Nền tảng thiện nguyện online lớn nhất Việt Nam
Không chỉ là ví điện tử lớn nhất, MoMo còn là nền tảng thiện nguyện điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay. Thông qua nền tảng này, đã có hơn 8,2 triệu người tham gia đóng góp cho các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Trong hơn 3 năm qua, MoMo đã kết nối với hơn 36 tổ chức bao gồm chính phủ, phi chính phủ,... huy động số tiền quyên góp hơn 167 tỷ đồng. Số tiền này đã giúp đỡ được hơn 223.000 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, xây nhà chống lũ, hỗ trợ tiền tuyến chống Covid-19,...
Tính năng Ví Nhân Ái của MoMo đã giúp 815 dự án thiện nguyện được gây quỹ thành công, đóng góp 53 tỷ đồng với 118 triệu lượt quyên góp. Trong đó, "Trái tim MoMo" hay hình tượng "Heo đất MoMo" đã không còn xa lạ với người dùng, khi chỉ cần vài thao tác là đã có thể ủng hộ cho các hoàn cảnh khó khăn, các dự án thiện nguyện. Mọi thông tin về hoạt động đóng góp, tài trợ đều được công khai, minh bạch.
Người có đóng góp quan trọng đến sự thành công của nền tảng thiện nguyện điện tử này là Hoàng Đức Minh – Giám đốc bộ phận Donation ví MoMo. Trước khi bén duyên với MoMo, anh đã là gương mặt trẻ nổi tiếng, hăng hái trong các hoạt động xã hội. Khi mới 18 tuổi, Đức Minh là nhà sáng lập và làm giám đốc tổ chức RAECP – tổ chức nâng cao nhận thức về môi trường và biến đổi khí hậu. Năm 2009, Minh được tham gia Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại Copenhagen tại đan Mạch với vai trò là đại biểu.
Tên tuổi của chàng trai trẻ gắn liền với các dự án, chiến dịch như "Tử tế là", "6700 người vì 6700 cây xanh", "Save Sơn Đoòng", "Tôi ghét nylon"...
Trong buổi tọa đàm do Forbes tổ chức, Hoàng Đức Minh chia sẻ về “cái duyên” với các dự án xã hội: “Cá nhân tôi chọn con đường này là vì từ bé đã không thích kiếm tiền, không quan tâm kiếm tiền, rất ngại các hoạt động kinh doanh. Động lực thôi thúc bản thân tôi từ bé đến giờ, là cảm giác về trách nhiệm của bản thân với cộng đồng mình sống. Đi đâu cũng thấy tại sao rác không được dọn, tại sao vẫn có người nghèo, lúc nào cũng nghĩ làm sao để cộng đồng này trở nên tốt đẹp hơn, tại sao không có ai làm việc này. Bản thân mình lỡ nhìn thấy nó rồi mà ngẫm thấy có thể giải quyết được là tôi sẽ làm”.
Những dấu ấn trong lĩnh vực hoạt động xã hội đã đưa Hoàng Đức Minh vào danh sách Forbes 30 Under 30 năm 2015, khi anh mới 25 tuổi.
"Điều tôi làm tốt nhất là bản thân đã rất kiên trì rèn luyện, làm việc"
“Năm 2015, tôi vào Forbes với tư cách nhà hoạt động xã hội. Lúc đó tôi đã có gần sáu năm làm việc trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu và nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề xã hội. Ngay sau đó là sự biến chuyển rất lớn, tôi chuyển sang làm startup, phát triển nền tảng kết nối các tình nguyện viên với các tổ chức xã hội và các hoàn cảnh khó khăn. Đó là một hành trình rất dài và đau đớn”, Hoàng Đức Minh hồi tưởng lại. Startup mà anh nhắc đến là Wake it up.
Đức Minh cho rằng, khi hoạt động xã hội, dù thành công thì mỗi năm cũng chỉ làm được 1-2 dự án, tác động chưa đủ lớn. Trong khi đó, nhìn vào Wikipedia đã có đóng góp rất lớn đến cách con người tiếp cận với tri thức, hay Google giúp người giàu người nghèo đều được hưởng lợi ngang nhau,… Do đó, cần một nền tảng để kết nối thay vì chỉ tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức như truyền thống. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, hầu hết những người làm hoạt động xã hội thì không biết công nghệ, người làm công nghệ thì không quá quan tâm đến hoạt động xã hội.
“Tôi nhận ra là tôi có thể làm được cả 2 điều ấy. Đó là lý do tại sao tôi startup.
Công ty tốn nhiều tiền nhưng không đạt được kết quả như kỳ vọng. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì với suy nghĩ rằng nếu mình còn đi làm thì công ty chưa chết. Miễn là mình không từ bỏ công ty này thì dù chỉ còn một người thôi, công ty còn sống. Có những lúc công ty hết tiền, tôi đi làm cho công ty khác để lấy tiền lương đó trả cho anh em. Đến thứ Bảy mới được về công ty của mình để làm việc với mọi người”.
Wake it up đi được một chặng đường 4 năm. Đức Minh nhận ra, ở Việt Nam, không thể một mình xây dựng một nền tảng gây quỹ mà phải trở thành một phần của hệ sinh thái lớn hơn. Đó là lý do chàng trai quyết định bán công ty cho MoMo, đầu quân cho kỳ lân này để tiếp tục thực hiện ước mơ.
“Tôi rất ngại phải nói với mọi người rằng tôi đã thất bại. Nên có những lúc hy vọng mọi người nghỉ việc hết đi, để tôi có thể nghỉ. Nhưng một ngày, khi mọi người nghỉ việc hết rồi mà vẫn có khách hàng, thế là tôi lại phải đi tuyển người mới để tiếp tục duy trì sản phẩm. Sau khi về với MoMo, tôi yên tâm rằng nếu tôi nghỉ việc thì vẫn có người làm, nên tảng này cuối cùng cũng không phụ thuộc vào tôi nữa”.
Ở tuổi 32, Hoàng Đức Minh không ngần ngại thừa nhận mình có chút khủng hoảng về tương lai phía trước. Sau nhiều năm, anh nhận ra: “Khi còn trẻ, tôi ảo tưởng khá nhiều về bản thân. Điều tôi làm tốt nhất là bản thân đã rất kiên trì rèn luyện, làm việc”.
Anh nhắn nhủ đến các bạn trẻ: “Mình có đạt được kỳ vọng nào hay không thực ra không quan trọng lắm. Xã hội rất lớn và nếu mình kiên trì làm việc gì đó thành thạo thì nhất định, bạn sẽ kiếm được một chỗ đứng nào đó trong xã hội. Khi ước mơ cao xa quá mà năng lực có không tới thì bản thân sẽ dễ bị thất vọng, trong khi thực tế mình đã không cần phải thất vọng đến thế”.