Tại Trung Quốc, sầu riêng được mệnh danh là "vua của trái cây", ai ai cũng thích nhưng cứ phải lắc đầu than thở vì giá nhập khẩu quá đắt. Quốc gia này đã tiến hành trồng thử nghiệm đại trà trên đảo Hải Nam với quy mô lớn. Mới đây, những cây sầu riêng đã cho đợt quả chín đầu tiên và bắt đầu được rao bán, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trong nước.
Người Trung Quốc "nghiện" sầu riêng đến mức nào?
Bấy lâu nay, giá sầu riêng nhập khẩu ở Trung Quốc liên tục tăng mạnh do nhu cầu cao kèm chi phí vận chuyển tốn kém. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sầu riêng tươi nhập khẩu vào nước này trong những năm gần đây không hề có xu hướng giảm. Trong năm 2021, đất nước tỉ dân đã nhập 821.600 tấn sầu riêng tươi. Năm 2022, con số này tăng lên thành 825.000 tấn. Trong quý 1 năm 2023, Trung Quốc cũng tiếp tục nhập khẩu 507 triệu đô la Mỹ sầu riêng tươi, tăng hơn 100% so với cùng kỳ các năm trước.
Trong đó, sầu riêng Thái Lan chiếm hơn một nửa. Năm 2023, Thái Lan dự kiến sẽ xuất khẩu không dưới 700.000 tấn sầu riêng tươi sang Trung Quốc. Ngoài ra, với việc khai trương tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc, sầu riêng và các loại trái cây nhiệt đới khác của Đông Nam Á sẽ được vận chuyển rẻ và nhanh hơn. Trước đây, sầu riêng tươi vận chuyển vào Trung Quốc bằng đường biển mất bảy ngày, đường bộ mất năm ngày. Với tuyến đường sắt này, sầu riêng tươi chuyển từ Thái Lan sang Côn Minh, Trung Quốc chỉ mất ba ngày.
Sầu riêng tự trồng của Trung Quốc trông như thế nào?
Sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc thường phải được hái từ trước và sẽ chín dần trong quá trình vận chuyển. Còn sầu riêng ở đảo Hải Nam có cuống rất dày, khi chín thì sẽ tự rụng khỏi cành, cách thu hoạch chủ yếu là lấy quả chín ngay từ trên cây. Nhờ đó, độ chín, độ tươi cũng như hương vị đều cao hơn sầu riêng nhập khẩu, các nhà phân phối Trung Quốc vì thế mà rất kỳ vọng.
Hiện ở đảo Hải Nam đã có khoảng 30.000 mẫu sầu riêng được trồng, sản lượng năm có thể lên tới 40 tấn.
Cư dân mạng xứ Trung nhận xét về sầu riêng tươi nội địa: "Tôi khá bất ngờ. Mấy quả tôi mua nặng từ 2,5 đến 3,5 kg, vỏ mỏng và rất thơm ngon".
Đây là năm đầu tiên sầu riêng được trồng tại đảo Hải Nam với quy mô lớn nên sản lượng còn ít và giá vẫn cao. Các công ty nông nghiệp Trung Quốc cho rằng nếu giữ được giá ở mức 60 NDT/kg (khoảng 200.000 đồng/kg) trở xuống thì trong tương lai thị trường nước này sẽ không cần phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu.
Vì sao Trung Quốc vẫn chưa thể tự trồng sầu riêng giá rẻ?
Do yêu cầu khắt khe về điều kiện sinh trưởng của sầu riêng nên hiện Trung Quốc mới chỉ có thể trồng thử nghiệm ở đảo Hải Nam với một quy trình khó khăn và tốn kém. Kể từ năm 2018 khi mới bắt đầu trồng, tỉ lệ sống sót chỉ là 60%, cây con chết liên tục. Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia trong vùng, đảo Hải Nam gần đây cũng đã tìm ra các phương pháp canh tác phù hợp, tỉ lệ cây sốt đạt 98%.
So với Malaysia, Thái Lan và các khu vực khác, đảo Hải Nam có lợi thế là thời gian nắng trong ngày khá dài nhưng lượng mưa lại ít hơn và phân bố theo mùa không đồng đều. Các công ty canh tác đã phải xây dựng các hồ chứa lớn để cấp phân bón và nước một cách chính xác qua hệ thống tự động.
Trước đợt thu hoạch gây xôn xao, cư dân mạng xứ Trung còn kỳ vọng một ngày nào đó giá sầu riêng tươi trong nước sẽ chỉ còn 30.000 đồng/kg. Nhưng với điều kiện sản xuất như hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa hình thành các đồn điền lớn, niềm mong mỏi này hãy còn khá xa vời.
Tham khảo từ: Net Ease