Ngành thép kinh doanh ảm đạm cuối năm 2022

Thu Thuỷ | 14:01 26/01/2023

Hàng loạt doanh nghiệp ngành thép báo lỗ, lỗ nặng trong quý 4/2022, điển hình là các ông lớn ngành thép từ Hòa Phát, Nam Kim, Tisco, VNSteel và Mê Lin,… Trong khi tiêu thụ ngành thép cũng giảm theo giá bán.

Ngành thép kinh doanh ảm đạm cuối năm 2022
Ngành thép có một kỳ kinh doanh ảm đạm nhất trong nhiều năm qua. (Ảnh: Int)

Hòa Phát (HPG) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên công bố kết quả kinh doanh với mức lỗ gần 2.000 tỷ đồng trong quý 4/2022. Cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp này lãi hơn 7.400 tỷ đồng. Lỗ quý thứ hai liên tiếp kéo lợi nhuận cả năm giảm hơn ba phần tư, từ mức hơn 34.580 tỷ đồng về còn hơn 8.400 tỷ đồng.

Thép Nam Kim (NKG) công bố lợi nhuận sau thuế âm hơn 350 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 450 tỷ đồng. Với hai quý lỗ liên tiếp, lợi nhuận doanh nghiệp này quay về mức âm sau 10 năm lãi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Cả năm 2022, NKG lỗ 67 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi khoảng 2.225 tỷ đồng.

Gang thép Thái Nguyên (Tisco), tính riêng quý 4 doanh thu thuần đạt 2.172 tỷ đồng, giảm 33% so với quý 4 năm ngoái. Trong kỳ, doanh thu tài chính đạt 12 tỷ đồng, còn chi phí tài chính hơn 44 tỷ đồng trong khi quý 4/2021 ghi âm 86,7 tỷ đồng do điều chỉnh chênh lệch tỷ giá đã hạch toán đầu năm. Quý này, Tisco ghi nhận lỗ sau thuế 17 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi 9 tỷ đồng. Đây là quý thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp thép này thua lỗ.

picture21.png

Tình hình bán hàng thép thành phẩm cũng không mấy khả quan ngay trong cao điểm tiêu thụ thép của năm. (Nguồn: VAS)

Thép Mê Lin (MEL), lại kinh doanh dưới giá vốn khiến quý 4 của MEL lỗ gộp gần 1 tỷ đồng. Doanh thu tài chính của công ty giảm 67% chỉ còn 715 triệu đồng. Ngược lại, chi phí tài chính lại tăng mạnh lên 6,24 tỷ đồng (tăng 65% so với quý 4/2021). Trong đó, hơn 5,5 tỷ đồng là chi phí lãi vay. Kết quả, MEL lỗ sau thuế gần 9,5 tỷ đồng, luỹ kế cả năm 2022, MEL lãi 5,7 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ.

Một ông lớn nữa trong ngành là Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), cũng báo lỗ hơn 410 tỷ đồng trong quý cuối năm, nâng mức lỗ thêm 93% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm, VNSteel lỗ hơn 820 tỷ đồng, trong khi năm 2021 có lãi gần 860 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp này có lợi nhuận âm kể từ năm 2014 và cũng là mức lỗ lớn nhất kể từ khi công bố thông tin vào năm 2011.

Bên cạnh đó, tình hình tiêu thụ lẫn giá bán sản phẩm kém khả quan trong năm 2022. Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, sản xuất thép thành phẩm hơn đạt 29,3 triệu tấn, giảm gần 12% so với năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 27,3 triệu tấn, giảm hơn 7%. Trong đó xuất khẩu giảm hơn 19%. Chênh lệch giữa sản xuất và bán hàng lên đến hơn 2 triệu tấn thép thành phẩm.

Ngay cả quý cuối năm, cao điểm của ngành thép, tình hình tiêu thụ cũng không khả quan như thường lệ. Bán hàng thép thành phẩm qúy 4/2022 đạt 5,99 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2021. Giai đoạn cuối năm, ngành thép thường hưởng lợi từ yếu tố mùa vụ khi người dân có nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà cửa, công trình... ngày càng cao.

Tuy nhiên nhóm này chiếm tỷ trọng không quá lớn. Thép trong nước chủ yếu được tiêu thụ nhờ các dự án bất động sản và đầu tư công. Nhưng nhóm dự án địa ốc gần như bị đóng băng khi thị trường gặp khó về pháp lý, vốn, thanh khoản...

Về giá bán, khép lại đợt tăng mạnh sau Tết nguyên đán, thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 từng bước lùi về vùng 15 triệu đồng một tấn từ cuối tháng 8/2022. Trong quý IV, giá thép về đáy hai năm khi nhiều thương hiệu lớn bán ra với giá quanh 14 triệu đồng một tấn.

Gần đây, nhiều thương hiệu nâng giá bán mỗi tấn thép vượt 15 triệu đồng. Tuy nhiên động lực tăng giá lại là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng, chưa phải đến từ nhu cầu thị trường sôi động trở lại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngành thép kinh doanh ảm đạm cuối năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO