Các quỹ đầu tư thường được rất nhiều nhà đầu tư “tay ngang” đặt niềm tin vì có lợi thế thông tin cũng như có nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” trên thị trường. Tuy nhiên, không phải thương vụ đầu tư nào cũng thành công, nhiều “cá mập” cũng có thể mắc kẹt khi thị trường lao dốc. Một trong những quỹ đầu tư nổi bật nhất trên thị trường phải kể đến các quỹ thuộc Dragon Capital.
Nếu "né" các cổ phiếu Dragon Capital nắm thì rất khó đầu tư
Tại "Investor day quý 1/2023" do Dragon Capital tổ chức mới đây, nhà đầu tư đặt câu hỏi: Lãnh đạo có nhận xét gì khi nhiều người nói “đừng mua cổ phiếu Dragon Capital đang nắm giữ”, bởi khi quỹ mua vào thì cổ phiếu giảm và ngược lại cổ phiếu bật tăng khi quỹ bán ra?
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Hoạch định Chiến lược Đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho biết: “Khi các bạn làm đúng 10 điều, sai 2 điều thì người ta chỉ chú ý 2 điều còn lại và trường hợp của Dragon Capital cũng tương tự.
Tuy nhiên, nếu không mua cổ phiếu mà các quỹ của chúng tôi nắm thì các bạn có rất ít sự lựa chọn. Bởi trong nhóm VN-30, Dragon Capital nắm giữ 28 mã, trong top 80 mã cổ phiếu tốt trên thị trường thì quỹ của chúng tôi nắm 62 mã. Vì vậy, nếu từ chối hết các mã chúng tôi đang nắm thì các bạn khó đầu tư cổ phiếu Việt Nam đó”.
Chia sẻ thêm về danh mục đầu tư của các quỹ, ông Lê Anh Tuấn cho biết bên cạnh Bluechips, các quỹ cũng mở rộng danh mục sang nhiều nhiều mã Midcap, một vài mã Penny. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết chưa có ý định mở thêm quỹ mới để đầu tư để riêng cho nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bởi mục tiêu quan trọng cần tập trung trong năm nay là làm tốt hơn để bù lại thiệt hại cho nhà đầu tư trong năm 2022.
Vị Giám đốc chiến lược cho biết, quan điểm của Dragon Capital là sắp tới thị trường chứng khoán sẽ có những biến động. Tuy nhiên, cú sụt giảm của thị trường sẽ là thời cơ để các quỹ chuyển từ chiến lược phòng thủ sang tấn công.
"Sau 1 năm đầu tư kém, hiệu suất năm sau đó của chúng tôi đều tăng ngoạn mục"
Trả lời băn khoăn của nhà đầu tư về hiệu suất đi lùi của Dragon Capital so với các quỹ đầu tư khác, ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn - Quản lý danh mục nhìn nhận kết quả đạt được trong năm 2022 chưa thực sự tốt. Hiệu suất trong 7 tháng đầu năm 2022 của hai quỹ Dragon Capital vượt trội so với nhiều quỹ đầu tư lớn trên thị trường. Tuy nhiên, kết quả 5 tháng đầu năm không khả quan kéo lùi hiệu suất cả năm.
“Riêng 4 tháng đầu năm nay, hiệu suất của Dragon Capital vượt hiệu suất của quỹ đầu tư nổi bật nhất so với thị trường trong năm ngoái. Điều này cho thấy, nếu chỉ nhìn nhận một phần thì không thể thấy được hết nỗ lực của chúng tôi. Mỗi quỹ sẽ có một thời điểm làm tốt và không tốt nên nhà đầu tư nên kiên nhẫn và có chiến lược dài hạn hơn”, vị quản lý cho hay.
Ông Tuấn cho biết thêm, từ giữa năm 2022 đến nay, Dragon Capital đã đưa ra nhiều chương trình tái cấu trúc, giảm rủi ro cho danh mục với phương châm (1) phản ứng linh hoạt (2) hành động kịp thời (3) nỗ lực không ngừng.
Trước nhiều biến số khó lường, việc phản ứng linh hoạt để đưa ra quyết định kịp thời là điều quan trọng trong giao dịch mua bán cổ phiếu. Mặt khác, với những kết quả năm 2022 không khả quan, tất cả thành viên của Dragon Capital đều tự nhắn nhủ bản thân phải nỗ lực hơn để lấy lại những gì nhà đầu tư đã mất.
Với nhận định thị trường sẽ tiếp tục tốt dần lên vào thời gian tới, ông Tuấn tự tin hai quỹ của Dragon Capital có thể ghi nhận hiệu suất tốt hơn trong 12 -18 tháng tới. “Nhìn lại 4 năm qua, có 3 năm quỹ “vượt” thị trường, chỉ riêng năm 2022 hiệu suất thấp hơn. Nếu nhìn lại lịch sử 10 năm, sau 1 năm đầu tư kém, hiệu suất năm sau đó của chúng tôi đều tăng ngoạn mục”, ông Tuấn cho biết.
Dragon Capital đang đi đúng hướng
Chia sẻ thêm về danh mục và chiến lược đầu tư của Dragon Capital, ông Nguyễn Sang Lộc – Quản lý danh mục đầu tư cho biết hoạt động của hai quỹ DCDS và DCBC có hiệu suất trái chiều.
Cụ thể, hiệu quả hoạt động quỹ DCDS trong 4 tháng đầu năm khá thuận lợi, hiệu suất đạt được vượt trội so với mức tăng của VN-Index. Để có được kết quả trên, Dragon Capital đã có sự thay đổi về chiến lược và phân bổ tài sản nhất định. Với nhận định xuyên suốt từ đầu năm là thị trường khó giảm mạnh, song cũng chưa thể bứt phá mạnh mẽ, quỹ DCDS không tập trung vào nhóm cổ phiếu cụ thể mà phân bổ vào từng cổ phiếu riêng lẻ.
Đặc biệt, DCDS đã có sự bứt phá trong cách chọn cổ phiếu của mình. Ví dụ như MWG, dù tin tưởng vào tiềm năng của doanh nghiệp, song với nhận định ngành bán lẻ năm nay sẽ gặp khó khăn, quỹ đã hạ tỷ trọng danh mục của cổ phiếu này. Điều này có thấy chiến lược phân bổ tài sản quyết đoán và mạnh mẽ của DCDS.
Ngược lại, quỹ DCBC trong 4 tháng đầu năm nay có hiệu suất thấp hơn thị trường. Lý do chính là phân bổ và dịch chuyển tài sản chưa thực sự tối ưu vào tháng 2/2023. Cụ thể, quỹ DCBC dành 35% tài sản vào nhóm ngân hàng do nhóm này có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận dự báo tích cực trong năm 2023.
Đứng thứ hai là nhóm BĐS với 17%, dù nhận định ngành này còn nhiều khó khăn, song chuyên gia cho rằng đây là giai đoạn sàng lọc tự nhiên với doanh nghiệp BĐS vì định giá nhiều cổ phiếu đã về mức rẻ. Nếu lựa chọn đúng cổ phiếu có thể trụ được qua giai đoạn này thì tiềm năng mang lại rất lớn.
Theo ông Nguyễn Sang Lộc, danh mục sở hữu 40 cổ phiếu của nhiều ngành nghề khác nhau, hệ số tương đối ổn định phù hợp với bối cảnh vĩ mô, tình hình TTCK hiện nay. Với phân bổ hiện tại, ông Lộc cho rằng Dragon Capital đang đi đúng hướng và hiệu suất kỳ vọng sẽ cải thiện tốt trong thời gian tới.