Ngồi lướt mạng ở Việt Nam vẫn bán hàng "bắt trend" tận Trung Quốc, Âu Mỹ: Từ các thảo luận - tranh cãi trên mạng xã hội đến chuyện "đọc vị" 5 tỷ người

Minh Anh | 10:48 09/10/2024

"Trên mạng xã hội, một người có thể nói thẳng là họ chấp nhận thương hiệu cũng như mức giá, hoặc không. Nhưng nếu dựa vào thảo luận của 1 triệu người trong một tháng về xe điện chẳng hạn, doanh nghiệp có thể nắm được ý chí của người tiêu dùng", ông Nguyễn Anh Hòa - CEO & Founder của YouNet Group cho biết.

Ngồi lướt mạng ở Việt Nam vẫn bán hàng "bắt trend" tận Trung Quốc, Âu Mỹ: Từ các thảo luận - tranh cãi trên mạng xã hội đến chuyện "đọc vị" 5 tỷ người
Ông Nguyễn Anh Hòa - CEO & Founder của Tổ hợp Công nghệ Mạng xã hội YouNet Group.

Theo báo cáo Digital 2024 của MeltWater và WeAreSocial phát hành hồi tháng 2, 62,3% trong số 8,08 tỷ người dân trên trái đất đang sử dụng mạng xã hội (MXH), tương đương 5,04 tỷ người. Con số này không gây ngạc nhiên, bởi 66% thế giới đang dùng internet, tức 5,35 tỷ người.

Tại Việt Nam, 72,7 triệu người đang sử dụng MXH tính đến tháng 1/2024, tương đương 73,3% dân số.

MXH đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cư dân toàn cầu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực. Các doanh nghiệp cũng dựa vào MXH để lắng nghe khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên, với sự phát triển của dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI), giờ đây họ còn làm được nhiều hơn thế.

Phần lớn doanh nghiệp vẫn chỉ coi MXH là công cụ theo dõi, xem ai nói xấu hay nói tốt gì về mình, hoặc đo lường cơ bản về thương hiệu, chiến dịch. Họ chưa đi vào phân tích để trả lời những câu hỏi cụ thể về kinh doanh”, ông Nguyễn Anh Hòa, CEO & Founder của Tổ hợp Công nghệ Mạng xã hội YouNet Group, nhìn nhận. Phương pháp giúp trả lời những câu hỏi này được gọi là “social media research” –  nghiên cứu thị trường dựa trên dữ liệu MXH.

social.png
Số lượng người dùng mạng xã hội trên thế giới qua các năm. Nguồn: WeAreSocial.

Phát triển sản phẩm mới đúng insight khách hàng nhờ mạng xã hội

Một nhãn hàng bia nhận thấy hành vi sử dụng đồ uống có cồn của Gen Z hoàn toàn khác so với các nhóm tuổi còn lại. Họ quyết định đào sâu tìm hiểu tại nơi mà hầu hết Gen Z đều hiện diện, chính là MXH.

Thông qua phân tích các cuộc thảo luận, thương hiệu này phát hiện ra đông đảo người trẻ thích pha thêm sữa chua uống, soda khi uống rượu soju hoặc các đồ uống có cồn khác.

Kết hợp thông tin này với các phương pháp nghiên cứu truyền thống, thương hiệu đã phát triển một sản phẩm mới dựa vào xu hướng và được giới trẻ đón nhận tích cực. Không chỉ vậy, sản phẩm mới này còn góp phần trẻ hóa hình ảnh thương hiệu, tạo sự kết nối mạnh mẽ hơn với tệp khách hàng Gen Z.

Social Listening (phương pháp lắng nghe MXH) có thể trả lời các câu hỏi xoay quanh 4 khía cạnh là ngành hàng, thương hiệu, chiến dịch và người dùng. Ví dụ với yếu tố ngành hàng, một hãng xe điện Việt Nam muốn qua thị trường Thái Lan thì phải xem từ khóa “xe điện” được bao nhiêu người thảo luận trong 1 tháng hoặc 1 năm qua, những thương hiệu nào được đề cập nhiều nhất, khen chê ra sao, xu hướng quan tâm đến ngành này diễn biến thế nào…”, ông Nguyễn Anh Hòa chỉ ra.

Từ trước tới nay, các công ty đều đi nghiên cứu thị trường để thu thập thông tin phục vụ cho kinh doanh. Theo phương pháp truyền thống, họ sẽ xác định vấn đề nghiên cứu, đối tượng khách hàng và làm khảo sát. Ở phạm vi toàn cầu, những công ty nghiên cứu thị trường quốc tế thường sẽ đảm nhận công việc này nhờ có ngân sách lớn và hiểu biết sâu rộng.

Đó là cách truyền thống, nhưng hiện nay đã có một lựa chọn khác với nhiều thế mạnh về kinh phí và thời gian triển khai  là nghiên cứu thị trường dựa trên dữ liệu thu thập online, trong đó có dữ liệu từ các nền tảng MXH. Như vậy, các doanh nghiệp muốn “go global” (đi ra toàn cầu) giờ đây có thêm lựa chọn, và hai phương pháp sẽ đem lại hai kiểu insight khác nhau.

Lấy ví dụ về một công ty xe điện Trung Quốc muốn vào Việt Nam. Dựa vào thảo luận trên mạng xã hội của khoảng 1 triệu người trong một tháng về xe điện, doanh nghiệp có thể nắm được ý chí của người tiêu dùng. Ví dụ như có bao nhiêu phần trăm người dùng đề cập đến thương hiệu, họ phản hồi tích cực và tiêu cực ở những điểm nào, họ có chấp nhận thương hiệu Trung Quốc hay không, chấp nhận mức giá nào cho xe điện…”, ông Hòa phân tích.

Lãnh đạo YouNet Group chỉ ra rằng với khảo sát offline, không thể đặt quá nhiều câu hỏi và phải tập trung vào chủ đề chính. Việc thực hiện cũng tốn khá nhiều thời gian. Còn đối với MXH, dữ liệu nằm trên phạm vi rộng và quy trình thu thập rất nhanh, mức độ chính xác tương đương cách truyền thống, lại giúp tiết kiệm chi phí.

Ông Hòa nhấn mạnh hai kết quả nghiên cứu sẽ bổ trợ cho nhau chứ không thay thế lẫn nhau. Tuy nhiên, ngân sách sẽ chuyển qua cho nghiên cứu MXH ngày càng nhiều hơn, lý do một phần xuất phát từ sự lên ngôi của thương mại điện tử (TMĐT).

Tỷ trọng bán hàng online trên tổng bán lẻ của Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 11%, tốc độ phát triển khoảng 35% mỗi năm. Trong khi đó, tốc độ phát triển chung của thị trường bán lẻ chỉ có 12%. Theo dự đoán của tôi, tới năm 2030, tỷ trọng bán hàng online sẽ chiếm 35% tổng thị trường bán lẻ.

Tác động của thị trường online ngày càng mạnh hơn, nên ngân sách nghiên cứu thị trường trên không gian số cũng gia tăng. Nhưng dĩ nhiên nó không thể thay thế phương pháp truyền thống”, ông Hòa nêu quan điểm

lqh00726(1).jpg

Ngồi ở Việt Nam bán hàng "bắt trend" nước khác

Trước sự phát triển như “vũ bão” của TMĐT, trong đó có TMĐT xuyên biên giới, các doanh nghiệp đang đứng trước “cơ hội vàng” để phát triển không giới hạn. Gần gũi với Việt Nam nhất là thị trường hơn 600 triệu dân của Đông Nam Á, nơi kinh tế đang phát triển vô cùng sôi động với tốc độ trung bình khoảng 6%.

Hấp dẫn như vậy thì tại sao mình không nhìn thị trường rộng ra một chút, phải không? Và điểm đặc thù của thị trường Đông Nam Á là những người dùng MXH năng nổ”, ông Hòa chỉ ra.

Với sự phát triển của MXH và TMĐT, ông Hòa tin rằng sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam ấp ủ giấc mộng toàn cầu. Khi việc xử lý ngôn ngữ trở nên dễ dàng nhờ AI, làm Social Listening ở thị trường quốc tế cũng dễ hơn.

Sau khi nghiên cứu, chúng tôi đang hướng đến khoảng 100 công ty đầu ngành để giới thiệu cho họ dịch vụ nghiên cứu thị trường trên MXH nhắm tới go global”, CEO của YouNet Group tiết lộ.

Bên cạnh dữ liệu MXH, YouNet còn nghiên cứu dữ liệu TMĐT để cung cấp góc nhìn đầy đủ hơn. Kết hợp phân tích hai loại dữ liệu này, doanh nghiệp có thể tìm ra chiến lược thâm nhập thị trường, cụ thể là biết được mức giá bán hợp lý, chiến lược marketing, kênh bán, nên thuê KOL nào…

Với việc ở Việt Nam cũng nhìn được thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp có thể nhanh chóng “bắt trend” ngay khi xu hướng xuất hiện tại quốc gia khác. Ngược lại, các trend ở nước ngoài cũng xâm nhập được vào thị trường nước mình. Đôi khi một sản phẩm ở Việt Nam chưa chắc phù hợp với thị trường, nhưng lại được yêu thích ở Thái Lan, Indonesia….”, ông Hòa cho biết thêm.

Kết lại vấn đề, ông Hòa cho rằng doanh nghiệp muốn mở rộng ra thị trường quốc tế nên thâm nhập bằng kênh online trước, vừa nhanh chóng, hiệu quả lại tiết kiệm. Việc nghiên cứu trước khi thâm nhập là điều bắt buộc.

Mang sản phẩm qua bán mà không hiểu thị trường giống như đem quân qua mà không có thông tin gì, toàn quân sẽ rất khó chiến thắng”, ông nhìn nhận.


(0) Bình luận
Ngồi lướt mạng ở Việt Nam vẫn bán hàng "bắt trend" tận Trung Quốc, Âu Mỹ: Từ các thảo luận - tranh cãi trên mạng xã hội đến chuyện "đọc vị" 5 tỷ người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO