Ngày này năm xưa, một thiên tài ra đời: Lúc nhỏ luôn hỏi câu mà chúng ta cho là "phiền phức", bị bệnh này nhưng lại giúp việc phát minh siêu thuận lợi

Thùy Bảo | 22:15 10/02/2023

Thomas Edison là nhà bác học vĩ đại, ông đã tạo ra nhiều phát minh hữu ích cho con người.

Ngày này năm xưa, một thiên tài ra đời: Lúc nhỏ luôn hỏi câu mà chúng ta cho là "phiền phức", bị bệnh này nhưng lại giúp việc phát minh siêu thuận lợi

Một danh nhân thế giới

Thomas Edison sinh ngày 11/2/1847 - ngày này 176 năm trước, trong một gia đình trung lưu ở bang Ohio, nước Mỹ. Ông là một trong những vĩ nhân có tầm ảnh hưởng nhất của lịch sử phát triển thế giới. 

Thưở nhỏ, Edison rất ốm yếu. Ông luôn hiếu kỳ với mọi thứ xung quanh, liên tục đặt các câu hỏi “tại sao, thế nào,..” để tìm ra nguồn gốc của sự vật, sự việc. Tại lớp học, Edison luôn chìm trong không gian suy nghĩ của mình và không trả lời câu hỏi của thầy giáo. Đó chính là lý do khiến ông thường xuyên đội sổ và bị bạn bè xa lánh.

Sau 3 tháng đến trường, Edison đã nghỉ học và học tại nhà với mẹ, bà cũng là một giáo viên giỏi. Chính bà đã có công tạo dựng nên nền tảng kiến thức cơ bản giúp Edison có thể tiến xa hơn trong con đường trở thành nhà phát minh của mình.

Sau này, bằng nỗ lực với nhiều năm miệt mài, Edison đã tạo ra rất nhiều phát minh thay đổi nhân loại. Trong số đó phải kể đến máy hát đĩa quay tay, máy chiếu phim, bút nén khí stencil, cầu chì hay bóng đèn sợi đốt.

screenshot-2023-02-10-173146.png

Trước đó, có nhiều nhà khoa học cũng đã phát minh ra chiếc bóng đèn này nhưng phiên bản của Edison được cho là hiệu quả nhất và giúp đưa ánh sáng tới khắp nơi trên thế giới. Từ đó, Edison đã trở nên nổi tiếng và được đánh giá là một trong những nhà phát minh hàng đầu. 

Vén màn bí ẩn đằng sau đôi tai của nhà bác học

Đằng sau thành công và sự nổi tiếng, nhà bác học Thomas Edison còn có một điều “kỳ lạ”, khiến nhiều chuyên gia về thính giác hiện nay vẫn còn tranh luận sôi nổi.

Đó là nguyên nhân vì sao vị thiên tài này lại bị điếc? Theo các thông tin được ghi chép lại, vào năm 12 tuổi, Edison đã bắt đầu mất thính lực. Sau này, ông bị điếc hoàn toàn tai trái và mất đến khoảng 80% khả năng nghe ở tai phải. 

Có thông tin cho biết Edison gặp tình trạng này sau khi ông bị một người soát vé trên tàu hỏa đánh vào tai vì đã gây hỏa hoạn khi vừa đi tàu vừa làm thí nghiệm với hóa chất. 

Tuy nhiên, một phiên bản khác lại cho rằng, Edison mất thính lực là do ông bị sốt khi còn nhỏ. Cũng có người nói ông bị người lái tàu “xách tai” để nhấc lên tàu và tai bị ảnh hưởng từ đó. 

Một vài thông tin lại cho rằng Edison từng nói với những người bạn thân rằng thật ra không có sự kiện nào xảy ra cả. Ông chỉ nói mình điếc từ năm 12 tuổi. 

Một trong những người viết tiểu sử của Edison, Paul Israel, đồng thời là tổng biên tập của Thomas A. Edison Papers tại Đại học Rutgers, đã cho biết Edison bị nhiễm trùng tai nhiều lần khi còn nhỏ, điều này có thể đã một phần gây ra chứng điếc của ông. 

Ngày nay, nhiều bác sĩ nhi khoa chỉ ra rằng nhiều bệnh nhiễm trùng tai là do vi-rút gây ra. Tuy nhiên, thời kỳ đó, thuốc kháng sinh lại không dễ dàng kê đơn nên có thể chậm trễ việc chữa trị cho nhà bác học. 

Nhưng cho đến nay, tất cả nguyên nhân vẫn chỉ là giả thuyết, chưa có một lời khẳng định chắc chắn nào về “đôi tai bí ẩn của ông”. Nhưng có một điều chắc chắn là Edison thực sự thích việc không nghe thấy gì. 

Ông đã từng kể rằng, việc không nghe được những âm thanh xung quanh càng khiến bản thân ông dễ dàng tập trung vào các thí nghiệm của mình. Đối với Edison, chứng điếc giúp ông loại bỏ đi những âm thanh vô nghĩa và tập trung 100% bộ não của mình vào thí nghiệm. Có thể nói, “đôi tai điếc” chính là bộ áo giáp phần nào kiến tạo nên nhiều phát minh vĩ đại.

Cũng chính bởi vậy nên nhiều năm sau, khi đã thành danh và có đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật khôi phục thính lực nhưng Edison vẫn từ chối và giữ đôi tai “nghễnh ngãng” này. 

Tham khảo: PBS NewsHour













(0) Bình luận
Ngày này năm xưa, một thiên tài ra đời: Lúc nhỏ luôn hỏi câu mà chúng ta cho là "phiền phức", bị bệnh này nhưng lại giúp việc phát minh siêu thuận lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO