Nhiều kỳ vọng cho cổ phiếu họ hàng xây lắp "bứt tốc" năm 2024

Đinh Tịnh - Thanh Đỗ | 10:16 17/02/2023

Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT triển khai 64 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 370.000 tỷ đồng, tăng hơn 200.000 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước (165.000 tỷ đồng). Nhờ xung lực đó, cổ phiếu các doanh nghiệp xây lắp đang "đón sóng" tăng trưởng. Liệu năm 2024, cổ phiếu xây lắp còn giữ được sắc "xanh"?

Nhiều kỳ vọng cho cổ phiếu họ hàng xây lắp "bứt tốc" năm 2024
Hàng loạt cổ phiếu họ hàng xây lắp "sắc xanh" khi dòng vốn đầu tư công giải ngân mạnh

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Về kết quả đạt được, giải ngân đến hết tháng 10/2023 đạt gần 389,7 nghìn tỷ (55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tăng 3,68% và tăng trên 99 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Ước giải ngân đến hết tháng 11/2023 đạt gần 461 nghìn tỷ (65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cao hơn 6,77% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, có những bộ, ngành, địa phương đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%),  Văn phòng Quốc hội (83,61%), Bình Dương (113,4%), Long An (112,7%), Bà Rịa Vũng Tàu (106,84%), Tiền Giang (101,42%), Đồng Tháp (100,82%), Hải Phòng (99,83%)....

Trong lĩnh vực các Bộ ngành, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là đơn vị dẫn đầu khi hết  tháng 11/2023 đã giải ngân đạt trên 69.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ đã xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành 8 Nghị quyết, 1 Chỉ thị, 6 Công điện/văn bản để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc và đưa nội dung về đầu tư công vào các cuộc họp Thường trực Chính phủ, Phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách nhà nước năm 2023, trong khi khối lượng giải ngân còn khá lớn (khoảng 247 nghìn tỷ đồng); đồng thời yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương nêu cao tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao với quan điểm chủ đạo.

Ngành giao thông được giao 94 nghìn tỷ, giải ngân gấp 1,7 lần so với năm 2022

Theo kế hoạch,  giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT sẽ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư 64 dự án giao thông, tổng vốn đầu tư khoảng 370.000 tỷ đồng, tăng hơn 200.000 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước (165.000 tỷ đồng). Tính đến trung tuần tháng 8/2023, có 60 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, 43 dự án trong đó đã được phê duyệt đầu tư.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ giai đoạn 2021 - 2025, có 41 dự án đã được Bộ GTVT khánh thành, đưa vào khai thác với tổng mức đầu tư khoảng 111.000 tỷ đồng, tăng khoảng 14.000 tỷ đồng so với nửa nhiệm kỳ trước.

Tính riêng năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao lượng vốn lớn nhất từ trước đến nay với trên 94 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2022.

Cho đến hết tháng 11/2023, ước tính, Bộ đã giải ngân đạt trên 69.000 tỷ đồng, dẫn đầu về giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước.

20150527160122-caotoc1.jpg
Nhiều tuyến cao tốc về đích cuối năm 2023 khiến sức giải ngân lĩnh vực giao thông tăng mạnh

Thực tế cho thấy, trong tháng 12/2023, càng về cuối năm, Bộ GTVT liên tiếp tăng tốc giải ngân nhiều dự án, ví dụ như  cầu Mỹ Thuận 2, tổng giá trị xây lắp đến nay đạt khoảng 97% khối lượng, trong 5 gói thầu của dự án đã có 4 gói thầu hoàn thành. Gói còn lại là XL03B dự kiến đến ngày 17/12 hoàn thành thảm bê tông nhựa mặt cầu và trước ngày 25/12 có thể hoàn thành toàn bộ.

Hay như ngày 5/12, UBND tỉnh Cao Bằng công bố kết quả chọn nhà đầu tư dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Lạng Sơn - Cao Bằng) gần 23.000 tỷ đồng. Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 568 được chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Hàng loạt doanh nghiệp xây lắp "trúng đậm"

Có thể nhận thấy, khi việc tăng tốc giải ngân trong lĩnh vực giao thông thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp xây lắp liên tiếp trúng các gói thầu lớn.

Tiêu biểu như trong năm 2023, Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) đã trúng các gói thầu XL1, XL2 và XL3 thuộc dự án Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, với tổng giá trị gần 14.500 tỷ đồng. Việc trúng thêm gói thầu Cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ mang lại động lực tăng trưởng mới cho Công ty này.

Giai đoạn 2023 - 2025, Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả dự kiến tham gia đầu tư thêm nhiều đoạn cao tốc, với tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng, tập trung vào các dự án theo hình thức PPP. Để có đủ nguồn lực, Công ty đã gia tăng đáng kể đòn bẩy tài chính và lên kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4, doanh nghiệp vừa đảm nhận thi công gói thầu Thi công xây dựng công trình dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B. Cụ thể, Liên danh Đông Sơn - Cienco 4 đảm nhận công trình có giá trị gần 497 tỷ đồng, thời gian thực hiện 540 ngày, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 do Sở Giao thông - Vận tải TP. Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Trước đó, Cienco 4 liên tiếp trúng thầu tại nhiều dự án trọng điểm như Cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh, giá trị trúng thầu hơn 1.800 tỷ đồng, đoạn Hậu Giang - Cà Mau giá trị trúng thầu hơn 1.700 tỷ đồng; Gói thầu XL03 thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, trị giá hơn 2.992 tỷ đồng…

Hay như Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã: CII) mới đây công bố công ty con – Công ty cổ phần đầu tư cầu đường CII đã hoàn thành thủ tục pháp lý để chính thức nắm giữ 89% cổ phần tại Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận – doanh nghiệp thực hiện dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, trước đó sở hữu 50%.

15620lason.jpg
Giải ngân dòng tiền tăng, nhiều Tập đoàn, Công ty trúng đậm, không lo thiếu việc

Theo CII, dự án Trung Lương – Mỹ Thuận là dự án có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, cao nhất trong danh mục hiện hữu của CII. Dự án đã đi vào vận hành khai thác từ quý III/2022 với doanh thu bình quân 2,5 tỷ đồng/ngày đêm, tương đương 910 tỷ đồng/năm. Với mức tăng trưởng lưu lượng hằng năm ước tính khoảng 6,3% và lộ trình tăng giá vé như được quy định trong hợp đồng BOT, tổng doanh thu tính đến cuối dự án dự kiến khoảng 32.000 tỷ đồng.

Một ví dụ khác là Công ty cổ phần Lizen (mã: LCG) - đơn vị liên tiếp trúng thầu nhiều gói thầu xây lắp gần đây. Cụ thể, ngày 21/11, Lizen công bố lên danh nhà thầu đường Tân Phúc – Võng Phan đã được lựa chọn là nhà thầu thi công gói số 01: thi công xây lắp dự án đường Tân Phúc – Võng Phan, tỉnh Hưng Yên. Giá trị hợp đồng 2.049 tỷ đồng, trong đó phần của Lizen đảm nhận là 845 tỷ đồng.

Trước đó, Lizen vừa trúng tầu gói số 01: thi công xây dựng công trình dự án thành phần 2.2 xây dựng đường song hành địa phận tỉnh Hưng Yên thuộc dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội, giá trúng 1.253 tỷ đồng. Vào tháng 8, công ty cùng các thành viên liên danh (Lize đứng đầu) ký hợp đồng thi công gói thầu số 21 xây dựng đoạn từ Km 6+200 – Km 16+000 thuộc dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 giá trị 1.411 tỷ đồng.

Kỳ vọng "bứt tốc" trong năm 2024

Việc liên tiếp nhận được loạt dự án mới và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã giúp giá cổ phiếu ngành xây lắp phần nào khởi sắc trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, trên thực tế "sóng" giải ngân vốn đầu tư công đã được tính vào giá ngành xây dựng trong hơn một tháng qua, vì thế, việc tiếp đà tăng trưởng mạnh năm 2024 được cho là khó bức tốc.

Cụ thể, cổ phiếu HHV của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả đã tăng mạnh trong hơn 1 tháng vừa qua, từ mức giá 12 nghìn đồng/cp hiện đang giao dịch ở ngưỡng hơn 15 nghìn đồng/cp.

Tương tự, cổ phiếu CC1 của Tổng Công ty Xây dựng Số 1 – CTCP cũng tăng từ giá 12 nghìn đồng/cp lên đến gần 17 nghìn đồng/cp và đang có dấu hiệu giảm.

Cổ phiếu C4G của Tập đoàn CIENCO4 cũng tăng từ giá 10 nghìn đồng/cp lên 12 nghìn đồng/cp, tương tự như cổ phiếu LCG của CTCP Lizen.

Đặc biệt giá cổ phiếu VCG của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đã tăng từ 19 nghìn đồng/cp lên đến 24 nghìn đồng/cp.

Một điểm nhấn khác khi dòng tiền đầu tư công chảy mạnh, một loạt nhóm cổ phiếu "họ hàng" xây lắp – đầu tư công cũng “khoe” sắc tím như CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), Công ty cổ phần FECON (FCN), Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC)….

Với hiệu ứng từ xây dựng – đầu tư công, nhóm thép cũng ghi nhận sắc xanh vào những tháng cuối năm, ví dụ như CTCP Thép Nam Kim (NKG); CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG); Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ...

Ngoài ra, còn kéo theo nhóm xi măng tăng nhẹn với CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC):  CTCP Xi Măng Vicem Hà Tiên (HT1);  CTCP Xi măng VICEM Bút Sơn (BTS); CTCP Xi măng VICEM Hoàng Mai (HOM).... 

Điểm chung điểm đáy của các cổ phiếu trên đều từ ngày 31/10.

Với động lực từ đầu tư công, doanh nghiệp xây dựng hạ tầng có triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2024.

FiinGroup nhận định

Từ việc tăng trưởng của họ hàng cổ phiếu ngành xây lắp vào những tháng cuối năm, Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, giải ngân đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng khoảng 25% và duy trì tích cực trong năm 2024.

Theo kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2024 do Bộ Tài chính cung cấp, chi đầu tư phát triển là 677.000 tỷ đồng, chưa bao gồm số dư còn phải giải ngân từ năm 2023 chuyển sang.

“Nếu giả định 89% kế hoạch Chính phủ giao sẽ được giải ngân (ước tính thực hiện năm 2023 là 644.000 tỷ đồng), thì sẽ còn lại 83.000 tỷ đồng bổ sung vào tổng vốn đầu tư công mục tiêu năm sau. Từ đó, tổng vốn mục tiêu giải ngân năm 2024 sẽ là 760.000 tỷ đồng, cao hơn 5% so với mục tiêu của Chính phủ năm 2023”, VNDIRECT phân tích.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhiều kỳ vọng cho cổ phiếu họ hàng xây lắp "bứt tốc" năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO