Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là doanh nghiệp đặc thù được thành lập và hoạt động với trọng trách xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế.
Các ngành nghề kinh doanh và hoạt động chính của VAMC bao gồm:
Mua nợ xấu của TCTD;
Thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, TS đảm bảo;
Cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay;
Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê TS bảo đảm đã được công ty quản lý tài sản thu nợ;....
Trong giai đoạn đầu mới thành lập, hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC chỉ tập trung vào phát hành trái phiếu đặc biệt để mua bán, xử lý nợ, tuy nhiên từ năm 2017 đã chuyển trọng tâm sang mua bán, xử lý nợ theo cơ chế thị trường.
Đây cũng chính là bước chuyển đúng đắn đem lại hiệu quả kinh doanh cho công ty, thể hiện ở các số liệu tài chính. Theo VAMC, từ năm 2017 đến nay, doanh thu hàng năm của công ty đều đạt trên 2.000 tỷ đồng gấp hàng chục lần so với giai đoạn trước.
Lợi nhuận hàng năm trong giai đoạn 2017 đến nay liên tục gia tăng. Nếu như năm 2017 – năm đầu tiên triển khai hoạt động mua bán nợ theo GTTT, lợi nhuận của VAMC mới đạt 16 tỷ đồng, thì đến năm 2022 lợi nhuận của VAMC đã đạt 165 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong vòng 06 năm, mặc dù phải trải qua giai đoạn chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng lợi nhuận của VAMC đã tăng 10 lần. Với kết quả kinh doanh đạt được, hàng năm VAMC cũng đóng góp hàng chục tỷ đồng từ lợi nhuận vào ngân sách nhà nước.
Hiện nay, doanh thu và lợi nhuận của VAMC chủ yếu đến từ doanh thu từ hoạt động mua nợ theo giá thị trường. Ngoài ra còn có một phần doanh thu từ hoạt động mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt và doanh thu tài chính khác.
Với kết quả kinh doanh từ khi triển khai hoạt động mua bán nợ theo giá thị trường, từ năm 2017 tình hình tài chính của VAMC cũng có sự thay đổi căn bản. Thay vì chỉ có nguồn thu từ phí quản lý, thu hồi nợ mua bằng TPĐB và không có lợi nhuận trong giai đoạn 2016 trở về trước thì từ năm 2017, VAMC đã cân đối được thu chi và có lợi nhuận ngày càng cao thông qua hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường, đảm bảo thực hiện triệt để nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, thu nhập của cán bộ, người lao động VAMC cũng được cải thiện đáng kể. Theo số liệu quý II/2022, với tổng số cán bộ, CNV là 188 người, thu nhập bình quân của người lao động tại VAMC là 26 triệu đồng/tháng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước đó.
Còn trong năm 2021, thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động tại VAMC đạt bình quân 30,2 triệu đồng/tháng, tăng gần 6% so với năm 2020 và không thua kém khi so sánh với thu nhập của nhân viên các ngân hàng.
Tại 30/06/2022 theo BCTC công bố, VAMC đang có 8.399 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi các TCTD bao gồm TGKKH, tiền gửi có kỳ hạn, tiền ký quỹ, ký cược,... Chiếm tỷ trọng lớn nhất (hơn 92%) trong tổng tài sản của VAMC là các khoản nợ mua, trị giá 99.178 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn của VAMC đến 30/06/2022 là 107.647 tỷ đồng, trong đó nguồn chính (chiếm tới 92,5%) đến từ trái phiếu đặc biệt phát hành, giá trị 96.555,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, đóng góp vào cơ cấu nguồn vốn là các khoản phải trả và công nợ khác (80 tỷ đồng), vốn điều lệ (5.000 tỷ đồng), quỹ (80 tỷ đồng) và 128,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.