 1950, tại làng quan họ Bắc Ninh. Bà xuất thân trong một gia đình có truyền thống về may mặc và đã từng là nhà quản lý doanh nghiệp may mặc quốc doanh Legamex, Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp, viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế và nhiều chức danh khác.

Hiện, dù đã U80 nhưng bà Sơn vẫn có sức ảnh hưởng trong mọi quyết định tại Sơn Kim Group (tên cũ là Đại Thành).

Tập đoàn Sơn Kim – Một trong những gia tộc kín tiếng bậc nhất Sài Gòn, cũng là một tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực khởi nghiệp từ những năm 1950, đến thế hệ thứ ba của nhà Sơn Kim, hoạt động kinh doanh của công ty này được mở rộng sang bất động sản, bán lẻ, cho đến dược phẩm, nội thất….

Ở tuổi “thất thập” bà 'trùm' Sơn Kim vẫn có sức ảnh hưởng nhất định ở những lĩnh vực khác nhau của tập đoàn, gồm bất động sản và kinh doanh thương mại, dịch vụ, ăn uống, nhà hàng, thiết kế nội thất, trà – cà phê, sản xuất hàng thời trang, bán hàng online, kênh truyền hình và gần đây nhất là lĩnh vực giáo dục.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Những cụ bà U80, U90 vẫn miệt mài "chinh chiến" thương trường: Chèo lái cơ ngơi 1.000 tỷ, tăng trưởng 80% lợi nhuận, thù lao Top đầu sàn chứng khoán với 7,5 tỷ đồng/tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO