Tháng 9 năm 2013, một nông dân tên Lương Tài ở thị trấn Tây Cương, huyện Tu Thủy, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, vô tình phát hiện một khúc gỗ đen khá lớn trồi lên khỏi lớp phù sa ở bên bờ sông. Vì tò mò, người này lại gần để kiểm tra thì phát hiện khúc gỗ này dù bị ngâm trong nước lâu ngày nhưng không “bốc mùi” mà lại tỏa ra một mùi thơm thoang thoảng, rất dễ chịu.
Nghi ngờ thứ mình tìm thấy là gỗ quý, anh Lương đã gọi máy xúc, máy cẩu đến bờ sông để đào nó lên vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, vì khúc gỗ quá dài nên quá trình này gặp khá nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa: Internet
Vì huy động nhiều máy móc đến bờ sông nên chuyện người đàn ông này tìm được khúc gỗ lạ cũng thu hút sự chú ý của dân làng. Tin tức này nhanh chóng được truyền đi khắp vùng. Nhiều người nhìn cảnh anh Lương vất vả đào cây gỗ lên thì chế nhạo, cho rằng anh vô công rồi nghề. Tuy nhiên, kết quả sau đó khiến họ phải nhanh chóng thay đổi thái độ.
Sau hai ngày đào bới, cuối cùng cây gỗ đen cũng hoàn toàn lộ diện trước mắt mọi người. Nó có kích thước khổng lồ với chiều dài lên đến 24m. Ngay khi anh Lương đang định dùng xe cẩu để di chuyển khúc gỗ về nhà thì các chuyên gia cũng bất ngờ có mặt tại hiện trường. Họ vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy cây gỗ trước mắt.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cây gỗ này là gỗ âm trầm khoảng 1.000 năm tuổi. Đây là một loại gỗ bị cacbon hóa, cực kỳ quý hiếm nên còn được mệnh danh là “Đông Phương thần mộc”. Có thể do động đất, lũ lụt hay những tác nhân khác khiến chúng bị chôn vùi xuống những nơi bùn trũng như lòng sông. Sau thời gian dài ngâm mình trong nước, trong điều kiện thiếu oxy, chịu áp suất cao, và dưới tác động của vi khuẩn và các vi sinh vật, kết cấu gỗ trở nên rắn chắc, không bị mục hay sâu mọt.
Ảnh minh họa: Internet
Các chuyên gia ước tính nếu cây gỗ này được bán ra thị trường vào thời điểm đó, giá của nó có thể lên đến 500 triệu NDT (hơn 1.752 tỷ đồng). Tuy nhiên, bên cạnh giá trị về kinh tế, loại gỗ này cũng có giá trị nghiên cứu cao, vì vậy nên các chuyên gia đã khuyên anh Lượng bàn giao “báu vật nghìn tỷ” này cho chính quyền. Bù lại, họ cũng hứa sẽ bồi thường cho anh một số tiền nhất định.
Việc phát hiện khúc gỗ âm trầm nghìn năm tuổi này có giá trị nghiên cứu khảo cổ nhất định về những thay đổi của lòng sông và môi trường sống ở địa phương Tu Thủy, Giang Tây.
Tại sao gỗ âm trầm lại có giá trị như vậy?
Gỗ âm trầm vốn là giống gỗ quý được hình thành từ những cây cổ thụ cách đây hàng nghìn năm thậm chí hàng vạn năm, bị chìm, vùi lấp xuống sông do các nguyên nhân tự nhiên. Bị cách ly với không khí, dưới điều kiện axit và vi sinh vật, cây như được “tái sinh”, dẫn đến kết cấu gỗ được thay đổi. Từ nhiều màu khác nhau như nâu, xám, đen, xanh đen, tím… sau 1 thời gian dài, gỗ âm trầm bị cacbon hóa và trở thành màu sẫm đen như than và có độ bền cực cao.
Gỗ âm trầm. Ảnh: Internet
Vào triều đại nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Quốc, gỗ âm trầm đã trở thành loại gỗ quý chuyên được dùng cho tất cả các cung điện hoàng gia và được dùng làm quan tài cho vua chúa. Có thể nói, gỗ âm trầm là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho con người, là nguồn tài nguyên quý hiếm không tái tạo, có giá trị văn hóa phi vật thể cực kỳ cao.
Gỗ âm trầm rất quý giá. Tuổi gỗ càng cao thì giá trị càng lớn, thậm chí là không thể đong đếm vì nó có số lượng vô cùng khan hiếm bởi thời gian hình thành gỗ rất lâu và nằm ở những địa hình rất khó khăn để khai thác. Hơn nữa, việc tìm được cây gỗ này còn phụ thuộc vào vận may. Do đó, nhiều người cho rằng gỗ âm trầm là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho con người, là nguồn tài nguyên quý hiếm không tái tạo, có giá trị văn hóa phi vật thể cực kỳ cao.
(Theo Sohu)