*Thông tin trong bài lấy từ câu trả lời của ChatGPT và chỉ mang tính chất tham khảo.
Với mức độ phổ biến và ứng dụng rộng rãi của ChatGPT, không có gì ngạc nhiên khi công cụ này cũng được sử dụng cho việc lên kế hoạch tài chính các nhân. Nhiều tổ chức tài chính lớn đã áp dụng AI để xử lý các đơn xin vay, phát hiện gian lận và quản lý các khoản đầu tư.
Khi được yêu cầu gợi ý về cách tiết kiệm tiền để mua một ngôi nhà trị giá 2 tỷ đồng trong vòng 5 năm với thu nhập hàng tháng rơi vào 20 triệu đồng, ChatGPT đưa ra câu trả lời khá chi tiết. Đặc biệt, khi đưa thêm các điều kiện tài chính cá nhân như chi tiêu hàng tháng 10 triệu đồng và mỗi tháng tiết kiệm được 10 triệu đồng, công cụ này có thể đưa ra những tính toán cụ thể hơn.
Cụ thể, chatbot ChatGPT đưa ra phép tính số tiền người dùng cần tiết kiệm là 400 triệu đồng/năm để mua được một căn nhà 2 tỷ đồng trong 5 năm. Như vậy, số tiền cần tiết kiệm mỗi tháng là hơn 33 triệu đồng/tháng.
Công cụ này đưa ra thêm gợi ý cho người dùng:
"Tuy nhiên, thu nhập hàng tháng của bạn là 20 triệu đồng, trong khi chi phí hàng tháng là khoảng 10 triệu đồng. Do đó, số tiền tiết kiệm hàng tháng của bạn sẽ là:
20 triệu đồng (thu nhập hàng tháng) - 10 triệu đồng (chi phí hàng tháng) - 10 triệu đồng (tiền tiết kiệm hàng tháng) = 0 đồng
Nếu bạn muốn đạt được mục tiêu mua căn nhà trong 5 năm, bạn có thể tìm cách tăng thu nhập hàng tháng hoặc giảm chi phí hàng tháng để có thể tiết kiệm được số tiền cần thiết để mua căn nhà. Bạn cũng có thể tìm kiếm các cách đầu tư tiền của bạn để tăng thu nhập và đạt được mục tiêu của mình trong thời gian ngắn hơn".
ChatGPT cũng bổ sung thêm rằng để đạt được mục tiêu này, người dùng cần đảm bảo rằng chi phí hàng tháng không tăng lên quá cao và tiết kiệm được đủ số tiền mỗi tháng. "Vì vậy, bạn cần lên kế hoạch tài chính cẩn thận để đảm bảo rằng bạn có đủ tiền tiết kiệm mỗi tháng và đồng thời duy trì chi phí hàng tháng của mình", chatbot này viết.
Cuối cùng, công cụ này kết luận:
"Ngoài ra, bạn có thể nghiên cứu các cách khác nhau để tăng thu nhập của mình hoặc giảm chi phí hàng tháng để có thể tiết kiệm nhiều hơn. Điều này có thể bao gồm tìm kiếm cơ hội làm thêm, đầu tư vào các khoản đầu tư có lợi suất cao hơn hoặc cắt giảm các chi phí không cần thiết.
Cuối cùng, để đảm bảo rằng bạn có thể đạt được mục tiêu của mình, bạn cần có kế hoạch dài hạn và kiên trì thực hiện nó. Điều này có thể bao gồm việc đưa ra các mục tiêu tài chính cụ thể, lập kế hoạch tài chính chi tiết và theo dõi tiến độ tiết kiệm của mình".
Tuy nhiên, tờ Fortune cho biết, không nên quá tin tưởng vào những gợi ý ChatGPT đưa ra vì công cụ này không cân nhắc đến điều kiện thu nhập hàng tháng có thể thay đổi như tăng lương, thăng chức hoặc đổi việc làm. Hay kiến thức của ChatGPT chỉ cập nhật đến năm 2021 nên thiếu thông tin về việc tăng/giảm lãi suất và các diễn biến kinh tế gần đây.
Kyle McIntyre, Trưởng phòng Kỹ thuật AI tại Quiq chia sẻ: “Chúng ta cần nhớ rằng ChatGPT đã được đào tạo để trở nên sáng tạo và tạo ra văn bản giống con người. Nó không nhất thiết phải được đào tạo để đưa ra thông tin đúng, mà chỉ cần mang tính tham khảo”.