Mới đây, trang nghiên cứu thị trường Q&Me đã công bố báo cáo về mức độ phổ biến của các sàn TMĐT tại Việt Nam. Theo Q&Me, trong vài năm qua, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến và là một kênh quan trọng đối với thị trường bán lẻ.
Q&Me đã thực hiện cuộc khảo sát với 307 người ở trong độ tuổi từ 18-39 tuổi tại khu vực nội thành của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM trong tháng 3 và tháng 4.
Theo kết quả cuộc khảo sát, có 88% người được hỏi thực hiện mua sắm trực tuyến vài lần/tuần và nhiều hơn. Cụ thể, có khoảng 40% người dùng thực hiện mua sắm trực tuyến ít nhất vài lần mỗi tuần, 25% cho biết mua sắm ít nhất một lần/tuần, 24% mua sắm ít nhất một lần/2-3 tuần và số còn lại mua sắm trực tuyến ít nhất một lần/tháng hoặc ít hơn.
Cũng trong báo cáo của Q&Me, Shopee là sàn TMĐT được yêu thích và sử dụng nhiều nhất khi người dùng Việt mua sắm online. Với tỷ lệ sử dụng lần lượt là 62%, Shopee bỏ xa hai đối thủ khác là Lazada (23%) và Facebook (5%).
Đứng ở các vị trí sau trên bảng xếp hạng được Q&Me khảo sát lần lượt là TikTok (4%), Tiki (4%), Sendo (1%), Zalo (1%). Một số kênh mua sắm trực tuyến khác cũng được nghiên cứu đề cập tới trong bảng xếp hạng bao gồm Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động và Instagram.
Theo báo cáo của Q&Me, giá cả là yếu tố quan trọng nhất khi người dùng tìm kiếm và lựa chọn kênh mua sắm trực tuyến. Các yếu tố khác có thể kể tới thông tin đầy đủ và đánh giá, thời gian giao hàng, sự đa dạng các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ khách hàng,…
Về khía cạnh giá cả, Shopee và Lazada là hai sàn TMĐT được người dùng đánh giá cao nhất, cũng là lựa chọn phù hợp với nhiều người khi lựa chọn mua sắm trực tuyến. Shopee, Lazada và Tiki là 3 sàn TMĐT được người dùng đánh giá cao nhất ở hầu hết các khía cạnh.
Trong số các sản phẩm được người dùng Việt lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất, dẫn đầu là các sản phẩm thuộc danh mục làm đẹp/chăm sóc sức khỏe với tỷ lệ 38%. Ngoài ra, các sản phẩm ngành hàng thời trang cũng như mẹ & bé cũng có tỷ lệ người dùng lựa chọn mua sắm online cao.
Ngược lại, các sản phẩm thuộc danh mục đồ ăn, thiết bị gia dụng và sản phẩm công nghệ lại không phải là những sản phẩm được người dùng ưu tiên mua sắm trực tuyến.
Trong báo cáo của Q&Me, các sản phẩm thuộc danh mục làm đẹp/chăm sóc sức khỏe thường được người dùng mua sắm trực tuyến trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada… Ở lĩnh vực thời trang, người dùng cũng thích mua sắm trên Shopee với tỉ lệ lên tới 81%, xếp sau là Lazada và Facebook.
Trong khi đó, với tỷ lệ 51%, Thế Giới Di Động trở thành kênh bán lẻ được người dùng ưa thích nhất khi muốn mua sắm các sản phẩm công nghệ (IT). Shopee xếp thứ 2 với tỷ lệ 43%, FPT Shop đứng ở vị trí thứ 3 với 37%. Hoàng Hà Mobile và CellphoneS xếp ở cuối với tỷ lệ lần lượt là 18% và 17%.
Tại ngành hàng thiết bị gia dụng, Điện Máy Xanh của Công ty CPĐT Thế giới Di động (MWG) cũng trở thành kênh phân phối được nhiều người dùng lựa chọn để mua sắm nhất với tỷ lệ áp đảo 57%. Các thương hiệu phổ biến khác như Nguyễn Kim, Điện Máy Chợ Lớn và Mediamart có tỷ lệ lần lượt là 32%, 27% và 18%.
Một thương hiệu khác của Công ty MWG cũng được người dùng ưa thích khi muốn mua đồ ăn, đó là Bách Hóa Xanh (44%). WinMart xếp ở vị trí thứ 4 với tỷ lệ 37%.
Có thể thấy, người dùng có xu hướng sử dụng các kênh online của các chuỗi cửa hàng lớn như Thế Giới Di Động khi có nhu cầu mua sắm về IT, đồ dùng gia đình hay thực phẩm.
Đối với thiết bị gia dụng và IT, đây là những món đồ có giá trị lớn đối với đa số người Việt, và họ thường có xu hướng cẩn thận hơn trong quá trình mua sắm của mình. Mặc dù phụ thuộc vào Internet để thu thập thông tin, họ vẫn thích mua thông qua trang web trực tuyến của các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn, uy tín để đảm bảo chất lượng.
Về thực phẩm, người Việt thích lựa chọn trực tiếp khi nhìn vào sản phẩm. Thêm vào đó, họ có nhu cầu sử dụng sản phẩm ngay lập tức. Điều này khiến cho thời gian giao hàng trở thành rào cản chính khiến họ ít lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến.