Sáng hôm nay, 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế. Trước đó, Chính phủ đã đề xuất với Trung ương, Quốc hội phấn đấu đạt tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.
Theo Thủ tướng, Việt Nam phấn đấu đạt 2 mục tiêu 100 năm. Đầu tiên là tới năm 2030 là nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao. Thứ 2 là năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao.
Tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng nhất với việc thực hiện 2 mục tiêu nói trên. Tăng trưởng GDP sẽ tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng nền kinh tế Việt Nam trên thế giới.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới.
Để minh chứng cho điều này, Thủ tướng cho biết, công bố mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy hơn 30 năm qua, chỉ có 34 nền kinh tế thành công trong thoát bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao, còn 108 quốc gia chưa vượt qua được.
Nhìn chung, các nền kinh tế trở thành nước có thu nhập cao đều duy trì tăng trưởng cao trong khoảng trên dưới 30 năm, như Nhật Bản tăng trưởng trung bình 11,5%/năm giai đoạn 1951 - 1973, Hàn Quốc đạt 9,6%/năm trong giai đoạn 1963 - 1996, Trung Quốc tăng trưởng khoảng 10%/năm giai đoạn 1978 - 2011; Singapore tăng 8,5%/năm từ 1961 - 1997.
Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,4% trong gần 40 năm đổi mới từ 1986 nay. Năm 2024, quy mô GDP Việt Nam đạt trên 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 USD. Nếu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 7% mỗi năm thì rất khó đạt 2 mục tiêu 100 năm.
Chính vì vậy, trong năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu phải tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% để tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tới tăng trưởng 2 con số. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo tính toán, quy mô nền kinh tế 2025 dự kiến khoảng hơn 500 tỷ USD. Con số này tăng 24 tỷ USD so với năm ngoái. GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Chỉ tiêu lạm phát cũng được "nới" lên khoảng 4,5 - 5%. Nếu năm nay Việt Nam đạt được mục tiêu này thì, quy mô kinh tế Việt Nam có thể xếp thứ 31 - 33 thế giới.

Công nghiệp bán dẫn là một trong những động lực phát triển kinh tế trong nước. Hình minh họa bởi AI.
Theo Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (WELT) năm 2024 được công bố hồi cuối năm 2024, Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập CEBR của Anh đánh giá quy mô GDP của Việt Nam năm 2024 đạt thứ hạng 34 trên thế giới. Dự báo đến năm 2029, GDP của Việt Nam sẽ đạt 676 tỷ USD, vượt con số 656 tỷ USD của Singapore.
CEBR cũng dự báo kinh tế Việt Nam giai đoạn 2030 - 2039, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình sẽ là 5,6%/năm và đạt quy mô GDP 1.410 tỷ USD vào năm 2039, đứng thứ 25 trên thế giới. Quy mô GDP này chỉ xếp sau Indonesia (đứng thứ 10), Philippines (22) và bỏ xa Thái Lan (31), Malaysia (34) và Singapore (35).
Năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam ước tính đạt 4.783 USD (xếp thứ 124 trên thế giới), năm 2029 sẽ đạt 6.463 USD (xếp 117) và năm 2039 đạt 12.727 USD (xếp thứ 100).
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo đến năm 2026, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 4 trong nhóm ASEAN-6 về GDP bình quân đầu người với con số 6.140 USD/người, xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan nhưng vượt qua Indonesia và Philippines.
CEBR nhấn mạnh, với ưu thế dân số đông và trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các nước trong ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.