Nghỉ việc vì “mất cảm hứng đi làm”, tiêu sạch 70 triệu tiết kiệm và bài học rút ra khi tài khoản chẳng còn lấy nổi 1 đồng

Nguyệt | 18:14 08/06/2024

Chỉ khi rơi vào rỗng túi, cô nàng mới biết vùng an toàn tài chính của mình mong manh thế nào.

Nghỉ việc vì “mất cảm hứng đi làm”, tiêu sạch 70 triệu tiết kiệm và bài học rút ra khi tài khoản chẳng còn lấy nổi 1 đồng

Điều đầu tiên bạn muốn làm sau khi nghỉ việc là gì? Có người chọn nhanh chóng rải CV để sớm gia nhập lại thị trường lao động, vì không muốn bỏ lỡ thời gian để thăng tiến. Nhưng cũng có người trẻ khác chọn đi chậm lại, để cho bản thân nghỉ ngơi sau chuỗi ngày chạy theo nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.

Trong khoảng thời gian không còn bận rộn với đi làm, có người còn chấp nhận tiêu hết sạch tiền tiết kiệm trước khi quay lại làm việc. Đó là câu chuyện của Minh Thư (25 tuổi, TP. Hà Nội) và hãy cùng gặp cô bạn, để hiểu rõ hơn về quyết định này.

Nghỉ việc vì không biết mục đích đi làm

Đầu tháng 7/2023, Minh Thư chính thức nghỉ việc ở công ty cũ, sau chuỗi ngày đi làm “ngoài lương thì chẳng nhận về điều gì”. Khá với nhiều người thường có xu hướng tìm được việc mới hay nghỉ việc cũ rồi lao đầu vào nộp CV, cô nàng cho bản thân 3 tháng để nghỉ ngơi và không làm gì cả.

Minh Thư tâm sự về quyết định của mình: “Đi làm được nhiều năm nhưng mình chưa bao giờ có thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa cho riêng mình. Bởi trước đó, lúc nào mình cũng làm 2-3 công việc, cuối tuần cũng ôm việc về nhà. Mình làm việc với tâm thế không phải mình yêu thích công việc này, mà bởi suy nghĩ ‘mình không thể dừng lại’. Đôi lúc đi làm, mình thấy bản thân giống như một cái máy, cứ làm việc rồi làm việc mà không biết đích đến sau này là về đâu.

Cứ như thế, đến một ngày, mình phát hiện bản thân vừa muốn dừng công việc, còn vừa muốn chuyển ngành. Mình liền nộp đơn xin nghỉ việc, quyết định cho bản thân nghỉ ngơi để điều chỉnh tâm trạng, cũng như suy nghĩ kỹ hơn về tương lai”.

618fb6ba51bd34439b860400f294e9d1.jpeg
Ảnh minh hoạ

“Tiền đâu để thất nghiệp?” – là câu hỏi xuất hiện đầu tiên trong đầu Minh Thư trước khi cô nàng xin nghỉ ở công ty cũ. Cô nhớ lại: “Tính toán một hồi, mình phát hiện khoản tiết kiệm của mình lớn hơn một chút so với tổng chi phí sinh hoạt trong 6 tháng. Mình cũng có một nguồn đầu tư, với tiền lãi hàng tháng là 2-4 triệu đồng. Nếu kinh tế khó khăn hơn, mình sẽ tạm thời chuyển về quê sinh sống một thời gian để vơi bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt ở thành phố và tiền thuê nhà. Khi gánh nặng tài chính cho quyết định thất nghiệp đã không còn, mình chính thức xin nghỉ việc”.

Về riêng khoản tiết kiệm cho nghỉ việc, Minh Thư cho hay đó là toàn bộ số tiền tích luỹ của cô sau 3 năm đi làm. Đáng lẽ, khoản tiết kiệm này có thể gấp 2, gấp 3 con số hiện có, tuy nhiên cô đã mất trắng một khoản tiền lớn do đầu tư hết vào chứng khoán thời điểm mới ra trường, nhưng bị sóng thị trường nhấn chìm.

Minh Thư chia sẻ: “Nếu không có khoản tiết kiệm đủ lớn, bạn sẽ mất đi cơ hội đưa ra các quyết định táo bạo cho bản thân. Chẳng hạn với mình, do quỹ tiết kiệm không đủ, nên trước đó dù muốn nghỉ việc từ lâu nhưng mình vẫn phải cố gắng chịu đựng làm tiếp ở công ty cũ. Hay có những thời điểm, mình muốn đi du lịch nước ngoài một mình, nhưng nhìn vào số dư tài khoản lại ngậm ngùi cất mong muốn vào góc nhỏ trong tim”.

e98a8b24ebe65c8e714333eeeadd8c21.jpeg
Ảnh minh hoạ

Tiêu hết sạch 70 triệu đồng để sạc lại năng lượng

Minh Thư tính toán, trong đợt thất nghiệp dài ngày, cô nàng đã tiêu hết sạch 70 triệu đồng tiền tiết kiệm cho 3 tháng nghỉ ngơi. Khoản tiền này được Minh Thư dùng vào du lịch, mua sắm món đồ yêu thích và trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản.

Nếu có ai đó hỏi Minh Thư đã thất nghiệp mà còn tiêu sạch đến trắng tay thì có hối hận không, câu trả lời của cô bạn là “Không”.

Cô nàng lý giải: “Ban đầu, mình dự tính dùng 70 triệu đồng cho nửa năm, nhưng vì lỡ tiêu quá tay nên đã xài hết chỉ trong 3 tháng. May mắn là sau đợt thất nghiệp, tâm trạng của mình không chỉ cải thiện rất nhiều mà bản thân cũng đã nhanh chóng tìm được công việc mới, nên tình hình tài chính không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Với mình, chỉ khi tiêu hết 70 triệu đồng thì mới biết vùng an toàn tài chính của bản thân mong manh như thế nào. Tức là, trước khi thất nghiệp, mỗi khi định đưa ra lựa chọn mới, chẳng hạn thay đổi công việc hay chuyển ngành,… mình lại nghĩ quỹ tiết kiệm giờ còn bao nhiêu, nhỡ may lương ở chỗ làm mới không cao thì sao? Cứ như thế, mình chỉ dám đứng ở vùng an toàn.

Mà không hề biết rằng, mình đang rơi vào ‘bẫy’ của dân văn phòng. Đó là mình cứ quay quẩn làm một công việc nhàm chán, lương thấp nhưng cứ ngỡ chúng ổn định, đem lại tương lai sáng sủa. Cho đến khi mình phải rỗng túi, mình mới biết công việc và quỹ tiết kiệm đang có nó mong manh và nhỏ bé ra sao”.

573ff8ac16960454c3546922de22baed.jpeg
Ảnh minh hoạ

Sau cùng, Minh Thư nhận định quyết định nghỉ việc, xong tiêu hết sạch tiền tiết kiệm không phải lựa chọn phù hợp với số đông. Do đó, với những ai đã dự tính nghỉ việc, bạn cần chuẩn bị nền tảng tài chính vững chắc và tâm lý ổn định.

“Mình không khuyến khích mọi người nghỉ việc xong tiêu hết sạch tiền như mình. Bởi mỗi người mỗi hoàn cảnh và câu chuyện riêng. Mình quen rất nhiều người sau khi nghỉ làm, tiêu tiền không suy nghĩ rồi cảm thấy tiếc nuối. Một số người khác lại rơi vào chật vật vì thu nhập rơi bằng 0, tiền tiết kiệm sắp cạn nhưng mãi chưa tìm được việc. Do đó, hãy có một cái ví thật dày và biết quản lý tài chính để quãng thời gian nghỉ ngơi do nghỉ việc không trở nên áp lực nhé”.


(0) Bình luận
Nghỉ việc vì “mất cảm hứng đi làm”, tiêu sạch 70 triệu tiết kiệm và bài học rút ra khi tài khoản chẳng còn lấy nổi 1 đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO