Nhật Bản đang làm điều chưa từng có suốt nhiều thập kỷ

Vũ Anh | 09:34 04/10/2024

Dân số giảm và già hóa nhanh chóng đã buộc Nhật Bản phải làm điều này!

Nhật Bản đang làm điều chưa từng có suốt nhiều thập kỷ

Bốn năm trước, Hizatsuki Confectionery đã tuyển dụng những công nhân nước ngoài đầu tiên. Công ty này, tọa lạc tại vùng núi phía bắc Tokyo, nổi tiếng bán bánh gạo từ năm 1923. 

Hiện tại, chủ tịch thế hệ thứ ba của công ty, Takeo Hizatsuki, lại gặp phải một thách thức mới: Hizatsuki Confectionery không thể tìm đủ nhân viên người Nhật.

Dân số giảm và già hóa nhanh chóng đã buộc Nhật Bản cho phép các lao động nước ngoài nhập cư và ở lại lâu dài. Hầu hết đến từ Châu Á, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Quá trình chuyển sang tuyển dụng nhiều lao động nước ngoài đang dần diễn ra tại các công ty lớn. Tại một số vùng nông thôn, nơi tình trạng thiếu hụt lao động đặc biệt nghiêm trọng, một số doanh nghiệp lâu đời của Nhật Bản như Hizatsuki Confectionery cũng bắt đầu tìm cách tiếp nhận lao động nước ngoài.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xương sống của nền kinh tế khu vực Nhật Bản, “lao động nước ngoài là không thể thiếu”, Yuki Hashimoto, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu kinh tế, thương mại và công nghiệp (RIETI) ở Tokyo cho biết. “Nếu không có họ, mọi thứ sẽ sụp đổ”.

Đối với Hizatsuki, kinh nghiệm của công ty với lao động nước ngoài chỉ bắt đầu vào năm 2020, khi vị chủ tịch này quyết định thuê 10 lao động từ Việt Nam. Ông nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn rằng các nhân viên người Nhật của ông đã bất an như thế nào. 

“Tôi đã nói với họ: 'Để có thể nuôi sống người Nhật, chúng ta cần tồn tại. Và để có khả năng tồn tại, chúng ta cần phải chấp nhận lao động nước ngoài'”.

Ông Hizatsuki cho biết, trong 4 năm qua, đã tạo ra nhiều chính sách khác nhau nhằm giữ chân người lao động Việt Nam cũng như những người lao động khác đến từ Indonesia, hiện chiếm khoảng 20 trong tổng số 210 nhân viên. Một phiên dịch viên đã được chiêu mộ để hỗ trợ quá trình giao tiếp giữa đồng nghiệp. Lương cơ bản cho công nhân nước ngoài cũng được điều chỉnh tăng.

Ông Hizatsuki cho biết công ty có kế hoạch thăng chức cho một nhân viên không phải người Nhật lên phó giám đốc, sau đó là giám đốc trong vòng 3-5 năm. Ông hy vọng rằng điều này sẽ giúp các nhân viên nước ngoài có động lực cố gắng. 

Năm ngoái, Nhật Bản phê duyệt chính sách cho phép nhiều lao động nước ngoài có thể ở lại lâu dài. Đó là sự thay đổi lớn đối với một quốc gia vốn đã tìm cách duy trì nhập cư ở mức nhỏ giọt vì lo ngại rằng bất kỳ sự gia tăng dân số nào cũng có thể gây ra bất ổn xã hội. 

Shigeru Ishiba, thủ tướng mới của Nhật Bản, đã ủng hộ việc tuyển dụng nhiều người nước ngoài hơn để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động. Theo các chính sách trước đây, một số lượng hạn chế lao động nước ngoài chỉ được phép vào làm việc trong vài năm và được trả lương thấp hơn đáng kể so với những người Nhật Bản. Nhiều người đã chọn nghỉ việc sau khi đối mặt với hệ thống hỗ trợ mơ hồ và cơ cấu công ty phân cấp.

Bà Hashimoto, nghiên cứu viên tại RIETI, cho biết hiện nay khi Nhật Bản bắt đầu mở ra nhiều con đường hơn cho người nước ngoài. Trên khắp đất nước, một số doanh nghiệp cũng đang bắt đầu tạo ra chính sách mới — như tăng lương và hỗ trợ thị thực và ngôn ngữ — để giữ chân người lao động nước ngoài trong thời gian dài.

Vào một buổi sáng của tháng 7, Trần Vĩnh Trung rán trứng và xếp chúng cẩn thận lên đĩa. Vợ anh cần mẫn pha cà phê, trong khi 2 đứa con nhỏ dọn bàn trong phòng khách. Chia sẻ với The NY Times, ông Trung cho biết 2 năm trước đã chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến làm việc tại Daiwa Steel Tube Industries, một nhà sản xuất ở Tỉnh Tochigi, phía bắc Tokyo chuyên sản xuất ống thép dùng trong giàn giáo. Ông là một trong 6 nhân viên nước ngoài được tuyển dụng. 

Vợ Trung, cô con gái 20 tuổi và cậu con trai 16 tuổi đã cùng ông sang Nhật Bản vào năm ngoái. Hiện gia đình đang sống trong một căn hộ nhỏ ở Utsunomiya, thủ phủ của Tochigi.

Daiwa Steel khuyến khích nhân viên nước ngoài đưa gia đình đến Nhật Bản, một phần vì Shinichiro Nakamura, chủ tịch công ty hy vọng điều đó sẽ thúc đẩy họ ở lại đất nước này lâu hơn. Một số phúc lợi mới ra đời, chẳng hạn như đón lao động nhập cư từ sân bay và giúp họ tìm nhà ở.

Ông Nakamura cũng luân chuyển công nhân nước ngoài qua các vị trí khác nhau trong công ty để họ có được các kỹ năng và kinh nghiệm mới. Ông Trung, người trước đây làm việc trong bộ phận nhân sự, gần đây đã gia nhập mảng bán sản phẩm với tư cách phó giám đốc.

Tuy nhiên, ông Nakamura cho biết ngay cả với những phúc lợi mà ông đã tạo ra, lao động nước ngoài thường chỉ muốn ở lại Nhật Bản không quá 3-5 năm. “Thật khó khăn khi ở nước ngoài. Có lẽ ai cũng muốn ở nơi mà họ sinh ra. Chúng tôi rất vui khi hỗ trợ thị thực gia đình vì nếu họ muốn định cư ở đây, đó luôn là một điều tốt”.

Trong năm qua, gia đình ông Trung bắt đầu ổn định cuộc sống. Visa có thể gia hạn vô thời hạn còn ông cho biết không có kế hoạch sớm quay trở lại Việt Nam. Thời hạn bao lâu hai vợ chồng sẽ tự dự tính. 

Được biết cậu con trai của ông Trung đang học trung học. Cô con gái đang học tiếng Nhật và làm bán thời gian tại nhà hàng bán bánh xếp. Vợ của ông thì tìm việc tại một nhà máy sản xuất bánh nướng địa phương dù đôi khi, bà vẫn nhớ nhà khôn siết. 

Theo: The NY Times, Nikkei Asia

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhật Bản đang làm điều chưa từng có suốt nhiều thập kỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO