Nhiều cổ phiếu "quen mặt" tăng nhanh từ đáy, lãnh đạo doanh nghiệp lại ồ ạt "chốt lời"

Hạ Anh | 00:01 18/05/2023

Việc lãnh đạo thoái vốn tại doanh nghiệp không phải câu chuyện mới trên sàn chứng khoán, nhưng luôn thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

Nhiều cổ phiếu "quen mặt" tăng nhanh từ đáy, lãnh đạo doanh nghiệp lại ồ ạt "chốt lời"

Bất chấp thị trường chung trầm lắng, dòng tiền tìm đến nhóm penny đẩy giá nhiều cổ phiếu phục hồi mạnh từ đáy. Chớp thời cơ này, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhanh tay thoái vốn, dự "bỏ túi" hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Mới đây nhất, ông Bùi Quang Anh Vũ - Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) vừa đăng ký bán 18,7 triệu cổ phiếu PDR để tái cơ cấu danh mục đầu tư từ 22/5-20/6. Nếu giao dịch này thành công, vị lãnh đạo sẽ hạ sở hữu tại Phát Đạt xuống còn vỏn vẹn 0,37% vốn.

Trước đó, lãnh đạo Phát Đạt đã mua vào hơn 18 triệu cổ phiếu PDR trong tháng 12/2022 – sau thời điểm mã bất động sản này “ngụp lặn” với hàng chục phiên giảm sàn, mất thanh khoản. Như vậy, ông Vũ dự kiến thoái toàn bộ lượng cổ phiếu đã gom trong đợt trước đó.

Trên thị trường, thị giá PDR dừng ở mức 13.400 đồng (phiên 17/5). Dù còn cách rất xa so với đỉnh, song cổ phiếu bất động sản này cũng đã hồi phục xấp xỉ 33% trong vòng 3 tháng qua. Tạm tính theo thị giá hiện tại, Tổng Giám đốc PDR dự thu khoảng 250 tỷ sau thương vụ thoái vốn này.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG) cũng vừa đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu NLG từ ngày 19/5-17/6, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn hơn 44,4 triệu cổ phiếu (tương đương 11,57% vốn).

Gần đây, ông Văn Viết Sơn, Giám đốc điều hành cũng thông báo đã bán ra 100 nghìn cổ phiếu NLG, giảm số lượng nắm giữ xuống còn 151 nghìn đơn vị. Ngoài ra, ông Cao Tấn Thạch – Thành viên HĐQT cũng hoàn tất giao dịch bán 331 nghìn cổ phiếu NLG để giảm tỷ lệ sở hữu còn hơn 4,4 triệu cổ phiếu.

Động thái thoái vốn dồn dập của lãnh đạo Nam Long diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu NLG có hồi phục tốt theo xu hướng chung của nhóm cổ phiếu bất động sản. Dù chốt phiên 17/5, cổ phiếu NLG giảm xuống còn 31.650 đồng/cp, song mức giá này đã tăng xấp xỉ 39% giá trị từ cuối tháng 3/2023.

Giao dịch lãnh đạo được nhiều người quan tâm là thương vụ thoái vốn tại Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã HQC). Cụ thể, bà Nguyễn Thị Diệu Phương - Phó chủ tịch HĐQT, đồng thời là vợ Chủ tịch HĐT Trương Anh Tuấn đăng ký bán gần hết toàn bộ 18,19 triệu cổ phiếu (khoảng 3,82% vốn điều lệ) từ ngày 17/5 – 11/6. Nếu giao dịch thành công, bà Phương chỉ còn lại 6 cổ phiếu lẻ.

Vợ Chủ tịch HĐQT muốn thoái vốn trong bối cảnh cổ phiếu HQC leo lên vùng giá xấp xỉ 5.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng gần gấp đôi sau 3 tháng. Tuy nhiên, phản ứng trước thông tin kém tích cực trên, cổ phiếu HQC đã đảo chiều giảm về 4.660 đồng (chốt phiên 17/5).

Động thái của bà Phương khiến giới đầu tư không khỏi bất ngờ. Bởi trong cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2023 diễn ra mới đây, Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn (chồng bà Phương) tự tin khảng định rằng giá cổ phiếu HQC có thể về mệnh giá (10.000 đồng/cp) vào năm 2024.

Cùng chiều giao dịch, ông Nguyễn Thế Tài, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG) đăng ký bán 6 triệu cổ phiếu BCG từ 15/5 – 13/6, theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch hoàn tất đồng nghĩa với lượng cổ phiếu BCG nắm giữ của ông Tài sẽ giảm xuống còn 9 triệu đơn vị (tỷ lệ 1,73%). Trong khi đó, giá cổ phiếu BCG trong xu hướng tăng lên mức lên 8.520 đồng/cổ phiếu, tương đương bứt phá gần37% chỉ sau 2 tháng.

“Tranh thủ” giá cổ phiếu DXG bứt phá mạnh gần 48% chỉ trong 3 tháng, ông Lương Trí Thảo - Phó Tổng Giám đốc, anh trai của ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) cũng thông báo bán thành công 5,2 triệu cổ phiếu DXG từ 26/4-11/5 vừa qua. Tạm tính theo mức giá chốt phiên 11/5, ước tính anh trai ông Thìn đã thu về khoảng 75 tỷ đồng.

Sau khi ông Thảo bán cổ phiếu, 2 phó tổng khác của DXG cũng có động thái muốn bán cổ phiếu. Cụ thể, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc đăng ký bán 290 nghìn cổ phiếu DXG trong thời gian từ 19/05-16/6 nhằm giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 300 nghìn cổ phiếu. Cùng chiều, bà Đỗ Thị Thái - Phó Tổng Giám đốc cũng đăng ký bán hơn 173 nghìn cổ phiếu DXG để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 400 nghìn cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong khoảng thời gian 15/05-13/6.

Thực tế, việc lãnh đạo thoái vốn tại doanh nghiệp không phải câu chuyện mới trên sàn chứng khoán, nhưng luôn thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư thường quan sát tín hiệu mua bán của lãnh đạo để quyết định giao dịch vì cho rằng lãnh đạo là người nắm rõ nhất về tình hình nội bộ của doanh nghiệp.

Mặt khác, nếu nắm lượng lớn cổ phiếu, lợi ích của họ cũng gắn chặt với lợi ích của doanh nghiệp. Bởi vậy, nếu lãnh đạo mua cổ phiếu được xem là tín hiệu tích cực, thì ngược lại việc lãnh đạo rao bán  lượng lớn cổ phiếu sẽ khiến giới đầu tư quan ngại.

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc lãnh đạo thoái rõ ràng không phải một tin tốt, song cũng chưa chắc là tin xấu. Động thái này tùy thuộc vào thời điểm của thị trường cũng như các yếu tố khác, vì có rất nhiều giai đoạn lãnh đạo đăng ký bán ra nhưng cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng giá.

Đặc biệt, nhà đầu tư cũng cần xem xét lý do bán, bởi ngoài phục vụ nhu cầu cá nhân thì nhiều giao dịch của lãnh đạo là chuyển sở hữu sang quỹ hoặc công ty con. Thậm chí, không ít lãnh đạo lập nên các doanh nghiệp để sở hữu cổ phiếu riêng của mình.

Do đó, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào giao dịch của lãnh đạo để đưa ra quyết định mua hay bán mà cần xem xét nhiều yếu tố khác như số lượng sở hữu còn lại của lãnh đạo tại doanh nghiệp sau khi thoái vốn hay có phát sinh giao dịch lớn với các bên liên quan, thành viên gia đình không.


(0) Bình luận
Nhiều cổ phiếu "quen mặt" tăng nhanh từ đáy, lãnh đạo doanh nghiệp lại ồ ạt "chốt lời"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO