Nội dung chính:
- 8/10 doanh nghiệp thủy sản được thống kê đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong năm 2022.
- Hàng tồn kho của “vua cá tra” Vĩnh Hoàn tăng gần 66% trong năm 2022.
- Xuất khẩu tôm và cá tra giảm một nửa trong tháng 1/2023 do nhu cầu tại các thị trường châu Âu, Mỹ suy yếu.
Ngành thủy sản đánh dấu một năm thành công nhờ giá trị xuất khẩu kỷ lục. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm và cá tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất.
5 thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2022 là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Xuất khẩu tăng trưởng đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản.
Lợi nhuận sau thuế của 10 doanh nghiệp thủy sản niêm yết và đăng ký giao dịch chứng khoán (Nguồn dữ liệu: FiinPro)
Thủy sản Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) duy trì vị thế doanh nghiệp đầu ngành nhưng đã bắt đầu chững lại trong nửa cuối năm sau khi đạt đỉnh lợi nhuận vào quý II/2022. Dù vậy, lợi nhuận năm 2022 của “vua cá tra” vẫn tăng 82% so với năm 2021, đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Xếp ngay sau Thủy sản Vĩnh Hoàn là “vua tôm” Minh Phú (UPCoM: MPC). Năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỷ đô la, tăng 11% so với năm 2021. Tôm Minh Phú cũng hưởng lợi từ làn sóng xuất khẩu này và thu về khoản lãi cao kỷ lục, gần 839 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ năm 2014.
Thủy sản Nam Việt (HoSE: ANV) chứng kiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bùng nổ trong năm 2022 với khoản lãi gần 674 tỷ đồng sau thuế, tăng 423% so với năm 2021.
Trái với kết quả khả quan từ các doanh nghiệp lớn trong ngành, Thủy sản Ngô Quyền (UPCoM: NGC) và Thủy sản số 4 (UPCoM: TS4) đều ghi nhận lỗ sau thuế trong năm 2022, lần lượt lỗ 5,3 tỷ đồng và 12,9 tỷ đồng.
Mặc dù đã thoát khỏi cảnh kinh doanh dưới giá vốn khi lãi gộp gần 11,5 tỷ đồng trong năm 2022 nhưng chi phí lãi vay cao đã bào mòn lợi nhuận của Thủy sản số 4, khiến doanh nghiệp này ghi nhận 4 năm liên tiếp kinh doanh thua lỗ.
Mức tăng trưởng bắt đầu chững lại vào nửa cuối năm do lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU,... khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Điều này thể hiện rõ qua giá trị xuất khẩu toàn ngành và kết quả kinh doanh quý IV của một số doanh nghiệp.
Tổng lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 của 10 doanh nghiệp kể trên đã giảm 20% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 của nhiều doanh nghiệp thủy sản giảm mạnh so với cùng kỳ. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)
Trong đó, mức giảm mạnh nhất thuộc về Thủy sản Ngô Quyền khi chuyển từ khoản lãi gần 3,1 tỷ đồng sau thuế hồi quý IV/2021 thành lỗ 2,34 tỷ đồng trong quý cuối năm 2022.
Thủy sản Vĩnh Hoàn cũng ghi nhận lợi nhuận quý IV giảm 57% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp quý IV/2022 của doanh nghiệp này đạt 19,1%, giảm 4,3 điểm % so với cùng kỳ, chủ yếu do giá bán giảm mạnh.
Tồn kho của doanh nghiệp cá tra tăng mạnh
Từ quý IV/2022, ngành thủy sản Việt Nam bắt đầu chững lại. Xuất khẩu thủy sản tháng 10/2022 chỉ tăng 2% so với cùng kỳ; sang tháng 11/2022 thấp hơn 14% so với tháng 11/2021, đến tháng 12/2022 tiếp tục giảm 13% so với cùng kỳ và dự báo đà sụt giảm kéo dài sang năm 2023 - theo số liệu từ VASEP.
Cuối năm 2022, tồn kho của 10 doanh nghiệp thủy sản đạt gần 16.500 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm - chủ yếu do mức tăng từ các doanh nghiệp cá tra.
Hàng tồn kho của 10 doanh nghiệp thủy sản cuối năm 2022. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)
Hàng tồn kho của Vĩnh Hoàn tăng 66% trong năm 2022, lên xấp xỉ 3.113 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và tồn kho thành phẩm. Công tyđã phải trích lập dự phòng hơn 400 tỷ đồng cho tồn kho thành phẩm do sức mua thấp tại Mỹ - thị trường chính và giá bán giảm mạnh tại các thị trường xuất khẩu.
Cùng xuất khẩu cá tra sang Mỹ, Thủy sản Nam Việt cũng ghi nhận lượng tồn kho tăng 31% so với đầu năm, lên trên 2.340 tỷ đồng.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định ngành cá tra thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do nền kinh tế thế giới chậm lại khiến các khách hàng vẫn khá dè dặt với đơn đặt hàng mới dù tồn kho tại thị trường xuất khẩu đã được giải phóng phần nào.
Lạm phát vẫn là trở ngại lớn nhất với ngành thủy sản
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho biết ngành thủy sản đang chịu tác động từ lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tại các thị trường tiêu dùng thủy sản.
Theo VASEP, xuất khẩu cá tra tháng 1 năm 2023 chỉ đạt 83,6 triệu USD, giảm 61% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều giảm 2 chữ số, riêng thị trường Mỹ giảm đến 81% so với tháng 1/2022. Xuất khẩu tôm cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Giá xuất khẩu cá tra tại thị trường Mỹ liên tục đi xuống. (Ảnh: VASEP)
Mặc dù cần thêm thời gian để đánh giá tác động từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, SSI Research tin rằng điều đó sẽ có lợi cho doanh thu của ngành cá tra vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc là một thị trường nhạy cảm về giá và giá bán bình quân sang thị trường này luôn ở mức thấp hơn khoảng 40% so với giá bán bình quân sang thị trường Mỹ.
SSI Research cho rằng rằng doanh thu tại thị trường Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ thị trường Hoa Kỳ và EU nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm 2023, một phần do mức nền so sánh cao năm 2022.
Đồng quan điểm, chứng khoán KBSV nhận định cá tra Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với cá rô phi nước này nên việc Trung Quốc mở cửa chỉ giảm bớt áp lực tăng trưởng chứ không tạo sự bùng nổ tại thị trường 1,4 tỷ dân.