Cha mẹ đi xin việc, đòi lại công bằng ở chỗ làm cho con
Khi bước vào một cửa hàng tại Georgia (Mỹ), cô gái Robi Williams (22 tuổi) thấy người phụ nữ vừa đi vừa nói chuyện một cách gay gắt và tức giận. Một lúc sau Williams mới hiểu được câu chuyện đang diễn ra: Con gái của người phụ nữ là nhân viên thu ngân. Một khách hàng gây khó dễ cho cô con gái nên người mẹ đã xuất hiện để giải quyết vấn đề.
Theo WSJ, nhiều bậc phụ huynh đang bao bọc cho con cái của họ từ trung học, đại học, qua đại dịch Covid-19 và bây giờ họ xuất hiện tại cả nơi làm việc của con. Các nhà tuyển dụng cho biết ngày càng nhiều cha mẹ gọi điện cho người quản lý tuyển dụng, nộp đơn xin việc thay cho con và thậm chí có mặt tại văn phòng để giúp hòa giải các xung đột.
Khi Robi Williams đang làm thêm tại một cửa hàng phụ kiện, cô cũng chứng kiến một người mẹ đến xin việc cho con gái mình. Williams cho rằng những hành động can thiệp như vậy không hữu ích cho lắm và người quản lý cửa hàng cũng không có ý định gọi cô gái kia đến phỏng vấn. Tuy vậy, khi còn là một thiếu niên, Robi Williams cũng nhận được sự trợ giúp ngay lập tức từ mẹ trong tình huống cô vô tình làm rơi vỡ điện thoại của một khách hàng.
“Nếu bạn là một thiếu niên thì cha mẹ sẽ là người luôn đứng về phía bạn khi bạn cần. Tôi thực sự rất biết ơn mẹ của mình”, cô gái Mỹ chia sẻ.
Ảnh minh họa
Theo Sam McDowell, quản lý điều phối viên nhân sự tại resort Smugglers' Notch ở Vermont (Mỹ), các bậc cha mẹ không chỉ nộp đơn xin việc hè hộ mà còn thường xuyên cố tham gia vào các buổi phỏng vấn của con. “Họ bước vào phòng phỏng vấn trước rồi con họ theo sau. Tôi cũng hơi bối rối vì không biết ai mới là người đến đây để xin việc”, Sam McDowell nói. Thậm chí mẹ của một nhân viên cứu hộ tuổi teen tại resort này từng tranh cãi với McDowell về việc con trai cô ấy xứng đáng được tăng lương.
Khi sự quan tâm quá đà phản tác dụng
Một số nhà quản lý tuyển dụng cho biết kể từ sau Covid-19, hiện tượng cha mẹ nộp đơn thay con cái và hướng dẫn chúng đi làm đã tăng nhanh.
Harley Johnson, người điều hành chương trình dành cho trẻ em và thanh thiếu niên tại Smugglers' Notch cho biết một trong nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do trong thời kỳ đại dịch, nhiều người trẻ tuổi không có cơ hội để học cách tương tác với thế giới bên ngoài. Vậy nên bố mẹ họ phải nắm tay chỉ dẫn họ nhiều hơn. Con gái của Johnson cũng làm việc tại resort này nhưng cô chỉ theo dõi từ xa và cố gắng tạo khoảng cách với con.
Ảnh minh họa
Shawna Lake, một nhà tuyển dụng ở bang Indiana (Mỹ) nhận định việc nuôi dạy con theo kiểu “cha mẹ trực thăng”, luôn chăm sóc con cái quá kỹ càng đã có từ nhiều thập kỷ. Tuy nhiên với sự phổ biến của công việc từ xa như hiện nay, cha mẹ càng dễ dàng hỗ trợ con cái từ phía sau. Lake cũng cho rằng đại dịch đã đưa nhiều người trẻ trở về với gia đình. Theo dữ liệu điều tra dân số Mỹ năm 2022, hơn một nửa người trưởng thành 18-24 tuổi ở quốc gia này sống ở nhà bố mẹ.
Nhà tuyển dụng này từng nghe nhiều ứng viên nói về ảnh hưởng của phụ huynh đến việc xác định mức lương, đãi ngộ hay quyết định có nên nhận công việc đó hay không. “Họ sẽ gọi điện và xin ý kiến của mẹ mình trong một vấn đề nào đó”, Lake nói.
Trong các cuộc phỏng vấn Zoom với các ứng viên tiềm năng, đôi khi Shawna Lake nhìn thấy cha mẹ ứng viên đi lại ở cuối phòng. “Bạn thậm chí sẽ nghe thấy những câu nói thầm thì ‘hãy nói thông tin này’ hay ‘hãy hỏi về điều kia’”, Lake chia sẻ.
Ảnh minh họa
Kylie Bayer, chuyên viên làm trong bộ phận nhân sự cho một công ty cấp nước ở Oregon (Mỹ) cho biết công ty của cô nhận được các cuộc gọi từ các bậc phụ huynh hỏi về việc làm cho con cái của họ. Bayer đồng cảm với bản năng hỗ trợ con của bố mẹ nhưng điều này đang làm “thui chột” khả năng tự lập của người trẻ.
“Hãy để họ tự giải quyết mọi thứ vì họ sẽ phải điều đó cả đời mà”, Bayer nói.
Các chuyên gia nhân sự cho biết họ có xu hướng không hứng thú nếu người liên hệ với họ là cha mẹ của ứng viên và việc can thiếp quá nhiều của cha mẹ sẽ khiến con cái không có động lực phấn đấu, phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ từ người khác.
Quá nhiều sự can thiệp có thể phản tác dụng theo nhiều cách khác nhau. Khi Houston Wade, 42 tuổi ở Seattle (Mỹ) làm việc tại một nhà hàng, mẹ của một đồng nghiệp đã gọi điện cho người quản lý để yêu cầu sắp xếp lại ca làm việc của con trai. Mục đích chỉ là để cậu con trai có thể xem các trận bóng đá vào Chủ nhật. Câu chuyện này ngay lập tức lan truyền và chàng trai kia trở thành trò cười, trong khi lịch làm việc của anh vẫn như cũ.
Theo WSJ