Vừa qua cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có kiến nghị gửi tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: “Hiện nay, việc chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng chính sách được thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng có nhiều bất cập, người cao tuổi, hưu trí không muốn tiền lương hưu, tiền hỗ trợ chi trả qua ngân hàng như hiện nay, nguyên do cùng đối tượng nhưng thụ hưởng số tiền khác nhau do bị Ngân hàng trừ phí. Do đó, cử tri đề nghị cơ quan chức năng cho các đối tượng chính sách, người thụ hưởng nhận tiền mặt tại địa phương không thông qua các Ngân hàng hoặc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước không thu phí đối với các đối tượng chính sách”.
Ngân hàng Nhà nước báo cáo như sau:
Về kiến nghị cơ quan chức năng cho các đối tượng chính sách, người thụ hưởng nhận tiền mặt tại địa phương không thông qua các ngân hàng:
Tại Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “đ) Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng quy trình và hướng dẫn các địa phương thực hiện triển khai nhiệm vụ chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội”.
Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì để nghiên cứu các giải pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện việc chi trả lương hưu, tiền hỗ trợ đến các đối tượng thụ hưởng một cách phù hợp đảm bảo sự thuận tiện cho các đối tượng thụ hưởng, cũng như bảo đảm thực hiện mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Đối với kiến nghị của cử tri, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có ý kiến tại văn bản 4348/BLĐTBXH-VP ngày 17/9/2024.
Về kiến nghị không thu phí đối với các đối tượng chính sách:
Tại Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 25/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN: “Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (điểm a mục 2).
Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, áp dụng các chính sách ưu đãi, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, phí dịch vụ trung gian thanh toán hợp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong đó ưu tiên áp dụng đối với các khách hàng thuộc nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận trợ cấp an sinh xã hội.
Trước đó, ngày 7/8/2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Công văn 2646/BHXH-TCKT năm 2024 về việc triển khai cơ quan BHXH chuyển tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng.
Theo đó, từ ngày 01/8/2024, cơ quan BHXH đã thực hiện trực tiếp chuyển tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng tại BHXH 43 tỉnh, thành phố. Và từ ngày 01/9/2024 thực hiện phương thức chuyển tiền trực tiếp này tại 20 tỉnh còn lại.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 93, Điều 114, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (hiệu lực từ 01/7/2025) có 3 hình thức nhận lương hưu từ đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm:
- Thông qua tài khoản ngân hàng của người thụ hưởng;
- Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;
- Thông qua người sử dụng lao động.
Như vậy, việc nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng là không bắt buộc mà chỉ là hình thức triển khai thêm từ ngày 1/9/2024 tại 20 tỉnh, thành mới chỉ đang thực hiện chi trả lương trực tiếp từ cơ quan BHXH, qua người sử dụng.