Ngành ngân hàng sẽ thế nào trước bức tranh kinh tế thế giới không còn lạc quan?

Văn Tuệ | 11:43 22/10/2022

Chuyên gia cho biết, thông thường khi thắt chặt tiền tệ, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm đi. Tuy nhiên ngành ngân hàng Việt đang ở vị thế khác. Các biến động tỷ giá cũng như sự sụt giảm lượng cầu trong tương là không quá đáng lo ngại.

Ngành ngân hàng sẽ thế nào trước bức tranh kinh tế thế giới không còn lạc quan?
Ảnh minh họa

Triển vọng kinh tế toàn cầu kém lạc quan

Từ đầu năm 2022, hàng loạt nền kinh tế lớn ở khu vực châu Mỹ và châu Âu đã chứng kiến mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Các ngân hàng trung ương đã liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, trong đó FED tăng lãi suất 5 lần trong năm nay; ECB sau nhiều năm duy trì lãi suất 0% cũng đã nâng lãi suất lên 1,25% vào tháng 9 vừa qua.

Tuy nhiên, lạm phát lại đang hạ nhiệt chậm hơn so với tốc độ tăng lãi suất. Trong bối cảnh đó, không ít nhà kinh tế lo ngại rằng việc tiếp tục kiểm soát tiền tệ chặt hơn có thể chưa khống chế được bão giá thì đã gây ra suy giảm kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của hàng loạt nền kinh tế lớn. Trong đó, khu vực đồng tiền chung châu Âu từ 0,7% xuống còn 0,5%; Mỹ từ 2,3% xuống còn 1,6%; khu vực các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 4,9% vào năm 2023, giảm 10 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7.

ecb.png
Nguồn: Trading Economics

Nền kinh tế Việt Nam vừa ghi nhận tăng trưởng GDP quý 3 lên đến 13,67% so với cùng kỳ năm 2021, 9 tháng của năm đã tăng 8,83%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Tuy nhiên, tăng trưởng cung tiền trong nền kinh tế đã có xu hướng trưởng chậm lại. Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cũng liên tục được nâng lên. Hồi cuối tháng 9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nâng trần một loạt lãi suất điều hành thêm 1%. Gần đây, để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của FED cũng như các ngân hàng trung ương trên thế giới, NHNN đã nới biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức +/-3% lên +/-5%.

Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam nhìn chung đều đã tăng lên. Các kỳ hạn từ 1-7 năm liên tục thu hẹp khoảng cách với các các kỳ hạn dài. Cập nhật chiều ngày 20/10/2022, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm là 5%/năm; kỳ hạn 1 và 2 năm là 4,795%, 3 năm là 4,855%; 4,878% đối với kỳ hạn 5 năm; đặc biệt là kỳ hạn 7 năm đang áp sát kỳ hạn 10 năm khi có mức lợi suất 4,938%.

Giới phân tích đang có một số ý kiến cho rằng nếu lợi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lợi suất trái phiếu dài hạn, đường cong lợi suất đảo ngược có thể xảy ra và trong trường hợp đó nền kinh tế trong tương lai gần sẽ có thể ghi nhận một số khó khăn nhất định.

Báo cáo của IMF cũng có đánh giá, mặc dù nền kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ vẫn có thể lạc quan, nhưng sang năm 2023 đà tăng trưởng có thể chậm hơn. Cụ thể, tổ chức này đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 từ 6% lên 7%. Tuy nhiên, năm 2023 thì con số này được ước tính chỉ khoảng 6,2%.

Theo các chuyên gia, ngân hàng là vận động theo chu kỳ phát triển kinh tế. Nếu kinh tế tăng trưởng mạnh thì ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt và ngược lại trong bối cảnh vĩ mô như trên, ngành ngân hàng khó có thể nằm ngoài vùng ảnh hưởng.

loi-suat-vn.png

Ngành ngân hàng sẽ thế nào?

Về những tác động đến ngành ngân hàng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, thông thường khi thắt chặt tiền tệ, lợi nhuận của các nhà băng sẽ giảm đi. Tuy nhiên, ngành ngân hàng Việt Nam đang ở một trạng thái khác so với bức tranh chung. Chính sách tiền tệ đang vận động linh hoạt theo hướng mở rộng với các lĩnh vực cần tái cấu trúc, phát triển và thu hẹp với các lĩnh vực nhiều rủi ro, có khả năng gây nhiều xáo trộn. Sẽ có một số ảnh hưởng nhất định đến các ngân hàng. Tuy nhiên, nếu các nhà băng biết đa dạng hóa nguồn thu thì đây sẽ là thời điểm có thể ghi nhận lợi nhuận tốt hơn.

“Trong nguy có cơ, nước quá trong thì không có cá. Nếu ngân hàng biết linh hoạt chủ động thì đây là lúc có thể thu lợi lớn”, ông Thịnh nhận định.

Hiện tại, có không ít lo ngại về các biến động tỷ giá cũng như sự suy giảm kinh tế trên toàn cầu trong tương lai có thể ảnh hưởng đến hoạt động tài trợ thương mại của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo chuyên gia, vấn đề này là không có quá nhiều lo lắng.

Cụ thể, ông Thịnh cho rằng việc ổn định được đồng tỷ giá với đồng Đô la Mỹ là rất quan trọng. Vì có đến gần 70% giao dịch xuất nhập khẩu của Việt Nam đang được thực hiện bằng đồng tiền này. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, NHNN đã có nhiều biện pháp can thiệp để ổn định tỷ giá. Hiện tình hình tỷ giá vẫn đang ở mức bình ổn. Nếu tính từ thời điểm tháng 1 đến hiện tại, VND mất giá ít hơn so với một số đồng tiền khác như Yên Nhật, Bảng Anh, hay Euro.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, chuyên gia đánh giá, “Hoạt động xuất khẩu có thể giảm đi do nhu cầu tiêu dùng giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã và đang tìm cách mở rộng thị trường. Các thương vụ đại sứ quán tại các nước cũng đang làm rất tốt. Tổng kết 9 tháng hoạt động xuất khẩu vẫn đang ghi nhận kết quả tích cực”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngành ngân hàng sẽ thế nào trước bức tranh kinh tế thế giới không còn lạc quan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO