Ghi nhận tại báo cáo Digital Marketing 2022, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhờ công cuộc số hoá, bao gồm ngành truyền thông quảng cáo. Chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số dự kiến đạt 1,044 tỷ USD trong năm 2022. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sự quan tâm đến Việt Nam, cũng như việc gia nhập thị trường không còn khó khăn với các cơ hội marketing kỹ thuật số hiện có của Việt Nam.
Trong tổng số gần 99 triệu dân, Việt Nam có 73,2% người sử dụng Internet và 78,1% người dùng mạng xã hội một cách tích cực. Mặc dù tốc độ đô thị hóa thậm chí không trên mức trung bình so với các nước Đông Nam Á khác nhưng lượng người Việt Nam sử dụng thiết bị kỹ thuật số để truy cập Internet hàng ngày là rất lớn.
Đó là cơ sở cho quảng cáo số phát triển, khi quân bình các cá nhân dành 6 giờ 38 phút mỗi ngày trên Internet, trong khi sử dụng mạng xã hội trung bình 2 giờ 38 phút mỗi ngày. Theo thống kê, cả hai hoạt động này vẫn đang gia tăng (tương ứng +4,4% và +5,0%), ngụ ý rằng nội dung kỹ thuật số, đặc biệt là trên các kênh truyền thông mạng xã hội, đang chiếm một phần rất lớn trong cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam.
Điều này mở ra nhiều sân chơi nối tiếp, mới nhất là người ảnh hưởng (Influencer) đã và đang là một trong những "công cụ” phổ biến để thương hiệu kết nối với người dùng. Vài năm trở lại đây, thị trường tiếp thị lại chứng kiến sự "đổ bộ” của một làn sóng mới: người ảnh hưởng ảo (Virtual Influencer), với khả năng tác động lên quyết định mua hàng và tăng nhận diện thương hiệu cho nhãn hàng.
Thực tế, xu hướng này đã sớm phổ biến trên thế giới. Trong xu thế chuyển đổi số diễn tiến mạnh mẽ những năm gần đây, các đột phá về công nghệ như AI, Big Data, IoT… vốn không còn xa lạ. Nhân viên robot tư vấn trực tuyến 24/7, trải nghiệm sản phẩm trên không gian ảo... mang đến cho người tiêu dùng vô vàn trải nghiệm mới.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, công nghệ là yếu tố quan trọng định hình cuộc sống của người tiêu dùng thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Báo cáo gần đây của Influencer Marketing Factory cũng cho thấy 58% người được khảo sát đang theo dõi ít nhất một người ảnh hưởng ảo; 35% từng mua sản phẩm do họ quảng cáo. Người ảnh hưởng ảo dần trở thành nhân tố tiềm năng mới trong ngành tiếp thị - quảng cáo mà thương hiệu không thể ngó lơ.
Nhìn nhận câu chuyện tại Việt Nam, ông Phạm Minh Vũ - lãnh đạo đơn vị quảng cáo ZEE – cho rằng đây không đơn giản là “bắt trend”. Bởi, muốn tận dụng bất kỳ công cụ mạnh nào cũng cần phải có câu chuyện hay, tạo được rung cảm với khán giả. Thách thức của người làm truyền thông - tiếp thị trong thời đại số không chỉ là cố gắng tiếp cận các giải pháp công nghệ mới nhất, mà là tìm cách chạm đến người dùng bằng những nội dung chất lượng, sáng tạo. Chìa khoá để xoá nhoà lằn ranh thực - ảo là tạo được những cuộc thảo luận ý nghĩa và sự đối thoại cá nhân.
“Sự kết hợp của công nghệ hiện đại và nội dung chất lượng sẽ đưa những khái niệm công nghệ mới đến gần hơn với người tiêu dùng. Chẳng hạn, mới đây người ảnh hưởng ảo đến từ Nhật Bản Imma đã xuất hiện tại Việt Nam trong một quảng cáo của thương hiệu vivo, do đơn vị 5AM Productions và ZEE phối hợp sản xuất”, ông Vũ nói.
Bên cạnh đòi hỏi về nội dung, vẫn tồn tại nhiều thử thách mà nhãn hàng phải đối mặt để hợp tác hiệu quả với người ảnh hưởng ảo. Chẳng hạn, khi tổ chức sự kiện hoặc quay quảng cáo có sự tham gia của nhân vật ảo, các bên liên quan cần đáp ứng yêu cầu cao về công nghệ từ khâu chuẩn bị, quay chụp, đến chỉnh sửa, hậu kỳ. Nhãn hàng cũng cần lưu ý đến các đặc thù về phương thức giao tiếp, quyền sử dụng hình ảnh của người ảnh hưởng ảo để tránh xảy ra tranh cãi, hiểu lầm trong quá trình hợp tác, đặc biệt là trong lần thử nghiệm đầu tiên.
Nhìn chung, từ thế giới cho đến Việt Nam, thế hệ Virtual Influencer đang dần thay đổi cuộc chơi quảng cáo. Những nhân vật ảo này không chỉ là giải pháp tiếp thị giúp nhãn hàng tiếp cận khán giả ở mọi chiều không gian, xoá nhoà ranh giới thực - ảo, mà còn góp phần định hình tương lai của lĩnh vực tiếp thị - truyền thông trong nhiều năm tới.