Nhà đầu tư vẫn khổ sở với lãi suất cho vay mua bất động sản thả nổi

Hải Nam | 15:46 19/07/2023

Với lãi suất hơn 14%/năm cho khoản nợ ngân hàng 12 tỷ đồng, mỗi tháng, một nhà đầu tư đến từ Hà Nội phải trả khoảng 150 triệu đồng tiền lãi. Ám ảnh nhất với nhà đầu tư này, đó là trung bình 6 tháng, anh phải tất toán một khoản gốc nhỏ.

Nhà đầu tư vẫn khổ sở với lãi suất cho vay mua bất động sản thả nổi

Nhà đầu tư này tên N.H.M (hiện đang là trưởng phòng kinh doanh của doanh nghiệp thực phẩm). Anh thừa nhận, mình là nhà đầu tư tay ngang với kinh nghiệm non nớt hơn 4 năm. Bắt đầu từ việc mua nhà đất để ở, chuyển nhượng vài lần và có lời, anh N.H.M đã dành tiền để đầu tư bất động sản. Năm 2018, anh góp vốn cùng một đội nhóm mua đất tại vùng ven Hà Nội. Năm 2019, sau vài lần chuyển nhượng lời, anh có khoản vốn riêng lên tới vài tỷ đồng.

Ngoài góp vốn cùng bạn, anh tự đầu tư, bằng việc sử dụng nguồn vốn ngân hàng. “Thế chấp sổ đỏ gối đầu” là cách anh miêu tả về việc đầu tư kinh doanh của chính mình. “Lô đất này có sổ, tôi lại thế chấp ngân hàng vay tiền để đầu tư”, anh N.H.M kể.

Đến giữa năm 2022, sự trầm lắng của thị trường khiến anh N.H.M rơi vào thế khó khi hàng loạt lô đất ôm không thể thanh khoản. Thậm chí, dù cắt lỗ đến 10-20% nhưng vẫn không tìm được khách chốt.

“Đất nền bỏ hoang nên càng mất giá”, anh N.H.M nói. Theo anh N.H.M cho biết, lãi suất cho vay mua bất động sản trong những năm thả nổi hiện vẫn cao, trung bình 14-15%/năm. “Nhiều người cho rằng, mức lãi suất cho vay thả nổi này tương đương ở thời điểm trước dịch Covid-19 nhưng thực tế không phải. Giai đoạn trước dịch Covid-19, lãi suất thả nổi của các ngân hàng chỉ khoảng 12%/năm. Thu nhập của tôi hiện không đủ để gồng lãi”, anh N.H.M nói.

Giám đốc một văn phòng giao dịch bất động sản tại Hải Dương cho biết, lượng nhà đầu tư gửi bán hàng cắt lỗ vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Nhưng thanh khoản lại chậm, chỉ túc tắc xảy ra với giao dịch lô đất đẹp, cắt lỗ sâu, nằm trong khu đô thị quy hoạch dự án bài bản.

Lý do lớn nhất xuất phát từ họ không thể thanh toán được khoản nợ gốc, lãi mỗi tháng. Có nhà đầu tư vay mua đầu năm 2022, hiện hết ưu đãi, khoản lãi trả mỗi năm lên tới gần 16%/năm. Chưa kể, nếu nhà đầu tư thanh toán trước hạn, mức phí phạt lên tới 3,5-4%.

Vị này nhấn mạnh: “Lãi suất tiết kiệm giảm nhưng không đồng nghĩa với lãi suất cho vay mua bất động sản hạ. Thực tế, lãi suất cho vay mua bất động sản ở thời điểm hiện tại đã hạ, nhưng chỉ áp dụng với gói vay mới ban hành từ các nhà băng. Còn với tệp khách hàng vay giai đoạn 2021-2022, đều phải chấp nhận mức lãi suất thả nổi cao”.

“Làn sóng cắt lỗ sẽ còn tiếp tục diễn ra. Bởi còn nhiều nhà đầu tư đang “mắc kẹt” với khoản vay lớn, lãi suất cao. Chắc chắn, khó có thể xuất hiện tín hiệu đổi chiều nhanh chóng của thị trường địa ốc. Điều này cũng đồng nghĩa, giá bất động sản không thể “co dãn” nhanh về thời điểm nóng như cuối năm 2021, đầu năm 2022. Nhà đầu tư muốn thoát khỏi ám ảnh vay lãi ngân hàng, buộc tiếp tục phải giảm giá. Giảm giá không có người mua, họ vẫn phải giảm tiếp”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh, CEO doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội.

Khó khăn của những nhà đầu tư đang gồng gốc lãi ngân hàng sau thời gian ưu đãi vẫn còn chất chồng khi mỗi tháng, khoản tiền phải trả vẫn cao. Chấp nhận cắt lỗ là phương án cuối mà nhà đầu tư buộc phải đưa ra khi dòng tiền thu về nhỏ giọt nhưng khoản tiền phải trả ngân hàng vẫn cao.

Dữ liệu thống kê của một đơn vị nghiên cứu thị trường cho biết, lãi suất cho vay mua bất động sản cao là trở ngại cho thanh khoản thị trường. Bởi thực tế, sau thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi, áp dụng theo lãi suất thả nổi, theo tính toán sơ bộ vẫn lên tới 14-15%/năm. Tính riêng các khoản dư nợ vay trung bình từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, mỗi tháng người vay sẽ phải trả gần 20 triệu đồng tiền gốc và lãi, cao hơn 2-2,5 lần so với giai đoạn trước dịch và tương đương một nửa thu nhập của một gia đình có nguồn thu vào loại khá.


(0) Bình luận
Nhà đầu tư vẫn khổ sở với lãi suất cho vay mua bất động sản thả nổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO