Người đàn ông "bay" mất 90 triệu đồng vì App làm nhiệm vụ

Thanh Anh | 18:56 14/10/2024

Công an Đà Nẵng cho biết, mới đây, một nạn nhân nhẹ dạ đã tin lời đối tượng lừa đảo thông qua việc tải app về làm nhiệm vụ trên mạng xã hội và kết cục là “tiền mất, tật mang” khi bị chính kẻ lừa đảo “rút ruột” hàng chục triệu đồng…

Người đàn ông "bay" mất 90 triệu đồng vì App làm nhiệm vụ

Cụ thể, khoảng 15 giờ ngày 09/10, anh Đ.M.Đ (23 tuổi), quê ở tỉnh Gia Lai; tạm trú tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng đến Công an phường Hòa Quý trình báo vụ việc. 

Vào khoảng tháng 07/2024, thông qua mạng xã hội Facebook, anh Đ. có nói chuyện với một người lạ tên Phương Nghi. Đến tháng 09/2024 thì Phương Nghỉ gửi cho anh Đ. 01 đường link và nói anh này tải app về làm nhiệm vụ để nhận tiền.

Ban đầu, Phương Nghi gửi cho anh Đ. 500 ngàn đồng để lấy lòng tin. Thấy công việc nhàn hạ, lại nhanh chóng thu được tiền nên những ngày sau đó, nghe theo lời của Phương Nghi, anh Đ. nộp tiền vào để làm các nhiệm vụ lớn hơn. 

Hậu quả là đến khi không còn tiền để nộp thì Phương Nghi khóa tài khoản và chặn Facebook. Tổng cộng anh Đ. đã “bay” mất 90 triệu đồng vào app mà Phương Nghi đã gửi cho mình.

 Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (gọi tắt là Phòng An ninh mạng), Công an thành phố Đà Nẵng, những năm gần đây, hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên làm việc online cho các sàn thương mại điện tử rất phổ biến.

Đánh trúng tâm lý muốn kiếm thêm thu nhập từ các công việc online, không mất thời gian đi làm, các đối tượng tạo lập các trang thương mại điện tử giả mạo, lấy danh nghĩa các doanh nghiệp uy tín tuyển cộng tác viên làm việc ngoài giờ, sau đó nhắn tin dụ dỗ nạn nhân tham gia đóng trước các khoản tiền tạm ứng để nhận nhiệm vụ hoặc mua các gói nhiệm vụ từ số tiền nhỏ đến số tiền lớn. Trường hợp của anh Đ.M.Đ nêu trên là một ví dụ điển hình.

Theo Phòng An ninh mạng, đấu hiệu để nhận biết thủ đoạn trên là các đối tượng thường sử dụng các tài khoản mạng xã hội giả mạo, đăng tin tuyển cộng tác viên làm việc online, chỉ cần máy tính có kết nối mạng, làm nhiệm vụ đánh giá sản phẩm, thanh toán đơn hàng ảo, click quảng cáo... thì có thể kiếm về thu nhập cao. Ngoài ra, các đối tượng còn gửi lời mời nạn nhân tham gia thông qua các số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội ảo. Các tài khoản này thường chủ động liên hệ nạn nhân, nhắn tin trò chuyện nhằm thu thập thông tin cá nhân, chiếm lòng tin và dụ dỗ nạn nhân tham gia hệ thống.

Một số tin nhắn dẫn dụ nạn nhân “làm nhiệm vụ” nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (ảnh minh họa)

Sau khi đồng ý tham gia, các đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng trước một khoản tiền nhỏ ban đầu và sẽ trả lương hoặc hoa hồng đầy đủ để tạo lòng tin. Dần dần, hệ thống sẽ yêu cầu nạn nhân đầu tư số tiền lớn hơn hoặc dùng nhiều cách khác nhau để không cho nạn nhân rút tiền về mà phải đóng nhiều khoản phí khác. Cuối cùng, khi đã vét sạch hầu bao của nạn nhân, các đối tượng khóa tài khoản và chặn liên lạc.

Để phòng tránh hành vi lừa đảo nêu trên, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi tìm kiếm việc làm thông qua mạng xã hội. Khi có nhu cầu tìm việc làm online, cần tìm hiểu kỹ về các đơn vị tuyển dụng, đặc biệt là các thông tin tuyển dụng việc nhẹ lương cao, cộng tác viên đánh giá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, công việc yêu cầu ứng tiền trước để làm nhiệm vụ... Đồng thời, cần hết sức cảnh giác khi nhận được lời mời tham gia làm cộng tác viên online từ các tài khoản hoặc bạn bè ảo trên mạng xã hội. Các tài khoản này thường không có danh tính rõ ràng hoặc giả mạo, khi đề nghị gặp mặt trực tiếp sẽ tìm nhiều cách lẩn tránh.

Cơ quan Công an TP Đà Nẵng phát hiện, triệt xóa một số tụ điểm mà các đối tượng lừa đảo hoạt động trên địa bàn thời gian qua.

Ngoài ra, tuyệt đối không chuyển tiền trước để thực hiện các nhiệm vụ, công việc tìm kiếm qua mạng khi chưa xác thực chính xác danh tính của công ty chủ quản. Liên hệ đến công ty chính thống để xác thực thông tin trước khi tham gia làm cộng tác viên…


(0) Bình luận
Người đàn ông "bay" mất 90 triệu đồng vì App làm nhiệm vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO