'Ngày tàn' của giới khởi nghiệp Trung Quốc: Từ hơn 51.000 startup xuống chỉ còn hơn 1.000, nhiều văn phòng bỏ hoang phủ đầy bụi

Băng Băng | 10:27 17/09/2024

"Tinh thần khởi nghiệp tại đây đã chết", một giám đốc giấu tên nói với tờ Finacial Times.

'Ngày tàn' của giới khởi nghiệp Trung Quốc: Từ hơn 51.000 startup xuống chỉ còn hơn 1.000, nhiều văn phòng bỏ hoang phủ đầy bụi

Bio Bay là một trung tâm khởi nghiệp công nghệ ở Tô Châu-Thượng Hải. Khu vực này từng là nơi đặt trụ sở của hàng loạt startup khởi nghiệp về công nghệ sinh học, dược phẩm...

Thế nhưng giờ đây, trung tâm này lại trở nên hoang phế với âm thanh duy nhất là tiếng máy phát điện của các tòa nhà trống vắng.

Tờ Financial Times (FT) cho hay hàng chục doanh nghiệp tại Bio Bay đã rời đi hoặc đóng cửa khi một cuộc khủng hoảng toàn diện trong ngành đang diễn ra, khiến vô số văn phòng tại trung tâm khởi nghiệp này bị bỏ hoang.

Ngày ngày, vô số những lái buôn đến để mua lại các thiết bị văn phòng, dụng cụ thí nghiệm, máy tính giá rẻ bán lại của các doanh nghiệp dọn đi này để chuyển về Malaysia hay Indonesia. Vô số danh thiếp, tờ rơi về dịch vụ thanh lý thiết bị văn phòng được dán khắp nơi tại các tòa nhà phủ đầy bụi.

Ban quản lý Bio Bay cho biết họ hy vọng sẽ cho thuê lại được những văn phòng trống, nhưng tình hình ảm đạm của giới khởi nghiệp Trung Quốc khiến niềm tin này ngày càng xa vời.

"Trung Quốc từng là điểm đến tốt nhất cho giới khởi nghiệp chỉ sau Mỹ", một giám đốc điều hành tại Bắc Kinh ngậm ngùi nói với FT khi ám chỉ ngành khởi nghiệp tại đây hiện rủi ro quá cao cho nhà đầu tư.

Vào thời hoàng kim, tăng trưởng của những công ty như Alibaba hay Tencent đã thúc đẩy toàn ngành, nhưng sự siết chặt kiểm soát của chính phủ cũng như đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả.

"Toàn bộ ngành khởi nghiệp đang chết trước mắt chúng ta. Tinh thần khởi nghiệp cũng đã chết. Thật đáng buồn khi chứng kiến cảnh này", vị giám đốc tại Bắc Kinh thừa nhận với FT.

Chỉ còn 1.000

Số liệu của IT Juzi cho thấy vào thời đỉnh cao năm 2018, Trung Quốc có đến 51.302 công ty khởi nghiệp được thành lập, thế nhưng con số này đã giảm xuống còn 1.202 năm 2023 và vẫn tiếp tục giảm xuống trong năm nay.

Phó giáo sư Keyu Jin bày tỏ sự lo ngại khi ngành khởi nghiệp là "động lực đổi mới công nghệ tại Trung Quốc". Việc dòng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi mảng khởi nghiệp sẽ khiến động lực đổi mới tại nền kinh tế này chịu ảnh hưởng.

Theo FT, cuộc khủng hoảng ngành khởi nghiệp Trung Quốc là do tăng trưởng kinh tế giảm tốc, tác động từ lệnh giãn cách đại dịch Covid-19 kéo dài, thị trường bất động sản xì hơi còn chứng khoán thì trì trệ. Đó là chưa kể căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng với các lệnh cấm vận công nghệ như chip bán dẫn hay xe điện.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, tác động lớn nhất vẫn đến từ việc Bắc Kinh siết chặt quản lý ngành công nghệ vì lo ngại tình trạng độc quyền của một số tập đoàn lớn.

Nguồn vốn đầu tư khởi nghiệp (tỷ USD) và số startup thành lập tại Trung Quốc giảm mạnh

Tác giả Desmond Shum của "Red Roulette" cho hay các startup đã bị giám sát chặt chẽ, khó chuyển tiền ra nước ngoài và các giao dịch đầu tư, gọi vốn của họ cũng bị giám sát chặt chẽ.

Tương tự, FT đã trao đổi với 11 CEO của các công ty khởi nghiệp, từ những quỹ của nhà nước cho đến các hãng tư nhân và tất cả đều vẽ nên một bức tranh ảm đạm toàn ngành.

"Chỉ 5 năm trước, những nhà đầu tư mạo hiểm hay nhà khởi nghiệp là những người lạc quan nhất ở Trung Quốc. Thế nhưng giờ đây họ đều chán nản. Chẳng còn ai thấy họ nữa", một người trong ngành nói với FT.

Trước đây những cái tên như Jack Ma tại Alibaba hay Pony Ma tại Tencent đều nổi tiếng trong giới công nghệ khi truyền cảm hứng cho các nhà khởi nghiệp kiếm bộn tiền bằng startup khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đến quý IV/2020, tổng giá trị của 2 tập đoàn trên lên đến 1,5 nghìn tỷ USD.

Thế nhưng mọi giấc mơ đều sụp đổ khi Trung Quốc hủy bỏ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group, vốn là một công ty con của Alibaba, vào tháng 11/2020, tức chỉ 2 ngày trước khi mã này được chính thức giao dịch.

Bản thân nhà sáng lập Jack Ma cũng biến mất khỏi truyền thông, mở đầu cho hàng loạt cuộc điều tra và chấn chỉnh ngành công nghệ sau đó trên toàn Trung Quốc.

Kể từ đó, niềm tin của giới khởi nghiệp dần xói mòn.

"Không có lý do gì để khởi nghiệp nữa. Tại sao chúng tôi lại phải chấp nhận rủi ro khi có đến 5 năm thua lỗ vì khởi nghiệp?", một nhà khởi nghiệp tại Thượng Hải nói với FT.

Làn sóng thất bại

Hàng loạt hãng khởi nghiệp tại Trung Quốc đang bán bớt vốn chủ sở hữu cho nhà đầu tư trong khi hàng loạt quỹ đầu tư mạo hiểm cố gắng thu hồi tài sản từ các dự án đã rót vốn, tạo nên một làn sóng thất bại trên thị trường.

Tạp chí Caixin vào tháng 8/2024 đưa tin quỹ đầu tư mạo hiểm quốc doanh Shenzhen Capital Group đã có 41 lần đệ đơn kiện kể từ năm 2023 với 35 vụ trong đó nhắm đến các startup không niêm yết cổ phiếu đúng ngày quy định như thỏa thuận.

Một nhà đầu tư có trụ sở tại Bắc Kinh nói với FT ngành khởi nghiệp hiện đang trở thành "một nơi săn nợ" khi các nhà đầu tư chỉ lo bảo toàn tài sản của mình.

"Chúng tôi biết rằng rất ít nhà khởi nghiệp có đủ khả năng hoàn tiền lại nhưng chúng tôi vẫn phải săn nợ để cho các đối tác thấy rằng chúng tôi đang nỗ lực lấy lại tiền cho họ", một giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm tại Bắc Kinh thú nhận.

Một người khác trong ngành thì nói với FT rằng họ đang yêu cầu các nhà khởi nghiệp phải thế chấp nhà cửa, ô tô, tài sản cá nhân như là điều bắt buộc khi gọi vốn vì thị trường đã trở nên quá rủi ro. Thậm chí các quỹ mạo hiểm giờ đây còn điều tra tài sản nhà sáng lập, từ tiền gửi ngân hàng đến bất động sản trước khi rót vốn.

Thế rồi nguồn tiền của các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đang thu hẹp.

"Trước đây vô số quỹ đầu tư của Mỹ hay trên thế giới đến Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội thì giờ đây chúng tôi như những bệnh nhân hủi chả ai muốn động vào", một nhà khởi nghiệp than thở.

Trả lời FT, 3 giám đốc điều hành giấu tên ước tính các quỹ đầu tư quốc doanh đang chiếm khoảng 80% vốn trên thị trường khởi nghiệp trong khi nguồn vốn nước ngoài hoặc tư nhân lại thu hẹp dần.

Bản thân nhiều nhà quản lý quỹ đầu tư cũng bị yêu cầu giới hạn mức lương hoặc cắt giảm một nửa phí quản lý.

Nhiều quỹ thậm chí thu hẹp quy mô, ví dụ như Source Code Capital đã sa thải 50 trong số 150 nhân viên của mình vào năm ngoái, trong khi các quỹ lớn HongShan (trước đây là Sequoia Capital China) và Hillhouse cũng đã cắt giảm các văn phòng tại Trung Quốc.

Tương tự, các startup cũng đang sa thải nhân viên, giảm lương hoặc đưa ra điều kiện làm việc khó chịu để ép lao động tự nguyện nghỉ việc, qua đó tránh các khoản trợ cấp thôi việc đắt đỏ.

"Ngành công nghiệp này từng như ‘một con khỉ đột nặng 10.000 pound’. Bây giờ chúng tôi đang gầy đi chỉ còn bằng một con tinh tinh", một giám đốc điều hành khác có trụ sở tại Thượng Hải ngán ngẩm nói.

Titanic đang chìm

Số liệu của IT Juzi cho thấy ngay cả những mảng quan trọng với Trung Quốc cũng đang phải vật lộn để thu hút đầu tư. Ví dụ nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học và dược phẩm từ mức đỉnh 133 tỷ Nhân dân tệ năm 2021 đã giảm 60% vào năm 2023.

Một nhà đầu tư mạo hiểm tại Thượng Hải cho hay hiện những nhà khởi nghiệp tại Trung Quốc đang vay tiền từ bạn bè, gia đình hoặc tự vay nợ để khởi nghiệp do khó huy động vốn bên ngoài.

Một số doanh nhân đang cố bắt kịp làn sóng đầu tư thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới với thành công của Shein và Temu, nhằm tận dụng năng lực sản xuất của Trung Quốc. Thế nhưng Mỹ cũng đã bắt đầu siết chặt quy định hải quan để bảo hộ TMĐT trong nước.

Những lĩnh vực khác như robot, trí thông minh nhân tạo (AI) hay xe điện cũng được chú ý tới khi đây là các mảng được chính phủ hỗ trợ.

Tuy nhiên con đường khởi nghiệp ở những mảng này còn khó khăn. Mảng robot còn lâu mới có thể thay thế được sự khéo léo của con người, trong khi bong bóng AI vẫn chưa có lợi nhuận và phụ thuộc nhiều vào chip bán dẫn.

Pony Ma và Jack Ma

Thị trường xe điện thì cũng đã bão hòa khi các hãng ô tô đang phải nhắm đến khách hàng quốc tế nhằm giải quyết dư thừa sản lượng.

Hàng loạt quỹ đầu tư mạo hiểm tăng trưởng nhanh chóng tại Trung Quốc thập niên 2010 đang hướng ra thị trường nước ngoài. Những cái tên như HongShan, Hillhouse Investment, 5Y Capital, ZhenFund, DCM Ventures, Linear Capital, Shunwei Capital, Genesis Capital và Qiming Venture Partners đều tìm đến Mỹ và Châu Âu.

Trong khi đó, những người ở lại Trung Quốc thì có cảm giác khá bi tráng. Một giám đốc điều hành tại Thượng hải cho biết mình vẫn ở lại Trung Quốc vì không có lựa chọn nào khác do các khoản đầu tư của ông đều ở đây.

"Giờ đây chúng tôi trông giống như một con tàu Titanic đang chìm vậy", vị giám đốc này thừa nhận.

*Nguồn: FT


(0) Bình luận
'Ngày tàn' của giới khởi nghiệp Trung Quốc: Từ hơn 51.000 startup xuống chỉ còn hơn 1.000, nhiều văn phòng bỏ hoang phủ đầy bụi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO