Nhu cầu suy yếu đẩy giá lúa mì giảm mạnh

Trường Giang | 16:35 20/09/2022

Trong phiên giao dịch đầu tuần 19/9, thị trường nông sản ghi nhận những diễn biến có phần trái chiều, mặt hàng lúa mì gây chú ý khi giảm đến 3,4%.

Nhu cầu suy yếu đẩy giá lúa mì giảm mạnh
Giá lúa mì giảm mạnh 3,4%

Lúa mì đóng cửa phiên hôm qua với mức giảm mạnh 3,4% do nhu cầu từ nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới là Trung Quốc liên tục suy yếu đã gây sức ép mạnh lên giá lúa mì.

Cụ thể, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cho biết, nước này đã nhập khẩu 0.53 triệu tấn lúa mì trong tháng 08, giảm tới 25,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, lũy kế nhập khẩu lúa mì trong 8 tháng đầu năm nay của nước này chỉ đạt 6,25 triệu tấn, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với ngô, giá mặt hàng này có những diễn biến tương đối giằng co trong bối cảnh những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu do lạm phát tiếp tục đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư.

Giá suy yếu ngay sau khi mở cửa do tình hình nguồn cung trên Biển Đen tiếp tục được nới lỏng, nhưng lực mua mạnh mẽ trong cuối phiên đã giúp giá ngô hồi phục và đóng cửa với mức tăng nhẹ 0,15%.

Việc các lô hàng ngô từ Mỹ được đẩy mạnh phản ánh nhu cầu đối với loại ngũ cốc này có sự cải thiện và giúp giá ngô quay đầu tăng trở lại.

Cụ thể, báo cáo Giao hàng xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp Mỹ phát hành tối qua cho thấy, khối lượng giao hàng ngô trong tuần kết thúc ngày 15/09 của Mỹ tăng cao hơn so với tuần trước đó.

Bên cạnh đó, giá đậu tương đã lấy lại được sắc xanh sau 4 phiên liên tiếp suy yếu: những số liệu xuất khẩu tích cực hơn của Mỹ là yếu tố chính hỗ trợ cho giá trong phiên hôm qua.

Diễn biến của giá đậu tương cũng đã góp phần thúc đẩy lực mua và khiến giá khô đậu bật tăng mạnh gần 2%.

Ngược lại, dầu đậu tương lại ghi nhận mức giảm khá sâu do áp lực trái chiều nhưng nhìn chung giá vẫn đang duy trì trong khoảng đi ngang trước đó với biên độ thu hẹp hơn.

Các số liệu xuất khẩu đầu niên vụ mới của Mỹ đã giúp cho thị trường có những kỳ vọng tích cực hơn về nhu cầu: trong báo cáo Giao hàng xuất khẩu, đã có 518.743 tấn lúa mì đã thông quan và xuất cảng, cao hơn so với mức 341.713 của tuần trước đó.

Bên cạnh đó, hạn hán tại khu vực EU đã kết thúc tại hầu hết các khu vực nhưng đây cũng là thời điểm ít có thể hỗ trợ cho cây vụ hè phục hồi.

Cơ quan giám sát mùa vụ của Liên minh châu Âu (MARS) đã cắt giảm nhẹ dự báo năng suất hạt hướng dương của EU xuống còn 2,05 tấn/héc-ta, từ 2,06 tấn/héc-ta trong ước tính trước và thấp hơn 14% so với năm 2021.

Nguồn cung hạt có dầu của EU sụt giảm là yếu tố đã hỗ trợ cho giá đậu tương.

Trên thị trường nội địa, giá lúa gạo hôm nay (20/9) không có biến động so với cuối tuần.

Giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không có biến động, mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm đi ngang sau nhiều phiên điều chỉnh tăng của tuần trước.

Lúa hè thu cơ bản thu hoạch xong ở hầu hết các tỉnh với diện tích thu hoạch đạt trên 90% tổng diện tích toàn vùng (tính đến ngày 8/9) ...

Thị trường lúa thu đông chậm, giao dịch lúa mới ở mức độ lai rai (chiếm 9,3% diện tích xuống giống), giá lúa chững lại vì hầu hết lúa đã được cọc trước đó.

Hiện tại, giá chào bán gạo xuất khẩu tăng mạnh: gạo 5% tấm ở mức 400 USD/tấn, gạo 25% tấm và 100% tấm giữ ổn định ở mức 378 USD/tấn và 383 USD/tấn.

Trong những ngày qua, động thái áp thuế và tạm dừng xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ đang khiến thị trường gạo thế giới biến động mạnh, trong đó có Việt Nam.

Một tuần nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, giá gạo xuất khẩu tăng khiến doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn, thị trường trong nước cũng sôi động hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhu cầu suy yếu đẩy giá lúa mì giảm mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO