Theo tìm hiểu của MarketTimes, Dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó có đề xuất đánh thuế 5% với mặt hàng phân bón, thay vì không bị đánh thuế như hiện nay. Đối với phí trước bạ được đề nghị giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1/8/2024
Lo lắng lộ trình đánh thuế phân bón
Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) nêu quan điểm, việc đánh thuế VAT 5% đối với phân bón là không hợp lý, nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều mặt hàng còn được giảm 2% VAT đến hết năm 2024 để tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế. Mở rộng hơn nữa có thể thấy ngay cả mặt hàng ô tô dành cho những người có thu nhập cao cũng đang được đề xuất giảm 50% phí trước bạ.
Đề xuất thu 5% thuế VAT đối với phân bón sẽ tác động trực tiếp vào 9,1 triệu nông dân, trong khi người càng có thu nhập thấp thì càng nên được hỗ trợ. Vì thế, đây có thể tạo nên một nghịch lý.
"Vì sao nhiều mặt hàng được giảm thuế VAT, ô tô thì được giảm phí trước bạ còn phân bón thì lại nâng thuế?"
"Nếu tăng thuế suất 5% sẽ ảnh hưởng đến những người nông dân, như thế có phải là đang tạo điều kiện cho người giàu và không tạo điều kiện cho người nghèo, người có thu nhập thấp hay không?”, đại biểu Linh nói.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng, hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Điều này tức là đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng theo hướng tiếp tục giảm thuế (giảm thuế 2% cho đến cuối năm 2024). Đồng thời, tiếp tục sẽ có những biện pháp để kích cầu tiêu dùng và sản xuất đến cuối năm 2025, khi đó mới đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng.
Việc sửa đổi luật đưa mức chịu thuế lên 5% đối với một số mặt hàng, trong đó có phân bón sẽ làm giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Việc thiết kế hai chính sách này rất dễ gây xung đột chính sách khi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhưng lại đưa đối tượng mới chịu thuế, sẽ làm giảm chính sách tài khóa mở rộng chúng ta đang thực hiện", ông Tuấn nói.
Vì vậy, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, cần thiết kế chính sách theo lộ trình, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp phải tính toán lại chính sách thuế hợp lý, có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% như dự thảo luật để doanh nghiệp được khấu trừ thuế. Khi đó, sản phẩm lương thực, thực phẩm đầu ra không bị áp lực tăng giá mà vẫn thực thi chính sách tài khóa mở rộng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, đại biểu này còn cho rằng, từ nay đến cuối năm 2025 cần tiếp tục thực hiện những chính sách tài khóa mở rộng, trong đó chính sách tài khóa còn dư địa rất nhiều. Do đó, cần thiết kế theo hướng giao Chính phủ đưa vào đối tượng chịu thuế đúng với lộ trình cải cách thuế nhưng cần có thời gian thực hiện phù hợp với điều kiện tình hình thực tế.
Nghời dân chịu áp lực từ thuế VAT phân bón
Giải thích cơ sở áp thuế VAT với phân bón, Bộ Tài chính cho rằng việc mặt hàng này không thuộc diện chịu thuế sẽ không được hoàn thuế khoảng 1.500 tỷ đồng/năm.
Còn nếu áp thuế sẽ giúp mặt hàng này được giảm chi phí do doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế, đồng thời, giúp sản phẩm phân bón trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu do mặt hàng phân bón nhập khẩu được các nước hoàn thuế.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho biết, hiện nay với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước thuộc đối tượng không được khấu trừ thuế VAT đầu ra, do đó vật tư đầu vào sẽ không được hoàn VAT. Trong khi phân bón nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam thì lại được hoàn thuế đầu vào của nước họ.
“Như vậy trên sân nhà, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ chịu thiệt thòi. Chính vì thế mới có đề xuất chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT để gỡ khó, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội”, ông Lâm nói.
Vị đại biểu này cũng chỉ ra rằng, nếu đánh thuế VAT đầu ra phân bón trong nước sẽ được 5.700 tỷ đồng, đánh thuế VAT đầu vào 1.500 tỷ đồng, và đánh thuế VAT của phân bón nhập khẩu khoảng 2.000 tỷ đồng. Tổng tăng thu ngân sách, riêng với phân bón 6.200 tỷ đồng. Nếu cả máy móc, thiết bị vật tư khác là 6.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Lâm đặt câu hỏi: "Số tiền này lấy từ đâu, không lẽ từ doanh nghiệp? Thực tế là nông nghiệp, nông dân phải chịu".
"Việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất mặt hàng này cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà với sản phẩm cùng loại nhập khẩu là cần thiết. Nhưng không nên đẩy trách nhiệm này cho nông nghiệp, nông dân, không nên thu của người nghèo trả cho người giàu.
Hiện nay chỉ 4 nhà sản xuất phân bón trong nước trong khi có tới gần chục triệu hộ nông dân. Việc áp thuế có nghĩa là khiến gần chục triệu nông dân này phải lo gánh thuế để hoàn thuế cho doanh nghiệp", ông Lâm nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng dẫn giải: Nếu như có thuế 5%, ngân sách sẽ thu được khoảng 5.700 tỷ đồng và để bù trừ cho các doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng, ngân sách sẽ còn thu lãi khoảng 4.200 tỷ đồng.
"4.200 tỷ ngân sách thu được và 1.500 tỷ đồng bù đắp cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón lấy ở đâu ra? Rõ ràng tiền này lấy từ nông dân, bà con phải trả tiền nhiều hơn, điều đấy thể hiện bất hợp lý", ông Cường đặt vấn đề.
Cân nhắc giảm lệ phí trước bạ ô tô, dành nguồn lực cho nông dân
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trước đây, mặt hàng phân bón từng được đưa vào diện chịu thuế, xong Quốc hội bỏ ra, nay lại đưa vào áp thuế, cơ quan soạn thảo sẽ phải đánh giá lại tác động để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.
Về số tiền hoàn thuế, Bộ trưởng nêu rõ trên cơ sở đánh giá tác động lên giá bán phân bón và ảnh hưởng tới người dân, mỗi hộ nông dân chỉ phải trả thêm 461.000 đồng/năm, tương ứng mỗi tháng 38.000 đồng.
Theo phân tích của đại biểu Hoàng Văn Cường, ngay báo cáo đánh giá của Bộ Tài chính cũng chỉ ra từ tháng 1/2015, sau khi áp thuế 0% thì lập tức giá phân bón giảm xuống 500.000 đồng, đến năm 2016 lại giảm, năm 2017 tiếp tục giảm 700.000 - 800.000 đồng, có nghĩa liên tục giảm sau khi chúng ta chuyển từ thuế 5% xuống 0%.
Ông Cường nói, đến tận năm 2018 bắt đầu giá mới tăng lên là do nhà máy phân đạm Phú Mỹ không hoạt động hết công suất; đến năm 2022 vừa qua tăng rất nhiều là do chiến tranh của Nga - Ukraine.
"Do vậy, không có lý do gì nói rằng, chúng ta tăng thuế mà lại có khả năng giảm giá, không thể nói tăng thuế như thế là bà con nông dân được hưởng lợi", ông Cường nhận định.
Ưu tiên nguồn lực cho người nông dân – đối tượng vốn gặp nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ cũng là ý kiến được nhiều chuyên gia bày tỏ sự đồng thuận. Một chuyên gia lâu năm trong ngành kinh tế cho rằng, cơ quan chức năng nên soi chiếu lại các đề xuất hiện tại để tối ưu nguồn lực. Đơn cử như đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1/8/2024 đang được Bộ Tài chính theo ông là hoàn toàn không hợp lý.
“Đặt hai đề xuất cạnh nhau mới thấy sự phi lý. Chúng ta đánh thuế sản phẩm thiết yếu của người nông dân nhưng lại tốn hàng nghìn tỉ nguồn lực để giảm lệ phí trước bạ cho những sản phẩm được coi là xa xỉ phẩm”, vị chuyên gia lên tiếng.
Đặc biệt hơn, theo các chuyên gia, việc ưu đãi lệ phí cho ô tô chạy xăng còn đi ngược lại chủ trương của Chính phủ về việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. “Chúng ta kêu gọi giảm phát thải ròng, nhưng lại thực hiện nửa vời, bằng cách khuyến khích những sản phẩm đang ngày ngày gây ô nhiễm cho môi trường là xe chạy bằng xăng, dầu”, ông Hoàng Đình Đức, một chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực phát triển bền vững nói.
Trong điều kiện hiện tại, ông Đức đề xuất không nên giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Nguồn lực tiết kiệm được với đất nước sẽ là không nhỏ và hoàn toàn có thể sử dụng để hỗ trợ người nông dân, thay vì nghịch lý “lấy của người nghèo, chia cho người giàu” như hiện tại.